[Báo cáo] Thị trường đường tháng 7/2022: Áp thuế CBPG, CTC đường nhập khẩu từ ASEAN mở ra hy vọng cho đường nội

Thời gian qua, đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp bởi lượng đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch. Đến nay, sau thời gian điều tra, Bộ Công Thương đã có quyết định chính thức trong việc ngăn chặn sự chèn ép của đường Thái Lan "mượn" xuất xứ các nước ASEAN vào Việt Nam.

Bộ Công Thương mới đây đã có quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. 

Chứng khoán VCBS đánh giá việc nhanh chóng áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm đường nhập khẩu sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu. Về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng. 

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), đến ngày 31/7 ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía sản xuất được gần 741.700 tấn đường, tăng 11,6% về lượng mía ép và 7,5% về lượng đường so với cùng kỳ với vụ ép mía 2020- 2021.

Nguồn cung đường nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào đang tràn vào, cộng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.

Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.

VSSA ước tính tổng cung đường năm 2022 là 2,5 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022. 

Tại thị trường thế giới, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho biết nửa đầu tháng 7 chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng dao động theo xu hướng tăng. Tuy nhiên xu hướng tăng không tồn tại lâu, đến nửa cuối tháng 7, chỉ số giá giao dịch hàng hóa của cả hai thị trường đã chuyển sang xu hướng giảm.  

  Diễn biến giá đường thế giới trong tháng 7 ( ĐVT:  Cents/lbNguồn: ISO).  

Xem chi tiết báo cáo thị trường đường tháng 7/2022 tại đây:  

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bao-cao-thi-truong-duong-thang-72022-ap-thue-cbpg-ctc-duong-nhap-khau-tu-asean-mo-ra-hy-vong-cho-duong-noi-2022822163932410.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/