Cà phê thiết lập những kỷ lục mới, hứa hẹn tiếp tục khởi sắc trong vụ 2022-2023

Tính đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương con số thực hiện trong cả năm 2021. Hiện người trồng cà phê đang rục rịch bước vào vụ thu hoạch 2022-2023 với mức giá tương đối cao so với những năm trước, dao động 46.400 – 46.900 đồng/kg.

Thiết lập kỷ lục mới về giá và kim ngạch xuất khẩu

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay nhờ nhu cầu phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 và giá cà phê tăng cao trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn. Ngoài ra, sự gia tăng xuất khẩu cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung container và tàu được cải thiện.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9 xuất khẩu cà phê của nước ta đã đạt 1,3 triệu tấn với giá trị thu về 3,06 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng tới 37% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau ba quý đầu năm kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã đạt xấp xỉ 3,07 tỷ USD của cả năm 2021 và vượt xa năm 2019-2020. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất của mặt hàng này tính trong 9 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Với những động lực về giá, các sản phẩm giá trị gia tăng và hiệp định thương mại tự do, ngành cà phê đặt kỳ vọng mang về 4 tỷ USD từ xuất khẩu trong năm nay, vượt qua kỷ lục cũ là 3,7 tỷ USD của năm 2012.

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong tháng 9, giá xuất khẩu cà phê của nước ta chạm đỉnh trong hơn 14 năm qua với bình quân 2.443 USD/tấn, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức bình quân 2.283 USD/tấn.

Dù vậy, do tồn kho cuối vụ đã cạn nên xuất khẩu cà phê đã bắt đầu chậm lại trong những tháng gần đây. Trong tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này ghi nhận sự sụt giảm trong tháng thứ ba liên tiếp khi chỉ đạt 92.550 tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ. 

Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Về thị trường xuất khẩu, 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã tận dụng các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA và UKVFTA để gia tăng xuất khẩu.

EU vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 523.919 tấn trong 9 tháng, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng mạnh 22,4% về lượng và tăng 48,1% về trị giá so với cùng kỳ. Lượng cà phê xuất khẩu sang một số nước trong khu vực tăng rất mạnh như: Bỉ tăng 2,3 lần, đạt 103.024 tấn; Hà Lan tăng 2,6 lần, đạt 23.029 tấn; Tây ban Nha tăng 40%...

Xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng mạnh 56,2%, lên 36.005 tấn. Còn với thị trường Nga, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng tới 24% lên mức 77.018 tấn bất chấp ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức, Mỹ, Algeria, Trung Quốc… lại ghi nhận sự sụt giảm.

Giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong niên vụ 2022-2023?

Sau khi đạt mức kỷ lục gần 51.000 đồng/kg vào cuối tháng 8 do tồn kho thu hẹp, giá cà phê trong nước hiện đang dao động trong khoảng 46.400 – 46.900 đồng/kg (ngày 11/10). Con số này cao hơn so với thời điểm đầu vụ thu hoạch trong các năm trước, tăng 17 – 18% so với mức giá 39.300 – 40.2000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2021.

Điều này mang đến kỳ vọng về một vụ mùa được giá tiếp theo đối với người trồng cà phê trong nước.

So sánh giá cà phê đầu vụ thu hoạch trong 5 năm gần đây (ĐVT: Đồng/kg)

 

Ngày 11/10/2018

Ngày 11/10/2019

Ngày 11/10/2020

Ngày 11/10/2021

Ngày 11/10/2022

Đắk Lăk

36.100

32.600

31.900

40.200

46.900

Lâm Đồng

35.300

31.800

31.500

39.300

46.400

Gia Lai

36.000

32.100

31.700

40.100

46.700

Đắk Nông

35.800

32.200

31.700

40.100

46.700

Nhận định về triển vọng giá cà phê trong niên vụ 2022-2023, các chuyên gia cho rằng lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu, nhưng những rủi ro về nguồn cung do biến đổi khí hậu vẫn còn hiện hữu và xu hướng chuyển dịch sang cà phê robusta sẽ mở ra cơ hội đối với cà phê của Việt Nam.  

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, cho biết thời gian qua, các nước tiêu thụ chính trong đó có Mỹ, Châu Âu, đồng loạt tăng mạnh lãi suất.

Điều này khiến chi phí kinh doanh của những công ty nhập khẩu tăng lên và hoạt động mua hàng cũng trầm lắng. Đây cũng là lý do vì sao hiện lượng tồn kho trong nước vẫn đang thấp nhưng diễn biến lại trái ngược so với giai đoạn tháng 7,8. 

“Nền kinh tế thế giới nhiều nước bước vào suy thoái nhiều nước phải tìm mọi biện pháp để hạn chế lạm phát, trong đó tăng lãi suất. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ cà phê”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên sản lượng có thể giảm hơn so với mọi năm. 

"Điều chúng tôi đang lo ngại là năm nay tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, mưa nhiều khiến hoạt động chế biến trong thời gian thu hoạch trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê. Dự kiến sản lượng cà phê năm nay giảm 10% so với năm ngoái xuống khoảng 1,6 triệu tấn", theo đại diện của Vicofa.

Thị trường cà phê toàn cầu cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Colombia, nước này cũng đang chật vật trong việc phục hồi các vườn các phê sau đợt tàn phá của những con mưa lớn.

Trả lời Bloomberg, ông Silas Brasileiro, Chủ tịch Hội đồng Cà phê Brazil, cho biết hàng tồn kho của Brazil có thể giảm xuống chỉ còn 7 triệu bao (60kg/bao) vào tháng 3/2023 - mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngay cả khi lạc quan nhất, giới phân tích cho rằng tồn kho cà phê của Brazil cũng chỉ có thể dao động trong khoảng 9 - 12 triệu bao.

Nguồn cung cà phê của Brazil thấp gây ra tình trạng khan hiếm toàn cầu. Điều này đồng nghĩa giá cà phê có thể tăng cao hơn trong bối cảnh lạm phát lương thực vẫn đang kéo dài. Các kho dự trữ arabica do sàn ICE Futures giám sát đang ở mức thấp nhất trong 23 năm. 

Thời tiết bất lợi cũng đang xảy ra tại các nước trồng cà phê lớn Guatemala, Honduras và Nicaragua. Cùng lúc, tồn kho tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, cũng đang giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng sản lượng trong đợt thu hoạch tới không mấy khả quan. 

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ loại cà phê robusta “giàu vị đắng” có giá rẻ hơn arabica đang ngày càng tăng. Nguyên nhân là người tiêu dùng buộc phải tiết kiệm chi tiêu trong thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái, thu nhập khó khăn hơn, nên chuyển sang chọn loại cà phê hòa tan dùng tại nhà. Đây được cho là cơ hội đối với cà phê Việt Nam, nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ca-phe-thiet-lap-nhung-ky-luc-moi-hua-hen-tiep-tuc-khoi-sac-trong-vu-2022-2023-20221011103545275.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/