Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý I, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ vẫn chưa vội bàn đến câu chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Hiện tại cơ quan này vẫn đang tìm các giải pháp để vượt qua những thách thức trước mắt và tìm kiếm cơ hội mới.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Nguồn: Hải quan Việt Nam, Bộ Công Thương (H.Mĩ tổng hợp)
Trong trường hợp Việt Nam - Mỹ không tìm được giải pháp tích cực thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đã được Bộ Công Thương dự báo trước và có sự chuẩn bị. Bộ Công Thương cũng đã có những kiến nghị Kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết.
Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung chiến lược đa dạng hoá thị trường, tránh việc “bỏ trứng vào một giỏ”.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có đó là 17 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương.
Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu.
Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.
“Chúng tôi cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nước. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng muốn ký FTA với Việt Nam vì sợ hàng Việt Nam vào được nhưng ngược lại, họ không đưa hàng hoá của họ vào được Việt Nam vì không có sức cạnh tranh. Các nước khi đàm phán FTA thì cũng nghiên cứu khả thi xem mặt hàng nào mà các doanh nghiệp của họ hưởng lợi”, ông Linh nêu những khó khăn trong việc đàm phán mở rộng thị trường.
Ông cho biết thời gian tới Bộ Công Thương thúc đẩy đàm phán FTA với các nước Mỹ La tinh, Nam Á, Đông Âu , Trung Đông, nhóm GCC, Pakistan, Ai Cập… Trước mắt, cơ quan này đang thúc đẩy đàm phán với thị trường Brazil.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hướng tới mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.
Về dài hạn, Việt Nam cũng sẽ phải tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Bởi, một nền xuất khẩu bền vững không thể chỉ dựa vào gia công, mà còn phải dựa trên trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nền kinh tế có sức chống chịu bền bỉ hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bo-cong-thuong-chua-tinh-toi-chuyen-dieu-chinh-muc-tieu-xuat-khau-202544152436401.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/