Bị Mỹ cấm vận với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, công ty Trung Quốc kêu mình vô can

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực giám sát và trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc đã lên tiếng biện minh cho mình sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen về thương mại và cáo buộc vi phạm nhân quyền người thiểu số ở khu tự trị Tân Cương.

Chỉ ít ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán thương mại cấp cao, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại, cấm các tổ chức này làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong số 28 thực thể này có 8 doanh nghiệp công nghệ lớn gồm hai hãng sản xuất thiết bị giám sát là Hikvision và Dahua Technology, cùng với 6 công ty về trí tuệ nhân tạo (AI) là iFlytek, Megvii Technology, SenseTime, Yitu Technologies, Xiamen Meiya Pico Information và Yixin Science and Technology.

hikvision bloomberg

Camera giám sát của Hikvision được lắp đặt gần trụ sở công ty ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Tháng 5 năm nay, Mỹ đã đưa tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc vào cùng bản danh sách đen nói trên với cáo buộc gây nguy hại cho an ninh quốc gia Mỹ và phục vụ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Lần này, các thực thể bị đưa vào danh sách đen vì cáo buộc "liên quan đến các vi phạm nhân quyền, trong đó có hành vi đàn áp, bắt giữ người hàng loạt và giám sát công nghệ cao" đối với người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhs và một số nhóm người Hồi Giáo thiểu số khác tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.

Esther Wong Sensetime Bloomberg

Bà Esther Wong - Giám đốc điều hành và Đầu tư chiến lược của SenseTime. Ảnh: Bloomberg.

Một trong những công ty bị Mỹ mới cấm vận là SenseTime đã lên tiếng biện minh cho hoạt động của mình. Trao đổi với CNBC, một người phát ngôn của công ty cho biết SenseTime cảm thấy "thất vọng sâu sắc" về quyết định của chính phủ Mỹ.

"Chúng tôi tuân thủ mọi luật lệ và qui định của khu vực mà chúng tôi hoạt động. Chúng tôi luôn tích cực phát triển qui tắc đạo đức AI để đảm bảo rằng công nghệ của mình được sử dụng một cách có trách nhiệm.

Cùng lúc đó, chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và nhân viên".

Người phát ngôn của SenseTime còn khẳng định rằng công ty này "không có bất kì hoạt động nào ở Tân Cương và cũng không biết công nghệ của mình có đang được sử dụng tại Tân Cương hay không".

SenseTime là một trong những công ty AI hàng đầu của Trung Quốc có giá trị ước tính 7 tỉ USD. Công ty này được một số doanh nghiệp Mỹ rót vốn đầu tư như Qualcomm Ventures, Silver Lake Partners và Fidelity.

Một doanh nghiệp khác bị đưa vào danh sách đen là Megvii thì lên tiếng "cực lực phản đối" quyết định của Mỹ và khẳng định mình không nhận về một đồng doanh thu nào từ khu tự trị Tân Cương trong nửa đầu năm 2019.

"Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng công nghệ của mình có tác động tích cực đối với xã hội và chúng tôi tuân thủ qui định pháp luật của nơi mà mình hoạt động. Chúng tôi yêu cầu khách hàng không vũ khí hóa công nghệ hay giải pháp của chúng tôi và không dùng chúng cho mục đích phi pháp", thông cáo của Megvii cho biết.

Công ty này còn nói: "Tác động trực tiếp của việc đưa chúng tôi vào danh sách đen được dự báo là rất nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, các kế hoạch của Megvii không có thay đổi gì".

Megvii nổi tiếng với công nghệ nhận diện khuôn mặt và có thông tin hãng này được định giá 4 tỉ USD. Alibaba là một trong những nhà đầu tư lớn rót tiền vào đây. Ngoài ra, Megvii còn đang chuẩn bị cho kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Iflytek – công ty bán phần mềm nhận diện giọng nói và công cụ phiên dịch thì tuyên bố danh sách đen của Trung Quốc "sẽ không có tác động đáng kể đến hoạt động hàng ngày của công ty".

"Chúng tôi đã chuẩn bị các kế hoạch cho tình huống này và sẽ tiếp tục cung cấp cho khách hàng của mình các dịch vụ và sản phẩm tốt", CNBC dẫn tuyên bố của iFlytek cho biết.

iFlytek khẳng định công ty luôn "ủng hộ những giá trị doanh nghiệp tích cực và lành mạnh, tuân thủ với qui định pháp luật, và các công nghệ của chúng tôi được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực xã hội như giáo dục và y tế. Chúng tôi sẽ khiếu nại tới các cơ quan liên quan của chính phủ Mỹ.

Đại gia trong lĩnh vực camera giám sát là Hikvision cũng tuyên bố "cực lực phản đối" quyết định của chính phủ Mỹ.

"Hikvision, với tư cách là doanh nghiệp đầu ngành công nghiệp an ninh thế giới, luôn tôn trọng quyền con người và luôn nghiêm túc thực hiện trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ cũng như con người trên toàn thế giới", thông cáo của Hikvision cho biết.

Hãng tin CNBC đã liên hệ với Iflytek và Hikvision để đề nghị làm rõ qui mô hoạt động của hai doanh nghiệp này tại Tân Cương nhưng chưa nhận được phản hồi.

Chiều tối 8/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc của Mỹ liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Ông còn yêu cầu Mỹ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc:

"Chúng tôi đề nghị phía Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình, rút lại các quyết định liên quan và ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc".

Ông nói thêm: "Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ nhằm tuyệt đối bảo vệ an ninh, sự phát triển và chủ quyền quốc gia".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bi-my-cam-van-voi-cao-buoc-vi-pham-nhan-quyen-o-tan-cuong-cong-ty-trung-quoc-keu-minh-vo-can-20191009154402806.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/