C69 lao dốc hơn 60% sau khi đưa lượng cổ phiếu khủng vào giao dịch, kịch bản tương tự có xảy đến với MBG?

Trong tháng 11 này, 20 triệu cổ phiếu MBG được phát hành riêng lẻ vào tháng 10/2018 đã hết thời gian hạn chế chuyển nhượng sẽ được giao dịch. Trước đó, cổ phiếu này đã chứng kiến nhịp tăng giá gấp 14 lần chỉ trong vòng 6 tháng kể từ tháng 4/2019.

Trong gần 2 tháng giao dịch kể từ đầu tháng 10, cổ phiếu C69 của CTCP Xây dựng 1369 chứng kiến chuỗi lao dốc mạnh nhất trong lịch sử khiến nhiều nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, sau giai đoạn tăng giá từ năm 2019, cổ phiếu C69 tạo đỉnh ngày 27/9 tại mức giá 30.800 đồng, sau đó liên tục giảm giá xuống còn 11.900 đồng/cp hết phiên 18/11, tương ứng mức giảm hơn 60%.

Điều đặc biệt là, ngoài việc lao dốc sau con sóng tăng mạnh, nhịp rơi của C69 cũng diễn ra sau khi lượng cổ phiếu khủng được đưa vào giao dịch từ tháng 9/2019.

c69

Diễn biến cổ phiếu C69 trong một năm trở lại đây. Nguồn: VNDirect

Cụ thể, giai đoạn trước tháng 2/2019, cổ phiếu C69 giao dịch lình xình quanh 4.000 đồng/cp và gần như không có thanh khoản. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2019, thanh khoản đã bắt đầu xuất hiện và chuỗi tăng gia của C69 cũng xuất phát từ thời điểm này.

Trong vòng 7 tháng từ đầu tháng 3 đến hết tháng 9/2019, cổ phiếu C69 chứng kiến những nhịp tăng giá và tích lũy liên tiếp, với mức tăng gấp 7,5 lần từ 4.100 đồng/cp lên 30.800 đồng/cp.

Đặc biệt, riêng tháng 9/2019, thời điểm số lượng cổ phiếu khủng phát hành riêng lẻ năm 2018 hết thời gian hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu C69 bước vào nhịp bứt tốc với mức tăng gần gấp đôi từ quanh 16.000 đồng/cp lên 30.800 đồng/cp

Thanh khoản trong giai đoạn này cũng tăng vọt lên mức trung bình trên 600.000 đơn vị mỗi phiên, cao gấp đôi so với mức trung bình khoảng 300.000 đơn vị mỗi phiên trong giai đoạn trước.

Sau giai đoạn đó, cổ phiếu này tạo đỉnh tại 30.800 đồng/cp vào ngày 27/9 rồi liên tục chứng kiến những phiên giảm giá với biên độ lớn. Chỉ trong gần hai tháng giao dịch, cổ phiếu này xuất hiện tới 12 phiên giảm kịch sàn, kèm theo đó là nhiều phiên giảm biên độ trên 5%.

Đến hết phiên 18/11, cổ phiếu C69 giảm xuống chỉ còn 11.900 đồng/cp, tương ứng mức giảm hơn 60% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Trong tháng 9/2019, Xây dựng 1369 đưa vào giao dịch thêm 5 triệu cổ phiếu. Đây là số cổ phiếu được phát hành trong đợt chào riêng lẻ cho cổ đông chiến lược vào tháng 8/2018. Thời gian hạn chế chuyển nhượng sổ cổ phiếu này là một năm.

Tại thời điểm đó, cổ phiếu C69 dao động quanh mức giá 5.000 đồng/cp, trong khi giá phát hành là 10.000 đồng/cp, tức cổ đông phải trả mức giá cao gấp đôi so với giá thị trường tại thời điểm phát hành.

Mới đây, CTCP Xây dựng 1369 (Mã: C69) công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc niêm yết bổ sung 5 triệu cổ phiếu C69 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thời gian dự kiến trong quí IV/2019. Đây là số cổ phiếu trong đợt chào bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu vào tháng 9 vừa qua, với mức giá chào bán 10.000 đồng/cp.

Như vậy, chỉ từ tháng 9/2019 đến hết năm nay, Xây dựng 1369 đã có thêm 10 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương 2/3 số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty.

Một doanh nghiệp khác cũng đưa lượng hàng khủng vào giao dịch khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh

Tương tự Xây dựng 1369, một doanh nghiệp khác cũng đón nhận lượng cổ phiếu khủng được giao dịch là CTCP Tập đoàn MBG (MBG Group - Mã: MBG). Cụ thể, 20 triệu cổ phiếu MBG được phát hành riêng lẻ vào tháng 10/2018 đã hết thời gian hạn chế chuyển nhượng một năm và sẽ được tự do chuyển nhượng từ tháng 11 này.

Cách đây hơn một năm, trong tháng 10/2018, MBG Group đã phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, nâng số lượng cổ phiếu lưu hành gần gấp đôi lên 41,84 triệu đơn vị.

Thêm một điểm giống với Xây dựng 1369, giá phát hành riêng lẻ của MBG Group là 10.000 đồng/cp trong khi thị giá cổ phiếu MBG thời điểm đó chỉ ở quanh mức 4.000 đồng/cp, tức nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền cao gấp 2,5 lần so với mua cổ phiếu trên thị trường. Đồng thời, số cổ phiếu phát hành thêm bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.

