Bàn tròn chính sách tháng 4: 'Kỳ vọng Mỹ áp thuế đối ứng 11 - 12% với Việt Nam là phù hợp
Mức thuế quan đối ứng cao mà ông Trump đưa ra ngày 2/4 đã được hoãn trong vòng 90 ngày. Liệu Washington đang “hạ nhiệt”, hay chỉ là quãng nghỉ tạm thời trước những bước đi khó lường kế tiếp? Doanh nghiệp và nhà đầu tư cần chuẩn bị ra sao để vừa hạn chế rủi ro, vừa tranh thủ cơ hội mới xuất hiện?
“Bàn tròn chính sách” là chuỗi tọa đàm định kỳ, diễn ra mỗi tháng một lần, với mục tiêu phân tích sâu các vấn đề chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như định hướng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, giúp khán giả và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời diễn biến từ góc nhìn đa chiều, có giá trị ứng dụng cao và khuyến nghị từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giúp khán giả chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh – đầu tư.
Trong số phát sóng Bàn Tròn Chính Sách "Mỹ áp thuế: Các kịch bản & ứng phó hậu đàm phán", các chuyên gia kinh tế hàng đầu, đại diện doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu dữ liệu thị trường sẽ cùng nhau phân tích chuyên sâu về chính sách thuế của Mỹ. Bằng những góc nhìn sắc sảo, thực tiễn, chương trình kỳ vọng mang đến thông tin hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và đội ngũ hoạch định chính sách tại Việt Nam.
Nội dung chính:
Bản chất chính sách thuế này là gì, Mục tiêu và động cơ của chính quyền Trump?
Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao – từ góc nhìn vĩ mô đến ảnh hưởng thực tiễn tại doanh nghiệp?
Chúng ta cần hành động như thế nào? – từ phía nhà nước đến khối doanh nghiệp – để thích ứng linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và tận dụng những cơ hội mới có thể xuất hiện.
Với sự đồng hành của các diễn giả:
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế.
Ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng Giám đốc – Điều hành Dịch vụ Thuế & Tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup.
Host: Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI (PVI AM)
Dường như Mỹ chỉ tập trung vào Trung Quốc
Talkshow Bàn tròn chính sách: "Mỹ áp thuế: Các kịch bản & ứng phó hậu đàm phán" phát sóng ngày 11/4.
Tại talkshow, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cườngcho biết, ngày 9/4 (theo giờ địa phương) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo hoãn thuế đối ứng 90 ngày và chỉ áp dụng mức thuế tối thiểu 10% với hơn 60 quốc gia, riêng Trung Quốc bị áp mức 125%.
Điều này cho thấy, cũng giống như nhiệm kỳ thứ 1, dường như những chính sách của ông Trump chỉ tập trung vào Trung Quốc.
"Chúng ta chưa thể biết được mục tiêu của Mỹ trong chính sách thuế quan bởi ông Trump rất khó đoán định nhưng tin vui hoãn thuế cho thấy phần nào chính sách của Mỹ trong tương lai. Việc đánh thuế 125% gần như là lệnh cấm vận với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, điều này lại tạo cơ hội cho Việt Nam", ông Cường phân tích.
Vậy Việt Nam có nên làm như thời kỳ Trump 1 hay không? là câu hỏi được đặt ra lúc này. Câu hỏi này sẽ có tác động lâu dài với Việt Nam bởi sau thời kỳ đó, chúng ta đã tạo thặng dư rất lớn với Mỹ.
Mặc dù bối cảnh dường như có sự lặp lại tương tự thời kỳ Trump 1 nhưng chính sách thuế đối ứng là "hồi chuông cảnh báo" Việt Nam bởi dù có ông Trump hay bất kỳ Tổng thổng nào khác thì khi Mỹ bị ảnh hưởng, thì họ sẽ luôn đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết. Nhìn lại lịch sử, khi cần thiết Mỹ có thể bỏ cả đồng minh để đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu.
Lần thứ 1, khi Mỹ bỏ bản vị vàng vào năm 1971, khi ấy Mỹ bị suy thoái kinh tế nghiêm trọng, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách, suy thoái kinh tế. Trước đó, Mỹ đã dùng vàng để giữ giá trị đồng USD nhưng khi Mỹ không thể neo được USD thì nước này đã lập tức bỏ.
