Báo cáo thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam tháng 11/2022: Mùa Giáng sinh ảm đạm

Hai động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng đều đang chững lại. Riêng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do nhu cầu bên ngoài yếu đi dù đã vào mùa cao điểm tiêu dùng. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng dự báo sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I/2023.

Giá trị xuất, nhập khẩu lần đầu tiên tăng trưởng âm sau giai đoạn dịch bệnh 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11/2022 chỉ đạt 57,3 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng giá trị xuất, nhập khẩu giảm lần lượt 8,9% và 7,7% so với cùng kỳ. 

“Báo cáo thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam Tháng 11/2022” do Wigroup thực hiện cho rằng, việc lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính đã làm cho các dự báo về nhu cầu mua sắm cuối năm trở nên kém lạc quan, kéo theo việc các đơn đặt hàng mới suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm.

Trong khi đó, áp lực tỷ giá từ việc tỷ giá VND/USD liên tục tăng cao kể từ tháng 9 là tác nhân chính khiến các doanh nghiệp có xu hướng giảm nhập khẩu từ nước ngoài do chi phí gia tăng. 

Nguồn: Báo cáo thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam Tháng 11/2022 của WiGroup

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Wigroup, hiện bối cảnh kinh tế - vĩ mô trong nước đã mang đến nhiều triển vọng lạc quan hơn, nhưng sẽ phải cần ít nhất là một quý tới để hoạt động xuất, nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng tăng tốc trở lại như giai đoạn đầu năm 2022.

Cán cân thương mại tháng 11 tuy vẫn xuất siêu 0,74 tỷ USD nhưng đã đánh dấu tháng sụt giảm thứ hai liên tiếp trong năm và giảm 39,5% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: WiGroup).

Giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa theo khu vực lần đầu tiên đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng âm ở cả 4 mục quan sát kể từ tháng 5/2020. Các doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều ảnh hưởng từ sự suy yếu của thị trường xuất khẩu hơn khu vực FDI. 

 Nguồn: Báo cáo thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam Tháng 11/2022 của WiGroup 

Các thị trường quốc tế chính “hụt hơi” trong giai đoạn cuối năm

Kim ngạch xuất nhập khẩu lũy kế từ đầu năm với đối tác chính của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực, từ 9 - 18% so với cùng kỳ. Nhưng tình hình đã bắt đầu chuyển xấu trong tháng 11.

Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh nhất tại các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN. Còn Nhật Bản và Đài Loan là 2 quốc gia có giá trị hàng xuất khẩu vào Việt Nam giảm nhiều nhất.

Một điểm sáng tích cực hiếm hoi là xuất khẩu sang Nhật (tháng 11) vẫn duy trì mức dương 13,2%, mặc dù cũng đã giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng 30,9% của tháng trước đó.

 Nguồn: Báo cáo thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam Tháng 11/2022 của WiGroup 

Chi tiết thông tin đánh giá về các mặt hàng dệt may, thủy sản, cao su, gỗ, than, bông, chất dẻo nguyên liệu, xăng dầu tại đây:  

 

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bao-cao-thi-truong-xuat-nhap-khau-viet-nam-thang-112022-mua-giang-sinh-am-dam-20221221104131488.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/