BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực hiện được 46% khối lượng công việc

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án trọng điểm và đóng góp lớn vào doanh thu mảng BOT của CII trong tương lai.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) vừa công bố tiến độ Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (TLMT) tính đến tháng 5/2020. Đây là một trong những dự án trọng điểm và đóng góp lớn vào doanh thu mảng BOT của công ty trong tương lai.

BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực hiện được 46% khối lượng công việc - Ảnh 1.

Nguồn: CII

CII cho biết, tổng số vốn đã huy động được cho dự án khoảng 5.703 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu và nhà đầu tư chiếm 2.877 tỉ đồng (CII góp 2.700 tỉ đồng), vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 1.776 tỉ đồng và vốn tín dụng ngân hàng 1.050 tỉ đồng.

Phần vốn còn lại bao gồm 410 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước và 5.636 tỉ đồng vốn vay ngân hàng sẽ được giải ngân theo tiến độ xây dựng của dự án. Riêng phần vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang thực hiện.

Về công tác giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương đã hoàn thành và bàn giao 100% tuyến chính với chiều dài hơn 51,5 km. Bên cạnh đó, dự án đã thực hiện được hơn 46% khối lượng công việc.

BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực hiện được 46% khối lượng công việc - Ảnh 2.

Nguồn: CII

BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực hiện được 46% khối lượng công việc - Ảnh 3.

Dự án đã thực hiện được hơn 46% khối lượng công việc. Nguồn: CII

Theo mục tiêu đề ra, Cao tốc TLMT sẽ được thông tuyến vào cuối năm 2020 và bắt đầu đưa vào sử dụng từ đầu năm 2021.

CII tính toán, TLMT sẽ đóng góp bình quân 1.200 tỉ đồng doanh thu mỗi năm cho CII giai đoạn 2021-2026 và con số này sẽ tăng gấp đôi lên 2.400 tỉ đồng mỗi năm ở giai đoạn 2027-2032.

Trong năm 2019, tổng doanh thu các dự án BOT hiện hữu của CII đạt khoảng 722 tỉ đồng. Như vậy, khi dự án đi vào vận hành thu phí sẽ đẩy doanh thu thu phí của CII tăng đột biến.

Theo dự kiến của CII, tổng doanh thu thu phí các dự án BOT của công ty tính đến năm 2026 gần 4.000 tỉ đồng (TLMT đóng góp 40%, Mở rộng Xa lộ Hà Nội góp 30%).

Kể từ năm 2015, bên cạnh các dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long như Cầu Rạch Miễu, mở rộng quốc lộ 60, cầu Cổ Chiên,… CII đã có chiến lược đầu tư vào Cao tốc TLMT.

Bởi theo đánh giá của CII, "TLMT sẽ giúp công ty đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao được vị thế trong ngành đầu tư hạ tầng, duy trì được lợi thế cạnh tranh vốn có, nhất là trong bối cảnh hành lang pháp lý PPP đang dần hoàn thiện và rủi ro cạnh tranh ngày càng cao".

Cao tốc TLMT thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam dài 92 km, được đầu tư theo hình thức BOT. Giai đoạn 1 của dự án có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 51 km, bắt đầu từ nút giao thông Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối tại nút giao thông QL30.

Bề rộng mặt đường 13,75 m, gồm hai làn xe rộng 3,5 m và hai làn xe phụ rộng 2,75 m. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 12.668 tỉ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bot-trung-luong-my-thuan-da-thuc-hien-duoc-46-khoi-luong-cong-viec-20200527172033805.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/