Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á dự chi 130 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi số trong ba năm tới

Theo báo cáo mới được công bố, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam ưu tiên số hóa doanh nghiệp và triển khai công nghệ mới cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hình thức trực tuyến khi đầu tư chuyển đổi số trong ba năm tiếp theo.

Theo một sách trắng gần đây của TDCX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á có kế hoạch triển khai thêm 130 tỷ USD để đầu tư vào quá trình số hóa các hoạt động kinh doanh của họ trong ba năm tới.

Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp này đã chi hơn 78 tỷ USD cho các sáng kiến số hóa trong ba năm qua. Công ty gia công quy trình kinh doanh có trụ sở chính tại Singapore đã khảo sát 750 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp các quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

TDCX cho biết các ưu tiên cho những khoản đầu tư trong tương lai được dành cho đổi mới sản phẩm và dịch vụ, chuyển đổi từ ngoại tuyến sang trực tuyến và cải tiến quy trình kinh doanh.

Tình hình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á. (Nguồn: TDCX - Doanh Chính tổng hợp).

Báo cáo của TDCX cũng chỉ ra rằng khu vực ASEAN có hơn 70 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nhận ra tầm quan trọng của việc số hóa để duy trì tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tận dụng các cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Singapore đi trước các quốc gia được khảo sát khác trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Nhìn chung, 76% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ASEAN vẫn đang trong giai đoạn đầu của hành trình số hóa, nhưng tình hình này mang đến cơ hội thuận lợi cho các nhà cung cấp công nghệ B2B.

Báo cáo cũng cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và F&B đang bị tụt lại phía sau trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số – trái ngược với các ngành như dịch vụ tài chính.

Các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ và F&B tụt hậu

Báo cáo của TDCX cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và F&B dường như đang tụt lại phía sau các đồng nghiệp khác trong quá trình chuyển đổi số.

Tình hình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong từng lĩnh vực tại Đông Nam Á. (Nguồn: TDCX - Doanh Chính tổng hợp).

Chỉ 16% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực này ở khu vực Đông Nam Á cho thấy họ đã thực hiện chuyển đổi số ở các phòng ban trong doanh nghiệp. Trong khi đại dịch COVID-19 buộc nhiều công ty phải chuyển đổi số, có lẽ không quá ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên vẫn tụt hậu do nhiều đơn vị thậm chí còn chưa có hoạt động trực tuyến trước đại dịch.

Vì vậy, một bộ phận đáng kể doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và F&B vẫn đang tìm cách để bắt kịp xu hướng. Ngay cả với lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực cần thiết phải chuyển đổi số bậc nhất, cứ 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỏi thì mới chỉ có ba đơn vị thực hiện chuyển đổi số.

Mục tiêu chuyển đổi số tại các doanh nghiệp ở từng quốc gia có sự khác nhau

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tất cả các thị trường được khảo sát bày tỏ nhu cầu tiếp tục triển khai nhiều công nghệ hơn trong hai năm tới. Tuy nhiên, mục tiêu và trọng tâm trong kế hoạch triển khai có sự khác biệt giữa từng quốc gia.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Indonesia và Việt Nam quan tâm nhất đến việc phát triển các nguồn doanh thu mới bằng cách thêm các dòng sản phẩm, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Singapore, Malaysia và Thái Lan tập trung vào việc tìm nguồn cung ứng cho khách hàng mới.

Tỷ lệ các công cụ được sử dụng nhiều nhất bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á. (Nguồn: TDCX - Doanh Chính tổng hợp).

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia và Việt Nam rất muốn cải thiện cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh của họ từ truyền thống truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. Cụ thể, hơn một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ tập trung vào mô hình kinh doanh thương mại điện tử “mobile first” do sự gia tăng mua hàng trên thiết bị di động của người tiêu dùng.

Ưu tiên kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á hai năm tới. (Nguồn: TDCX - Doanh Chính tổng hợp).

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á muốn nâng cao năng lực phân tích dữ liệu, mô hình kinh doanh kỹ thuật số, quy trình kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.

Cụ thể, cứ 10 doanh nghiệp thì có 8 đơn vị có ý định đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ của họ bằng cách tận dụng các công cụ kỹ thuật số như phân tích dữ liệu. Ngoài ra, 69% tập trung vào chuyển đổi mô hình kinh doanh (truyền thống sang thương mại điện tử).

Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực coi khả năng xoay chuyển hoạt động kinh doanh của họ là rất quan trọng, cho cả sự tồn tại và thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh người tiêu dùng chuyển sang thương mại điện tử như một điều mặc định.

Cải tiến quy trình kinh doanh là một yếu tố quan trọng khác được doanh nghiệp quan tâm khi đầu tư chuyển đổi số. 69% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết mong muốn số hóa các hoạt động như bán hàng, tiếp thị và quản lý quan hệ khách hàng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-tai-dong-nam-a-du-chi-130-ty-usd-cho-qua-trinh-chuyen-so-ba-nam-toi-20235881235696.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/