Bàn về startup: Việt Nam đang ở thập niên vàng và đón tăng trưởng liên tục giống nhiều 'con hổ' Châu Á khác

Các chuyên gia đều tin tưởng rằng hệ sinh thái Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp Đông Nam Á.

"Việc Nam thực sự rất độc đáo với sự kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, cái cũ và cái mới. Khi còn trẻ, tôi cũng đầy ước mơ và lạc quan. Tôi cảm thấy không gì có thể cản bước mình và người dân Việt Nam làm tôi nhớ đến năng lượng và hy vọng. 

Tôi nghĩ câu hỏi lớn nhất mà các nhà đầu tư đặt ra cho Việt Nam là: Liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ như hiện tại? và rằng Liệu các công ty như Axie Infinity có phải chỉ là điều tình cờ?", ông Bình Trần, đối tác Ascend Vietnam Ventures, nói về hệ sinh thái startup Việt Nam.

Sau Indonesia, Việt Nam sẵn sàng thành 'điểm nóng' startup Đông Nam Á - Ảnh 1.

Việt Nam có thể là trung tâm startup mới của Đông Nam Á trong tương lai gần. (Ảnh: Tech in Asia).

Từ những công ty khởi nghiệp đầu tiên thập niên 90

Vào tháng 12/1997, internet chính thức có mặt tại Việt Nam. Thế nhưng, chỉ vài năm sau đó, hệ sinh thái công nghệ và startup Việt Nam đã nhen nhóm xuất hiện, theo bà Valerie Van, nhà đầu tư của Venturra Discovery.

Dù vậy, ở thời điểm này, đầu tư mạo hiểm (venture capital) vẫn là một khái niệm xa lạ ở Việt Nam. "Những thế hệ nhà sáng lập đầu tiên không có quá nhiều kinh nghiệm, hiểu biết, đặc biệt là về vấn đề gọi vốn, cách phát triển sản phẩm và tăng trưởng. Thế nhưng họ rất quyết tâm và hiểu thị trường", ông James Vuong, CEO và người sáng lập Infina.vn, chia sẻ.

"Văn hoá Việt Nam là luôn có khát khao học hỏi lớn. Dường như ai cũng là một người sở hữu kinh doanh nhỏ. Có thể là một cửa hàng du lịch, có thể là một quầy đồ ăn lề đường", ông Vinnie Lauria, đối tác điều hành Golden Gate Ventures, nhận định.

Điều làm ông Bình Trần hào hứng nhất về hệ sinh thái startup Việt Nam là số lượng lớn các kỹ sư công nghệ giỏi. Ông cho rằng hệ sinh thái này sẽ phát triển khi có các "nguyên liệu" phù hợp, đầu tư đúng đắn và sự hỗ trợ của chính phủ. "Một ngày nào đó, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm quan trọng trong khu vực", ông lạc quan.

Giữa lúc những sự hào hứng xuất hiện ở Việt Nam, sự kiện Lehman Brothers phá sản xảy ra. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhấn chìm thế giới vào suy thoái. Lúc này, hoạt động đầu tư "đóng băng" và khi mọi thứ trở lại, các nhà đầu tư lại quan tâm đến thị trường Indonesia nhiều hơn.

Ông Bình Trần nói rằng nếu là một nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm quy mô, ông sẽ chọn thị trường Indonesia. Với quy mô dân số lớn, các công ty không cần mở rộng ra bên ngoài Indonesia để tiếp cận được quy mô lớn khách hàng. Trong khi đó, ở Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ cần các công ty phát triển ở Việt Nam và có tiềm năng mở rộng ra bên ngoài biên giới.

Sự khó khăn khiến nhiều startup từ bỏ. "Số còn lại tập trung vào việc duy trì tồn tại, kiếm tiền thay vì tạo ra đột phá. Thế nhưng, khi trải qua các giai đoạn khó khăn, hoặc là bạn sẽ biến mất hoặc trở nên mạnh mẽ hơn.", ông James Vuong chia sẻ.

Thế hệ "kỳ lân" Tiki và VNLife 

Bắt đầu từ giai đoạn năm 2018 - 2019, các startup như Tiki hay VNLife đã bắt đầu kêu gọi được các vòng đầu tư lớn cùng với đó là sự xuất hiện của các đội ngũ sáng lập chất lượng.

"Chúng ta hiện đang chứng kiến sự xuất hiện của các doanh nhân "thế hệ 1.5", những người đã từng làm việc ở các startup và có kinh nghiệm phát triển startup. Đây là những người đáng để đầu tư vì có kinh nghiệm thực chiến", ông Vinnie Lauria, đối tác điều hành Golden Gate Ventures, nhìn nhận.

"Họ đã trải qua khó khăn trong 5 – 6 năm, cạnh tranh với các ông lớn khu vực như Lazada hay Shopee, có đủ kinh nghiệm, sự quyết tâm và tự tin rằng sánh ngang với các startup tốt nhất của thế giới", ông Binh Tran, đối tác Ascend Vietnam Ventures, nói về làn sóng startup mới.

"Chúng tôi thông minh không kém nhân lực ở Indonesia hay Singapore. Nhưng chúng tôi chưa có nhiều kỳ lân. Cùng lúc, chúng tôi thấy nhiều nhà sáng lập nước ngoài vào Việt Nam và kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy hơi bực mình và cảm giác như thể chúng tôi cũng có thể làm được, chúng tôi có thể có các kỳ lân của người Việt", bà Valerie Van, nhà đầu tư của Venturra Discovery, chia sẻ.

Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

Dân số lớn, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh và sức tiêu thụ cao là những lý do Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà kinh doanh và đầu tư. Nếu như trong năm 2017, số lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam dừng lại ở mốc 48 triệu USD. Con số này nhảy vọt lên gần 1 tỷ USD vào năm 2019.

Bên cạnh đó, một báo cáo của Bain và Google ước tính nền kinh tế số Đông Nam Á sẽ chạm mốc 174 tỷ USD trong năm 2021 để chạm mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Với tốc độ này, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số lớn thứ 2 khu vực, tương đương 2/3 quy mô nền kinh tế số Indonesia dù dân số chỉ bằng 1/3.

"Nếu các nhà đầu tư chưa để ý đến Việt Nam, họ nên làm điều này ngay", ông Vinnie Lauria nói. "Tôi tin rằng Việt Nam đang ở thập niên vàng và đón tăng trưởng liên tục giống nhiều "con hổ" Châu Á khác. 

Điều ngạc nhiên hơn là số lượng các startup và "kỳ lân" chất lượng xuất hiện trên thị trường. Vì thế, đây chính là thời điểm phù hợp để chú ý đến Việt Nam", ông James Vuong, CEO và người sáng lập Infina.vn, đồng quan điểm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ban-ve-startup-viet-nam-dang-o-thap-nien-vang-va-don-tang-truong-lien-tuc-giong-nhieu-con-ho-chau-a-khac-20220225220125596.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/