Điều này gây khó khăn rất lớn cho các đồng minh của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh như: Đức, Pháp ở châu Âu.
Lần thứ 2, khi Mỹ ép Đức và Nhật Bản ký hiệp định Plaza năm 1985 bởi vì đồng USD lên giá và Đức, Nhật đã có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ.
Lần thứ 3 là lần này. Vì vậy, kể cả khi không có ông Trump thì vào thời điểm cần thiết, Mỹ vấn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Vì vậy, đây là thời điểm chúng ta cần nhìn lại mọi việc bình tĩnh và tỉnh táo hơn.
Trong đàm phán sắp tới với Mỹ, điểm đầu tiên là chúng ta phải tập trung vào những vấn đề mà Mỹ quan tâm, những vấn đề này đã được nêu tương đối rõ tại báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ.
Trong đó phân bổ tập trung vào các biện pháp phi quan thuế chứ không chỉ là thuế. Mức 46% mà Việt Nam đưa ra đã phản ảnh tổng rất cả rào cản thương mại của Việt Nam chứ không chỉ có thuế.
Thứ hai là, trong giai đoạn trước mắt cần tính toán đến việc Việt Nam có thể nhập khẩu được những gì từ Mỹ, cần tính toán đến cả những mặt hàng Mỹ quan tâm như nông sản hay thịt bò.
Thứ ba, do phần lớn vấn đề mà Mỹ quan tâm tập trung vào các vấn đề phi quan thuế mà các yếu tố này lại liên quan đến việc cải tổ kinh tế của Việt Nam vì vậy chúng ta cần có một lộ trình cải cách rõ ràng để đáp ứng những mối lo ngại của Mỹ.
Điều này cũng liên quan một phần đến việc tại sao Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Cuối cùng, cần nhận thức rõ những thách thức của nền kinh tế sẽ khiến Mỹ thay đổi chính sách một cách rất nhanh chóng. Cho nên Việt Nam cần tính toán đến việc: “Mỹ là thị trường quan trọng nhưng không phải thị trường duy nhất”, vì vậy cần có những chiến lược dài hạn hơn để tránh những rủi ro trong tương lai.
Việt Nam dù chỉ chiếm 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ nhưng lại nằm trong top 5 nền kinh tế gây thâm hụt thương mại cao nhất nên luôn có những rủi ro từ thị trường này.
Có cơ hội đàm phám khi mũi giáo của Mỹ không hướng về Việt Nam
Các diễn giả: Trịnh Quỳnh Giao - Lê Khánh Lâm - Trần Ngọc Báu tại trường quay của VietnamBiz. (Ảnh: VNB).
Đánh giá về cơ hội để đàm phán thuế đối ứng với Mỹ, ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup, cho rằng Việt Nam chỉ chiếm 4,1% tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ. Tỷ trọng còn lại chủ yếu thuộc về Canada, Mexico, châu Âu và Trung Quốc.
Ở thời kỳ Trump 1.0, chúng ta đã tận dụng làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc để tăng thị phần của chúng ta ở thị trường Mỹ từ 2% lên 4,1%. Nhưng những quốc gia khác như Canada hay Mexico thì họ lại tăng trung bình ở mức khoảng 13% lên 20 - 25%. Như vậy, họ mới là những nguồn chính yếu nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ.
Mỹ đã dịch chuyển nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc sang hai quốc gia đó. Đồng thời, tỷ trọng thâm hụt của Mỹ nằm ở phía Việt Nam nhìn chung cũng khá là nhỏ so với Canada châu Âu, Mexico và Trung Quốc. Do vậy, nếu "mũi giáo" này hướng về phía Việt Nam thì việc giải quyết cũng không mang lại nhiều giá trị để giải bài toán thâm hụt.
Thứ hai, nếu đóng băng nhập khẩu từ Trung Quốc thì bản thân Mỹ cũng cần những thị trường thay thế. Đôi khi đây lại là cơ hội để Việt Nam tận dụng lấy thêm thị phần ở thị trường Mỹ.