Điều đáng nói, "đối tác chiến lược" ở đây lại là 14 nhà đầu tư cá nhân với tỉ lệ sở hữu của mỗi người sau đợt phát hành đều ở dưới mức 5%, tức chưa trở thành cổ đông lớn và dĩ nhiên không phải chịu các nghĩa vụ công bố thông tin nếu có giao dịch.

mbg

Tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư trong đợt phát hành riêng lẻ vào tháng 11/2018. Nguồn: MBG Group.

Một chi tiết đáng lưu ý khác, số liệu trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018 cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về đợt phát hành trên, người viết đã đề cập trong bài viết "Cổ phiếu MBG tăng 14 lần chỉ trong nửa năm, nhà đầu tư đang kì vọng điều gì?"

Đến thời điểm hiện tại, thời gian một năm hạn chế chuyển nhượng đối với số phiếu phát hành trên đã hết, nếu những nhà đầu tư mua cổ phiếu riêng lẻ bán ra tại thời điểm này, mức lãi thu về cao gấp hơn hơn 5 lần so với số tiền bỏ ra ban đầu, nói cách khác số tiền 200 tỉ đồng ban đầu hiện đã có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.

Kịch bản của C69 có diễn ra với cổ phiếu MBG?

Giống với C69, cổ phiếu MBG đã trải qua giai đoạn tăng nóng từ đầu năm 2019, và cũng đang có dấu hiệu quay đầu khi sắp đón nhận lượng hàng khủng vào giao dịch.

mbg

Diễn biến cổ phiếu MBG trong vòng một năm trở lại đây. Nguồn: VNDirect

Cụ thể, bắt đầu từ tháng 8/2109, cổ phiếu MBG CTCP Tập đoàn MBG làm mưa làm gió trên sàn HNX khi liên tục chứng kiến chuỗi tăng giá khủng với mức tăng gấp hơn 7 lần chỉ trong vòng 3 tháng.

Đáng chú ý, không chỉ bứt phá trong những phiên gần đây, cổ phiếu MBG đã miệt mài tăng giá kể từ tháng 4/2019 với mức tăng gấp 14 lần, đây cũng là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường chứng khoán trong nửa năm trở lại đây.

Lật lại lịch sử giao dịch, giai đoạn trước tháng 4/2019, cổ phiếu MBG dao động lình xình quanh mức giá 4.000 đồng/cp với thanh khoản thấp, chỉ khoảng 100.000 đơn vị mỗi phiên.

Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2019 cổ phiếu này giao dịch tích cực hơn bước vào xu hướng tăng giá, dù thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện, vẫn ở quanh mức 100.000 đơn vị mỗi phiên. Sau 3 tháng, cổ phiếu MBG đã ghi nhận mức tăng giá 88% lên 7.500 đồng/cp vào đầu tháng 8/2019, dù vậy đây cũng mới chỉ là giai đoạn bắt đầu.

Ngày 5/8/2019, công ty chính thức đổi tên từ CTCP Ðầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam thành CTCP Tập đoàn MBG. Cũng chính từ thời điểm này, cổ phiếu MBG bước vào giai đoạn bứt tốc với những nhịp tăng giá khủng, vượt qua đỉnh lịch sử 20.800 đồng/cp năm 2016 và liên tiếp thiết lập nên những đỉnh giá mới.

Đồng thời, thanh khoản cổ phiếu cũng tăng mạnh kể từ tháng 10/2019 với khối lượng giao dịch trung mỗi phiên trên 300.000 đơn vị, cao gấp 3 lần so với giai đoạn trước.

Tính trong thời gian 6 tháng kể từ khi bắt đầu tăng giá vào tháng 4/2019, cổ phiếu này tăng gấp 14 lần. Thậm chí, nếu so với mức đáy lịch sử 2.000 đồng/cp thiết lập hồi tháng 5/2018, cổ phiếu MBG đã tăng giá gấp gần 27 lần, mức tăng kỉ lục hiếm khi xuất hiện trên sàn chứng khoán.

Dù vậy, trong hai phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu MBG đã quay đầu giảm, thanh khoản cũng duy trì ở mức cao. Kết phiên 18/11, cổ phiếu MBG đóng cửa tại 47.000 đồng/cp, giảm hơn 19% so với đỉnh 58.200 đồng/cp thiết lập ngày 14/11.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy kịch bản cổ phiếu MBG đang có phần giống với những gì xảy đến với cổ phiếu C69. Tuy nhiên, không thể khẳng định rằng sau đó cổ phiếu này sẽ lao dốc do diễn biến cổ phiếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường.

Dù vậy, đối với những cổ phiếu tăng nóng mà không gắn liền với hoạt động kinh doanh, thông tin mập mờ, nhà đầu tư cần có những phân tích, đánh giá thực tế, khách quan trước khi quyết định xuống tiền.

Đặc biệt, nhà đầu cũng cần có kế hoạch quản trị rủi ro thật kĩ để tránh những thiệt hại không đáng có như những trường hợp của FTM, TTB hay C69 diễn ra gần đây.

ss

Cổ phiếu MBG đang diễn biến giống với kịch bản của cổ phiếu C69 giai đoạn trước tháng 10, kịch bản lao dốc có lặp lại? (Nguồn: VNDirect).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/c69-lao-doc-hon-60-sau-khi-dua-luong-co-phieu-khung-vao-giao-dich-kich-ban-tuong-tu-co-xay-den-voi-mbg-20191118174518913.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/