BSC: Lạm phát lõi gia tăng vẫn đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ của NHNN

CPI lõi duy trì xu hướng tăng mạnh từ quý II và chính thức vượt lên CPI toàn phần từ giữa quý III. BSC cho rằng tình trạng lạm phát lõi gia tăng vẫn đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) duy trì dự báo CPI cuối năm 2022 đạt 4% trong kịch bản tích cực và 4,8% trong kịch bản tiêu cực. Các giả định chính gồm giá dầu Brent trung bình dao động quanh ngưỡng 80- 100 USD/thùng; giá lợn giao dịch trong vùng từ 70.000 – 80.000 đồng/kg và giá lương thực, thực phẩm tăng trở lại vào cuối năm 2022. 

CPI cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và dịch vụ y tế và giáo dục) tăng 4,81% so với cùng kỳ trong tháng 11, khiến mức bình quân 11 tháng là 2,38%. CPI lõi duy trì xu hướng tăng mạnh từ quý II và chính thức vượt lên CPI toàn phần từ giữa quý III. BSC cho rằng tình trạng lạm phát lõi gia tăng vẫn đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

 

Ngoài ra, khối phân tích cũng nêu kỳ vọng cầu tiêu dùng tăng trong tháng cuối năm. 

"Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng,…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới nhưng nhìn chung cầu hàng hóa dịch vụ trong nước vẫn có sự tăng trưởng tích cực so với năm ngoái", BSC cho biết.

BSC đánh giá cầu tiêu dùng cuối năm có thể tăng trưởng tốt nhờ dịp mua sắm các kỳ nghỉ lễ. 

 Nguồn: BSC.

11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5,18 triệu tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Mảng Du lịch lữ hành vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất hơn 300%.

Tính riêng tháng 11, tổng mức tăng 2,58% so với tháng trước, trong đó Bán lẻ tăng 2,63%, Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,78% nhờ trong tháng có những sự kiện như 20/11, Black Friday. 

Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 11 đạt 47,4 điểm, lần đầu tiên quay trở lại mức dưới 50 điểm sau hơn hai năm do: cầu giảm (chủ yếu đến từ khu vực xuất khẩu) khiến số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm; tỷ giá ở mức cao khiến nguyên vật liệu đầu vào trở nên đắt đỏ hơn; việc làm cũng giảm theo khi doanh nghiệp nỗ lực tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, giá bán hàng cũng giảm trong bối cảnh nhu cầu giảm.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tình hình sử dụng lao động có xu hướng giảm.

11 tháng 2022, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 30,44% so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,48%. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động và đã hoàn tất thủ tục giải thể cũng tăng.

Sử dụng lao động công nghiệp toàn ngành tăng 5,86% so với cùng kỳ (chế biến chế tạo giảm 0,08% ). BSC nhận định đà tăng của chỉ số sử dụng lao động có xu hướng giảm trong những tháng gần đây. 

 Nguồn: BSC.

"Trong bối cảnh vĩ mô thế giới kém tích cực, trong nước thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do khan hiếm nguyên liệu đầu vào, số lượng đơn đặt hàng giảm do cầu giảm khiến tình hình sử dụng lao động có xu hướng đi xuống trong những tháng gần đây. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động", các chuyên gia tại đây cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bsc-lam-phat-loi-gia-tang-van-dang-gay-ap-luc-len-chinh-sach-tien-te-cua-nhnn-202212691256864.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/