Bơm 9,5 tỉ USD để cứu WeWork, SoftBank đổi lấy 80% cổ phần

WeWork vừa nhận được gói cứu trợ 9,5 tỉ USD từ SoftBank Group và sau thỏa thuận này, SoftBank có được 80% cổ phần của WeWork, qua đó khép lại một trong những cú vấp ngã kịch tính nhất trong lịch sử kinh doanh gần đây, Bloomberg đưa tin.

Thương vụ vừa được công bố trong ngày thứ Tư (23/10) trên đặt dấu chấm hết cho một kỉ nguyên của "gã khổng lồ" chia sẻ không gian làm việc WeWork. 

Đầu năm nay, WeWork đã huy động vốn thành công và được định giá tới 47 tỉ USD. Tuy nhiên, họ vừa rút lại nỗ lực thực hiện đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và hiện có định giá thấp hơn 8 tỉ USD theo thương vụ giải cứu của SoftBank.

Cú vấp của WeWork – từ một trong những startup đáng giá nhất thế giới cho đến một công ty gần như gục ngã và cần tới sự giải cứu khẩn cấp – đã thu hút ánh nhìn từ Phố Wall và Thung lũng Silicon. 

Nhà sáng lập WeWork Adam Neumann sẽ phải rời khỏi ban giám đốc của công ty như là một phần trong thỏa thuận cứu vớt. Đồng thời, CEO SoftBank Marcelo Claure sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch hội đồng điều hành của WeWork.

Thỏa thuận với SoftBank – bao gồm 5 tỉ USD nguồn vốn mới và đẩy nhanh cam kết 1,5 tỉ USD hiện tại – giúp công ty mẹ của WeWork là We Co. "thở phào nhẹ nhõm" đôi chút vì họ sắp cạn tiền vào tháng tới. We Co. đang gấp rút giảm bớt chi phí kể từ khi rút lại đợt IPO trong tháng 9/2019 và được cho là sẽ sa thải 5 nghìn nhân viên trong tháng này.

"Đây chính xác là lí do tại sao mọi người lại tỏ vẻ hoài nghi về mức định giá thực tế của các công ty kì lân", Mitsushige Akino, Giám đốc điều hành tại Ichiyoshi Asset Management ở Tokyo, cho hay. "Sẽ có nhiều nhà đầu tư tại SoftBank nghĩ rằng việc đầu tư quá nhiều tiền như thế này vào một công ty quả thật điên rồ". 

Việc bơm vốn trên không giúp SoftBank chiếm đa số quyền biểu quyết và WeWork sẽ được xem là công ty liên kết chứ không phải công ty con. Điều này có thể cho phép SoftBank kiểm soát WeWork mà không phải thể hiện toàn bộ khoản nợ của nó trên bảng cân đối kế toán. 

Cổ phiếu SoftBank giảm 2,5% trong ngày thứ Tư (23/10), giảm mạnh nhất trong 3 tuần, nhưng đã rút khỏi mức đáy trước đó.

Là một phần của thỏa thuận với SoftBank, Công ty sẽ đề nghị mua tới 3 tỉ USD cổ phiếu từ các cổ đông hiện tại, bắt đầu từ quí 4/2019. Ông Neumann sẽ được phép bán gần 1 tỉ USD cổ phiếu cho SoftBank, dựa trên nguồn tin thân cận. Thỏa thuận này sẽ cho phép ông Neumann giữ lại danh hiệu tỉ phú, theo các ước tính của Bloomberg Billionaires Index. 

Gói cứu trợ của SoftBank là một trong hai phương án lựa chọn mà ban giám đốc WeWork xem xét tới để giúp công ty tiếp tục hoạt động. Phương án còn lại là gói vay nợ 5 tỉ USD từ JPMorgan Chase & Co.

Mới trong tháng 9/2019, Công ty đang trên đường thực hiện đợt IPO. Thế nhưng, nhà đầu tư liên tục chỉ trích về cấu trúc quản trị bất thường và tốc độ chi tiêu nhanh chóng của WeWork. Theo hồ sơ IPO, WeWork lỗ 900 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019.

Cái nhìn lạnh nhạt của thị trường đã buộc nhà sáng lập Neumann từ chức CEO trong tháng trước và rút lại đợt IPO, trong lúc họ tìm cách để hoạt động sinh lãi. Thế nhưng, đối với WeWork, sinh lãi có thể khá khó.

Theo ước tính của Công ty, chỉ 30% không gian văn phòng của WeWork được xem là "trưởng thành", tức tạo nguồn thu ổn định. Họ có thể đối mặt với khoản chi phí lên đến 1 tỉ USD để cải tạo không gian mới. 

Một số dự án và hợp đồng thuê, bao gồm kế hoạch cho thuê 36 tầng trong một tòa tháp ở Seattle, đã thất bại khi công ty chìm đắm trong khó khăn.

Thỏa thuận của SoftBank đã dọn đường để tập đoàn đa ngành Nhật Bản này đóng vai trò lớn hơn tại WeWork. SoftBank đã yêu cầu ông Claure – từng là CEO của Sprint – tìm cách giảm chi phí và tăng doanh thu tại WeWork trong tháng trước. 

Sau khi Neumann ra đi, các giám đốc điều hành của WeWork là Sebastian Gunningham và Artie Minson được bổ nhiệm là đồng CEO, với cùng nhiệm vụ là tái tập trung vào hoạt động cốt lõi.

SoftBank đã rót hơn 10 tỉ USD vào WeWork trước thương vụ giải cứu này. Nỗ lực cứu vớt WeWork lần này diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm: SoftBank hiện đang cố gắng huy động vốn cho một quỹ còn lơn hơn cả Quỹ Vision, quỹ công nghệ khổng lồ đã thực hiện nhiều vụ đặt cược vào các công ty Thung lũng Silicon đến nỗi làm thay đổi hệ sinh thái startup. 

SoftBank cũng là nhà đầu tư của Uber và cổ phiếu của Công ty này vừa giảm hơn 25% kể từ đợt IPO hồi tháng 5/2019. 

Những mất mát của SoftBank từ những thương vụ đầu tư gần đây có thể lên đến hàng tỉ USD. Nhà sáng lập Masayoshi Son có thể sẽ phải giải thích về vấn đề này khi công ty công bố báo cáo lợi nhuận hàng quí vào ngày 6/11/2019.

"Chẳng có gì lạ khi những công ty làm thay đổi công nghệ thế giới gặp thách thức về tăng trưởng giống như những gì WeWork vừa trải qua", ông Son cho biết. "Vì tầm nhìn vẫn không thay đổi, SoftBank đã quyết định tiếp tục đặt cược vào WeWork bằng cách bơm lượng vốn lớn và hỗ trợ về hoạt động".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bom-95-ti-usd-de-cuu-wework-softbank-doi-lay-80-co-phan-2019102315154869.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/