Ở thời kỳ Trump 1.0, chúng ta đã tận dụng làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc để tăng thị phần của chúng ta ở thị trường Mỹ từ 2% lên 4,1%. Nhưng những quốc gia khác như Canada hay Mexico thì họ lại tăng trung bình ở mức khoảng 13% lên 20 - 25%. Như vậy, họ mới là những nguồn chính yếu nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ.
Tuy nhiên, nếu lặp lại lịch sử ở nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump trong khi "mũi giáo" của Mỹ vẫn chủ yếu hướng về Trung Quốc thì là điều cần cân nhắc trong 5 - 10 năm tới.
Đặc biệt là với nền kinh tế Mỹ, chính sách thuế quan có thể gây ra rủi đình lạm. Số liệu tăng trưởng GDP quý I/2025 của Mỹ mặc dù chưa công bố nhưng ước tính đã âm khoảng 2,5%. Nếu điều này thành sự thực, quý đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump đã có tăng trưởng kinh tế âm sẽ tạo áp lực lên các quyết sách sau này.
Yếu tố nữa là liên tục có các cuộc biểu tình và đều xuất phát từ việc họ cho rằng lạm phát đã “nghẹt thở”, làn sóng lạm phát tiếp theo đến với họ thì họ không thể thở được và kỳ vọng lạm phát trong vòng một năm tới lên tới 5%.
Hiện tại mục tiêu mà Fed và chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là khoảng lạm phát 2% nhưng kỳ vọng lạm phát của Mỹ đang tăng lên tới 5%.
Điều này có nghĩa tâm lý của người Mỹ đang "vụn vỡ" khá nhanh. Đó chính là sợi dây kéo ông Trump lại trong đàm phán. Rất có thể, sức ép từ người dân Mỹ còn lớn hơn tác động Việt Nam có thể gây ra trong câu chuyện đàm phán của Trump bởi bản thân ông cũng phải chịu những ràng buộc gọi là KPI với người dân Mỹ.
Lệnh thuế ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group. (Ảnh: VNB).
Ở góc độ là một doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết rủi ro từ việc Mỹ áp thuế với Việt Nam vẫn rất cao.
"Các đối tác nhập khẩu của chúng tôi ở Mỹ nói rằng các chính sách ông Trump đang ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn của họ. Lúc trước người ta mua hàng có 10 đồng nhưng hiện nay người ta phải bỏ tới 15 đồng để mua một món hàng trong khi thu nhập không tăng", ông Tùng nói.
Vì vậy, các nhà nhập khẩu của Mỹ đang rất hoang mang về vấn đề chuỗi cung ứng. Bản thân chúng tôi phải làm cùng lúc hai việc. Một là chạy hàng trước ngày 4/4 khi thuế 10% có hiệu lực. Sau đó, chúng tôi chạy hàng tiếp cho mức thuế 46% có hiệu lực sau đó 5 ngày. Điều này đồng nghĩa hàng của chúng tôi phải rời cảng trước đầu tuần này.
Trong 90 ngày này sẽ xảy ra rất nhiều rối loạn liên quan đến logistics, cảng nếu hàng hoá từ các nước đồng loạt chảy vào Mỹ. Còn sau 90 ngày vẫn đang là một ẩn số. Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang lo lắng trong 90 ngày này có tiếp tục thay đổi gì không? Liệu ông Trump có thay đổi quyết định rút ngắn lại thời gian hoãn áp thuế không? Hoặc cũng có thể có trường hợp trong 90 ngày này doanh nghiệp cố gắng sản xuất nhưng không kịp “deadline” hoãn thuế.
Do đó, sau khi nhận được thông tin hoãn thuế trong 90 ngày, doanh nghiệp chúng tôi rất mừng nhưng cũng rất lo. Chúng tôi lo không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bản thân doanh nghiệp Mỹ cũng vậy, họ phải thay đổi lại kế hoạch kinh doanh năm 2025. Thậm chí họ lên kế hoạch theo từng tuần chứ không phải theo từng tháng như trước đây.
