[Báo cáo] Thị trường đường quý II/2022: Kết thúc niên vụ 2021-2022, đường nội bế tắc đầu ra vì đường nhập khẩu

Theo VSSA, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện khối lượng lớn của đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 6 các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ, toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía sản xuất được gần 741.700 tấn đường, tăng hơn 11,6% về sản lượng mía ép và 7,5% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2020-2021.

Mặc dù thời tiết tại một số địa phương trong nước xuất hiện thời tiết nắng nóng, thông thường, ở các năm trước đây là yếu tố hỗ trợ cho việc gia tăng tiêu thụ đường của các nhà máy.

Tuy nhiên năm nay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện của khối lượng lớn của đường nhập lậu và đường và chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.

Các nhà máy dù có nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp, nhưng cũng không đẩy sản lượng tiêu thụ được.

"Sự bế tắc đầu ra tháng thứ năm liên tục đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại", VSSA nhấn mạnh.  

Tại thị trường thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), trong nửa đầu tháng 6, chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng dao động theo xu hướng giảm rõ rệt.

Một số yếu tố vĩ mô đã có tác động đến xu hướng giảm của thị trường đường thế giới khi số liệu lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo dẫn đến khả năng lãi suất của Mỹ có thể tăng trong thời gian tới.

Tình hình các ca nhiễm COVID-19 mới tại Trung Quốc gia tăng cũng dẫn đến quan ngại kéo dài phong tỏa tại đây và việc chính phủ Brazil có thể giảm thuế đối với xăng dầu dẫn đến giảm giá nhiên liệu ethanol, từ đó có thể dẫn đến việc các nhà máy Brazil có thể tăng tỷ lệ sản xuất đường/ethanol khiến nguồn cung đường có thể tăng trong thới gian còn lại của năm 2022.

Đến nửa cuối tháng 6, việc giảm giá nhiên liệu tại thị trường Brazil cộng với sự giảm giá của đồng nội tệ Brazil và đường xuất khẩu từ Ấn Độ tiếp tục xuất hiện trong giao dịch quốc tế trong bối cảnh thế giới có dấu hiệu suy thoái với đa số các loại hàng hóa đã khiến cho xu hướng giảm giá của thị trường đường hầu như không thể đảo ngược được. 

 Diễn biến giá đường thế giới trong tháng 6 ( ĐVT:  Cents/lb. Nguồn: ISO). 

Xem chi tiết báo cáo thị trường đường quý II/2022 tại đây: 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bao-cao-thi-truong-duong-quy-ii2022-ket-thuc-nien-vu-2021-2022-duong-noi-be-tac-dau-ra-vi-duong-nhap-khau-20227251105938.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/