Biểu giá điện mới sẽ rút còn 5 bậc hoặc 4 bậc, cách tính nào là hợp lý?

Trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, số bậc thang sẽ rút xuống 5 hoặc 4, bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước. Theo đó, giá điện bán lẻ dự kiến thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, cao nhất 3.356 đồng/kWh, thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng/kWh đang áp dụng.

Biểu giá điện mới sẽ thay đổi như thế nào?

Mới đây, Bộ Công Thương đã có Đề án về phương án sửa đổi cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện gửi các Bộ, ngành, địa phương và người dân lấy ý kiến. 

Bộ Công Thương cho biết biểu giá bán lẻ điện cũ 6 bậc được xây dựng từ năm 2014 đến nay đã không còn phù hợp và Bộ đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành giảm từ 6 bậc xuống 4 bậc và 5 bậc.  

 (Nguồn: Đề án về phương án sửa đổi cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương. Tổng hợp: Như Huỳnh

Trong phương án biểu giá điện 5 bậc, mức giá điện thấp nhất là sẽ 1.678 đồng/kWh và mức giá cao nhất là 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) .

So với biểu giá hiện hành 6 bậc, tiền điện của những gia đình sử dụng dưới 400 kWh/tháng sẽ thấp hơn theo cách tính của 5 bậc. Ngược lại với gia đình dùng trên 400 kWh/tháng và trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

  (Nguồn: Đề án về phương án sửa đổi cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Còn với phương án 4 bậc, mức giá cao nhất cho phương án này là 3.076 đồng/kWh. Theo đó, những hộ gia đình dùng dưới 300 kWh/tháng sẽ trả thấp hơn và ngược lại.  

  (Nguồn: Đề án về phương án sửa đổi cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Nên chọn phương án 5 bậc hay 4 bậc?

Bộ Công Thương cho biết ưu điểm của hai phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc giá điện. 

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/10, ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết các đối tượng sử dụng điện ít sẽ không bị ảnh hưởng khi điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện và biểu giá điện mới sẽ làm giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa.

"Đối với phương án 4 bậc, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm", ông Quang nói.   

Tuy nhiên, chia sẻ với người viết, chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng cách lý giải việc giảm bậc sẽ đơn giản, dễ hiểu là chưa thuyết phục bởi hiện nay việc tính toán có thể dùng các phần mềm, áp dụng công nghệ để dễ dàng tính ra số tiền điện của người sử dụng ở từng bậc.

Theo chuyên gia có hai nguyên tắc khi xây dựng biểu giá bán lẻ điện, thứ nhất là thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng, người nghèo; thứ hai là đáp ứng được việc thực hiện tiết kiệm sử dụng điện. Lý do phải tiết kiệm điện là nguồn đầu vào hữu hạn và nhu cầu điện tăng cao, trong khi khả năng cung ứng thấp 

Do đó, đánh giá về phương án bậc 4 hay bậc 5 là hợp lý, theo ông Long phải dựa trên cơ sở tính toán cụ thể. Trong đó, có hai vấn đề cần được làm rõ.

Đầu tiên, biểu giá bán lẻ điện nên chia bao nhiêu bậc thang? Câu hỏi đặt ra là tại sao trước kia biểu giá có 7 bậc, sau đó hạ xuống 6 bậc và đến nay là đề xuất 5 bậc hoặc 4 bậc?

Theo đơn vị tư vấn đề án là Công ty TNHH MTV Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách Khoa (đơn vi tư vấn cùng Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện đề án), biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với 6 bậc như hiện nay là quá nhiều, phức tạp, đặc biệt thể hiện trong quá trình đo đếm, tính toán hóa đơn tiền điện của các hộ. Việc rút ngắn số bậc và thiết kế giá cũng nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp. 

Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng: "Khi chia càng nhiều bậc thì mức độ đánh giá sẽ càng chính xác. Bởi nếu ít bậc thì mức tiêu thụ điện của người dân có thể vốn ở bậc dưới lại tăng lên bậc trên hoặc ngược lại và điều này không đúng và không có lợi. Do đó, Bộ Công Thương cần giải thích rõ cách chia bậc như đề xuất".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính (Ảnh: Nganhangvietnam). 

Thứ hai, mức giá cho từng bậc đang được tính toán như thế nào và bậc nào là mức tiêu thụ trung bình trên toàn quốc?

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Long, về nguyên tắc xây dựng biểu giá điện, bậc 1 sẽ thấp nhất theo chính sách an sinh xã hội, càng các bậc sau giá sẽ cao hơn nhưng cao hơn bao nhiêu thì cần phải tính toán.

"Bộ Công Thương phải ước tính sản lượng điện trong từng bậc phù hợp, chính xác với thực tiễn để cân đối được với giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đưa ra", ông Long chia sẻ.

Còn theo  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá điện nên được tính theo tiêu thụ đầu người thay vì theo hộ dùng. Thực tế cho thấy, có hộ gia đình đông người, có hộ ít người. Hộ gia đình đông người, gồm nhiều gia đình nhỏ sống chung, sẽ tiêu thụ nhiều điện hơn nhưng chưa hẳn đã khá giả. Tiền điện cao sẽ là gánh nặng tài chính cho người lao động có thu nhập thấp.

Mặc khác, ông Thịnh cho rằng cần tính trên số kWh dùng điện để trả chứ không nên theo cách tính lũy tiến bậc thang. Bởi các phương án biểu giá điện được đưa ra thì phần đông số người dân sẽ phải chịu tiền điện giá cao, trong khi việc công khai minh bạch trong giá điện vẫn chưa được đảm bảo, dẫn tới mỗi lần tăng giá khiến dư luận phản ứng. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bieu-gia-dien-moi-se-rut-con-5-bac-hoac-4-bac-cach-tinh-nao-la-hop-ly-20221018115740174.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/