Thực tế Việt Nam đang rất thiện chí khi ngồi vào bàn đàm phán. Đối với ngành rau quả, hiện Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ Mỹ.
Nếu đàm phán thì cần đàm phán từng ngành nghề. Với ngành rau quả, việc đàm phán sẽ thuận lợi vì dễ dàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Bản thân doanh nghiệp Việt Nam thậm chí còn nhập nhiều hoa quả từ Mỹ hơn là xuất khẩu. Do đó, tôi hy vọng ngành rau quả sẽ đàm phán hơn những ngành khác - những ngành sử dụng nguyên liệu từ các nước mà Mỹ cho là thù địch.
Doanh nghiệp đang làm gì để thích ứng?
Để thích ứng được với những biến động như hiện nay bản thân doanh nghiệp tôi liên tục làm việc với các đối tác để có những ứng phó kịp thời. Ngoài ra chúng tôi cũng san sẻ một phần lợi nhuận để bù vào phần thuế để giảm cú sốc thị trường. Ngoài ra, đối thủ của chúng tôi chủ yếu ở thị trường Đông Nam Á, nếu mà đánh thuế thì mức thuế tương đương Việt Nam, sức cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau trên đất Mỹ cũng công bằng, không đến mức chênh lệch.
Tuy nhiên, không phải người Mỹ nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để dụng hoa quả nhập khẩu khi thuế tăng. Đây là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi chuyển hướng ra thị trường khác cũng nhiều.
Chúng tôi cũng đang xuất khẩu vào thị trường mới như Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc….Đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi cũng đã mở rộng sang đây được 2 năm và đây cũng là thị trường lớn.
Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhiều đoàn làm việc từ Trung Quốc đến làm việc. Còn thị trường Mỹ chúng tôi cũng đã tìm nhiều cách để thích ứng. Ngày xưa chúng tôi giao hàng theo hình thức CNF thì bây giờ bán theo FOB, chúng tôi cũng đàm phán với các hãng tàu để sao cho giá cước giảm đi một chút.
Các bên đều đang liên kết với nhau để duy trì thị trường Mỹ từ doanh nghiệp bao bì đến các đơn vị cung cấp dịch vụ cho chúng tôi đều ngồi lại với nhau để có phương án đối ứng trong giai đoạn khó khăn này phải cùng nhau giảm lợi nhuận lại để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng Mỹ, giá thành sẽ tốt hơn và cùng kỳ vọng thuế tốt hơn.
Trường hợp xấu nhất nếu thuế giữ nguyên 46% thì giá thành của chúng tôi cũng phải giảm 16-17% so với giá hiện nay nhờ việc liên kết các doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Sau đó tuỳ tình hình mà chúng tôi có điều chỉnh nhất định. Tôi cho rằng mức thuế 10% chỉ là phép thử của ông Trump về phản ứng của người dân ra sao sau đó mới điều chỉnh lại.
Thời điểm này doanh nghiệp rất dễ bị tổn thương do đó chính sách thuế cần phải ưu ái cho doanh nghiệp ở thời điểm này. Bên cạnh đó, các vấn đề lãi suất ngân hàng và thời gian trả nợ cũng cần được quan tâm.
"Tôi đang có cảm giác lúc này các ngân hàng có vẻ đang lo lỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với tình hình này không biết có tiền trả nợ hay không. Khi xảy ra vấn đề tôi thấy ngân hàng gọi điện cho tôi rất nhiều hỏi xem tình hình xuất khẩu ra sao? Có bị ảnh hưởng gì không?", ông Tùng cho hay.
Trong giai đoạn này, với ngành rau quả vẫn có thể bán hàng nhưng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề mất đơn hàng thì các ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ, lãi suất. Đây là những điều có thể làm ngay được.
Kỳ vọng mức thuế mà Mỹ sẽ áp với Việt Nam chỉ khoảng 10 -12%
Ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng Giám đốc – Điều hành Dịch vụ Thuế & Tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam. (Ảnh: VNB).
Ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng Giám đốc – Điều hành Dịch vụ Thuế & Tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam, cho hay, Việt Nam cũng là một thị trường thay thế khá quan trọng ở khu vực châu Á. Vì vậy, tôi dự báo Mỹ sẽ không áp thuế Việt Nam quá cao.
