Bạn là nhà đầu tư độc lập hay phụ thuộc?

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta không thể tự mình xử lý những vấn đề của bản thân và phải nhận sự giúp đỡ của người khác. Điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, để đầu tư thành công thì lại khác.

ban la nha dau tu doc lap hay phu thuoc

Đây là một công việc đòi hỏi sự độc lập rất cao trong suy nghĩ và hành động. Việc nghe theo người khác phần nhiều sẽ chỉ mang lại những rắc rối cho bạn. Nếu bạn thường xuyên chịu thua lỗ và chưa thể tìm ra được biện pháp xử lý, việc đầu tiên nên làm là xác định xem mình là nhà đầu tư độc lập hay phụ thuộc bằng cách hiểu rõ sự khác biệt giữa 2 kiểu đầu tư này.

Thế nào là một nhà đầu tư phụ thuộc?

Tôi có một người bạn là một nhân viên văn phòng, anh ấy có một khoản tiết kiệm nhỏ để đầu tư sinh lời. Với lượng kiến thức tích cóp được qua thời gian đầu tư, anh bạn của tôi đã tự xây dựng cho mình một hệ thống mua bán ưng ý.

Rồi một ngày cơ hội cũng đến với anh ấy khi cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí đầu tư đã xuất hiện. Nhiệm vụ lúc này chỉ là chờ tín hiệu mua và vào lệnh theo những gì đã thiết lập sẵn.

Tuy nhiên, thời khắc quyết định gần đến thì anh ấy bắt đầu cảm thấy lo lắng. Để bảo đảm cho quyết định của mình là chuẩn xác nhất, người bạn của tôi lướt web một vòng, hỏi han những người tin tưởng và dạo quanh các group chứng khoán để tìm thêm “tín hiệu” hoặc “xác nhận” cho quyết định vào lệnh của mình nhằm “củng cố niềm tin" của mình.

Song, điều trớ trêu là sau một hồi tham khảo đủ thứ thông tin quanh mình, anh bạn tôi không biết phải làm gì. Những người bạn tôi tin tưởng nhất, những thông tin nóng nhất mà bạn tôi nhận được dường như trái ngược với nhau, thậm chí còn trái ngược với cả những quan điểm đã đưa ra ban đầu.

Sự hoài nghi và rối trí bắt đầu xuất hiện, bạn tôi không biết tin vào tư vấn của ai, trong khi thời gian để đưa ra quyết định không còn nhiều. Mua hay không mua, một bài toán tưởng như đơn giản giờ lại trở lên vô cùng rắc rối?

Và rồi bạn tôi quyết định không vào lệnh, anh ấy ngồi và hy vọng rằng quyết định của mình là đúng. Nhưng ông trời thật bất công, thay vì giảm giá thì cổ phiếu đó lại tăng rất mạnh theo suy nghĩ ban đầu mà anh định hướng. Đau khổ khi nhận ra mình đã đưa ra một quyết định sai lầm, thở dài, tiếc nuối, bực bội rồi bắt đầu điệp khúc “giá mà...thì…” - điều mà tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần từ cậu ấy.

Bạn có thấy câu chuyện về anh bạn của tôi quen thuộc không? Cái mà người bạn của tôi đi tìm là “sự đồng thuận” từ người khác. Việc bạn luôn tìm kiếm “sự đồng thuận” là dấu hiệu của sự phụ thuộc trong đầu tư đấy.

Điều này chắc chắn là không tốt cho bạn chút nào. Chẳng có gì tệ hơn việc bạn nghe lời người khác rồi bỏ qua nguyên tắc và kỷ luật mà chính mình đã đặt ra, rồi sau đó lại nuối tiếc.

Vì sao chúng ta dễ dàng bị phụ thuộc trong đầu tư?

Chính yếu là vì chúng ta chưa có đủ niềm tin vào chính mình và vào hệ thống đầu tư của mình. Chúng ta mải miết đi tìm những hệ thống vững chắc với độ chính xác tuyệt đối và tin tưởng rằng, những “chén thánh” ấy có thể giúp ta kiếm được tiền.

Rồi chúng ta nhận ra tất cả những hệ thống đó vẫn mắc sai lầm và làm chúng ta thua lỗ. Chúng ta mất niềm tin và phá bỏ kỷ luật với chính những nguyên tắc mà mình tự đúc kết.

Có những lúc tuyệt vọng, chúng ta quyết định rằng mình sẽ phải tự xử lý những vấn đề đầu tư của riêng mình. Chúng ta bắt đầu học về tài chính, đọc thêm tài liệu, kiến thức chuyên môn và không quên đọc cả về những doanh nghiệp chúng ta đang quan tâm.

Nhưng chúng ta nhận ra rằng, lượng kiến thức chúng ta cần bổ sung là quá lớn, lượng thông tin chúng ta cần đọc ngốn gần như hết toàn bộ thời gian mỗi ngày. Chúng ta quá tải và nhanh chóng mệt mỏi. Cũng phải thôi, vì chúng ta muốn làm điều người khác làm trong 5 năm chỉ trong 5 ngày - điều vốn dĩ không thể.

Quay cuồng trong vòng xoáy đi tìm những quyết định mua bán hoàn hảo, chúng ta lại tiếp tục cuộc hành trình khỏa lấp những lo lắng bằng việc đi hỏi người khác rằng, hệ thống của mình, quyết định của mình, hành động của mình…. có thực sự đúng đắn.

Điều này chẳng khác gì việc chúng ta đi hỏi người bạn thân của mình về cách “tán đổ” cô bạn gái mà mình hằng theo đuổi. Không cẩn thận mất cả bạn thân lẫn bạn gái. Vậy mà bạn tin không, nhiều người vẫn đang làm thế mỗi ngày.

Để đầu tư thành công, bạn phải có tư duy độc lập

Một nhà đầu tư thành công luôn tin vào bản thân mình (nói đúng hơn là các chiến lược đầu tư của mình) và họ hiểu rằng, việc nghe theo lời khuyên không có cơ sở từ những người khác sẽ chỉ phá hỏng cơ hội. Họ biết rằng, một cơ hội do người khác mang lại, nếu thành công đó nhờ may mắn, còn nếu thất bại đó là vì vận đen, họ cũng chẳng học hỏi được gì thêm.

Nhiều người khi thua lỗ còn không nhận ra sai lầm của mình và luôn nghĩ rằng họ thua lỗ là vì người khác, vì những người họ đã tin tưởng nghe theo, họ lại cặm cụi đi tìm những người khác để trao niềm tin, vòng tròn luẩn quẩn cứ thế không hồi kết.

Để thay đổi kết quả, bạn phải thay đổi tư duy của mình. Trước tiên, đầu tư là một công việc lâu dài, không thể nhanh chóng. Việc đúc kết kiến thức, kinh nghiệm phải chăm chỉ và kiên trì.

Giống như cách nhà đầu tư huyền thoại Buffett đã nói: Bạn không thể sinh đứa trẻ trong 1 tháng bằng cách làm 9 người phụ nữ mang thai. Trong đầu tư cũng thế, bạn không thể có đủ lượng kiến thức và kinh nghiệm cần thiết chỉ bằng đi học các khóa cấp tốc về đầu tư và cách gia tăng số lần giao dịch của mình. Nó đòi hỏi phải có sự độc lập trong mỗi quyết định và sự chiêm nghiệm đầy nghiêm túc sau mỗi lần mắc sai lầm. Vì thế, đừng để ai quyết định giúp mình đối với tiền của mình.

Thứ hai, bạn cần hiểu rằng, có kiến thức thôi là chưa đủ, bạn cần phải tự xây dựng cho mình hệ thống phù hợp và đặc biệt là không ngừng rèn luyện“kỷ luật” với nó.

Đừng copy nguyên xi những hệ thống, quan điểm và quyết định của người khác để áp dụng vào bản thân mình. Mỗi một hệ thống giao dịch sẽ chỉ phù hợp với một người nhất định, có thể là người tạo ra nó và cũng có thể không.

Tuy nhiên, dù là hệ thống nào thì cũng sẽ có những lúc bị nhiễu, không một hệ thống nào hoàn hảo 100% cả, điều này là chắc chắn. Đầu tư là một cuộc chơi có xác xuất, chúng ta chỉ cần kiếm được nhiều tiền nhất lúc mình đúng và cố gắng hạn chế thua lỗ khi quyết định sai, vậy là đủ. Đừng đi tìm sự hoàn hảo trong hệ thống, hãy đi tìm sự hoàn hảo trong việc thực thi hệ thống.

Và bạn cũng đừng quên xem đầu tư như một quá trình học tập và mở rộng kiến thức bản thân, hơn là kiếm tiền trước mắt. Bạn cần hiểu rằng, việc thua lỗ trong một số lần vào lệnh là chuyện chắc chắn xảy ra và chúng ta nên đón nhận nó, đúc rút từ những nỗi đau mất tiền để từ đó biết cách né tránh chúng.

Thất bại đủ nhiều sẽ giúp chúng ta biết làm thế nào để thành công. Thất bại cũng tốt, miễn đó là thất bại từ những quyết định của chính bạn.

Hãy trau dồi kiến thức một cách chăm chỉ ngay từ hôm nay và rèn luyện cho những tư duy độc lập, không phụ thuộc người khác, chắc chắn kết quả đầu tư của bạn sẽ khác, dĩ nhiên là với một khoảng thời gian đủ dài. Hãy quyết định số mệnh tài chính của mình, đừng giao nó cho bất cứ ai, dù cho đó có là người bạn vô cùng ngưỡng mộ.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ban-la-nha-dau-tu-doc-lap-hay-phu-thuoc-118383.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/