BSC: Lãi ròng SMC ước tăng gấp đôi trong năm nay nhờ giá thép lên đỉnh

Nhờ vào việc thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng cao, BSC dự báo mức lãi ròng của Thép SMC trong năm 2021 sẽ đạt 630 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ năm trước.

BSC: Lãi ròng SMC ước tăng gấp đôi trong năm nay nhờ giá thép lên đỉnh - Ảnh 1.

Một sản phẩm thép của SMC. (Ảnh: SMC).

Chứng khoán BSC ra báo cáo về triển vọng kinh doanh của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) trong năm 2021. 

Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SMC trong năm nay lần lượt đạt 19.911 tỷ đồng và 630 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 26,5% và 106% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu từ thép thương mại tăng 25% và thép sản xuát – gia công tăng 28%.

Trước đó, ba tháng đầu năm nay, SMC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.281 tỷ đồng và 58 tỷ đồng. Với kết quả này, SMC đã đạt được 18,2% kế hoạch doanh thu thuần và 19% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cho cả năm.

Theo BSC, có ba động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của SMC trong năm 2021, gồm: thiếu hụt nguồn cung, nhu cầu tăng mạnh và giá nguyên liệu tăng cao.

Hiện nay, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp hạn chế sản xuất thép như yêu cầu cắt giảm sản lượng hay hủy bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu đối với 146 sản phẩm từ 1/5, cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 khiến hàng loạt nhà máy sản xuất thép ở Ấn Độ phải đóng cửa.

Đánh giá sơ bộ của BSC cho thấy hệ lụy từ những sự việc này dẫn đến việc ngành thép thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Đây có thể là động lực cho sự phát triển của ngành thép trong năm 2021.

Ngoài ra, nhu cầu về thép trên thị trường tiếp tục tăng cao. Việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc, Ấn Độ,… hay sự kỳ vọng vào khả năng phục hồi của các ngành công nghiệp tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã kéo mức vọng về khối lượng thép trên toàn cầu trong năm 2021 lên mức 1,874 triệu tấn, tăng 5,8% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thép công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI như Samsung, Xiaomi,…cũng giúp gia tăng mức kỳ vọng tăng trưởng cho ngành thép trong trung và dài hạn.

Về phía giá nguyên liệu đầu vào, BSC cho biết một vài sự kiện quan trọng trên thế giới có thể khiến giá mặt hàng này duy trì ở mức cao. Cụ thể, nhiều mỏ quặng lớn tại Brazil đã bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. 

Ngoài ra, căng thẳng thương mại Australia – Trung Quốc dẫn tới giá thép phế liệu trung bình tăng cao lên mức 443 USD/tấn và giá quặng sắt đạt 169 USD/tấn.

Mặc dù được nhận định là sẽ hưởng lợi từ các yếu tố trên, song theo BSC, các doanh nghiệp thép, bao gồm cả SMC vẫn đối mặt với rủi ro về việc giá bán đầu ra không theo kịp giá nguyên liệu đầu vào. Điều này nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận gộp trong những tháng cuối năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bsc-lai-rong-smc-uoc-tang-gap-doi-trong-nam-nay-nho-gia-thep-len-dinh-20210513171520155.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/