Trên thực tế, việc ngay lập tức kêu gọi những công ty có tầm vóc và quy mô công nghệ như Intel, Apple hay là Microsoft ở Việt Nam dịch chuyển về Mỹ khó có thể diễn ra trong thời gian ngắn.
Hiện nay, trên 50% sản lượng của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Với Apple, có ít nhất là 20% cái sản phẩm iPad hoặc 80% các sản phẩm liên quan đến Apple Watch được sản xuất ở Việt Nam. Để dịch chuyển ít nhất 10% hoạt động của Apple về Mỹ phải tốn khoảng trên ba năm vì Apple hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng và hàng trăm nhà cung cấp ở khu vực châu Á.
Vậy nên, chính sách thuế suất mà Mỹ áp với Việt Nam chỉ nên ở mức khoảng 11 - 12% là phù hợp. Ngay cả khi tính lại cho đúng công thức như CNN đưa tin thì mức thuế suất mà Mỹ nên áp với Việt nam sau khi đã discount chỉ nên ở mức 11,5 - 12%.
Tôi đã phục vụ các công ty Mỹ tìm kiếm nguồn cung ứng từ Việt Nam, có cả Walmart, Target, William Sonoma… Nhiều công ty thì họ cũng chiếm tỷ trọng rất quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm cho các store không phải trực tiếp từ Mỹ, đang vận hành tại châu Á.
"10 - 12% là mức thuế suất tôi kỳ vọng sẽ xảy ra tại Việt Nam và là mức thuế suất hợp lý để ngay cả công ty Mỹ tại Việt Nam cũng vận hành một cách hiệu quả", ông Lâm nói.
Một số doanh nghiệp chiếm vai trò khá quan trọng tại Việt Nam như Samsung, Apple, Microsoft, Intel, Lego... Họ đã đầu tư nhà máy tiền tỷ ở đây.
Đối với những dự án này, tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục duy trì. Vì việc setup ở đây, lập kế hoạch khá dài hạn, đầu tư nghiêm túc thì việc dịch chuyển, giảm quy mô trong ngắn hạn tôi nghĩ sẽ khó xảy ra.
Có thể họ sẽ xem xét, cân nhắc lại đối với những dự án họ dự kiến đầu tư mới, đầu tư thêm, đầu tư mở rộng. Còn đối với những dự án đã đang vận hành trôi chảy, tôi nghĩ sẽ khó xảy ra việc thu hẹp hoặc dịch chuyển vì có nhất nhiều lý do, trong đó có việc khá nhiều nhà máy ở đây không chỉ để phục vụ riêng thị trường Mỹ mà còn cả thị trường châu Á hoặc châu Âu. Trong đó, châu Á là thị trường ngày càng lớn. Tính cả Ấn Độ, Trung Quốc, hoặc các nước Đông Nam Á thì đây là một thị trường rất lớn.
Thứ hai, nói về vấn đề địa kinh tế, Việt Nam ở vị trí rất thuận lợi, giao thương thuận lợi. Một điểm nữa, chính sách thuế ở Việt Nam vào thời điểm này cũng rất tốt, có rất nhiều ưu đãi.
Với FDI vào sản xuất, Việt Nam hiện nay có ưu đãi rất tốt trong khu vực, so với cả Indonesia, Singapore, Thái Lan thì ưu đãi của Việt Nam đang tốt hơn.
"Tôi nghĩ FDI họ có chần chừ trong việc mở rộng và đầu tư mới nhưng việc lên kế hoạch đóng cửa, giảm quy mô hoặc có kế hoạch thoái lui thì trong vài tuần nay tôi cũng chưa tiếp xúc với những khách hàng gặp chúng tôi để thảo luận về vấn đề này. Với tín hiệu tốt như Mỹ quyết định hoãn áp thuế 90 ngày để đàm phán thì tôi hy vọng việc giữ chân FDI sẽ tiếp tục xu hướng thuận lợi tại Việt Nam, ông Lâm nói.
Talkshow được phát sóng trực tuyến tại:
VietnamBiz (https://vietnambiz.vn/)
Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz)