Bamboo Capital lên mục tiêu gấp đôi lợi nhuận và muốn huy động 5.000 tỷ đồng năm nay

Đúng như những gì ban lãnh đạo Bamboo Capital đã hé lộ vào cuối tháng 11 năm ngoái, năm nay, tập đoàn xây dựng lộ trình huy động vốn khủng để rót vốn vào các dự án bất động sản, năng lượng tái tạo và đặc biệt là mảng dịch vụ tài chính - một trong các mảng chiến lược mới của tập đoàn.

CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 6/5 tới theo hình thức trực tuyến.

Mục tiêu lợi nhuận gấp đôi năm ngoái, dự kiến IPO BCG Land vào quý III

Theo tài liệu đại hội mới công bố, năm nay BCG đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất hơn 7.250 tỷ đồng, gấp 2,8 lần kết quả năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến gấp 2,2 lần lên 2.200 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng trưởng đột biến này cũng đã được ban lãnh đạo BCG tiết lộ trước đó khi năm 2022 được đánh giá là năm bùng nổ bởi các dự án đã bắt đầu đi vào hoạt động trở lại và dòng doanh thu từ các dự án của năm 2021 sẽ được ghi nhận cho 2022 này.

Ngoài ra, tập đoàn cũng công bố chỉ tiêu kinh doanh cho giai đoạn 2022 – 2026, trong đó các con số kế hoạch theo năm tăng trưởng hơn nhiều so với số liệu công bố trước đó với cùng giai đoạn. Lợi nhuận sau thuế năm 2026 kỳ vọng sẽ vượt mức 10.000 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu ĐHĐCĐ của BCG.

Năm nay, BCG vẫn sẽ tập trung vào mảng năng lượng tái tạo, thông qua BCG Energy, để tăng tốc triển khai và đưa vào hoạt động những dự án mới, đặc biệt là các dự án điện gió. Bên cạnh đó, BCG Energy sẽ nghiên cứu mảng điện khí LNG và công nghệ dự trữ điện. Mục tiêu đạt được ít nhất 2.000 MW tổng sản lượng phát điện trong danh mục đến năm 2025.

Với BCG Land, công ty sẽ nhanh chóng hoàn thiện các dự án còn đang dang dở trong năm 2021, để ghi nhận doanh thu cho năm 2022, đồng thời tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất. Bên cạnh đó, công ty sẽ tham gia phát triển các dự án trong phân khúc khu công nghiệp. Dự kiến vào quý III, BCG Land sẽ hoàn thiện các thủ tục để trở thành công ty đại chúng và IPO.

Còn với Tracodi, doanh nghiệp này sẽ nỗ lực tiệm cận các dự án ngoài hệ sinh thái, các dự án thuộc chương trình PPP của chính phủ tại khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Về kế hoạch cổ tức, năm nay, tập đoàn dự kiến chia cổ tức với tổng tỷ lệ 10% (5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu). Đồng thời phát hành 5 triệu cp ESOP cho người lao động với giá 10.000 đồng/cp. Cho năm 2021, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10% gồm tiền mặt và cổ phiếu, thay vì 12% như ban đầu.

Dự kiến góp 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial thông qua các đợt chào bán

Với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, năm nay, doanh nghiệp này dự kiến tăng vốn điều lệ từ 2.975 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên hơn 10.094 tỷ đồng tại cuối năm 2022.

Trước đó, lãnh đạo BCG cho biết kế hoạch tăng vốn này gắn liền với nhận định thị trường sẽ biến động mạnh, các chính sách của chính phủ được đẩy mạnh. Đồng thời vị lãnh đạo cũng trấn an cổ đông bởi "kế hoạch tăng vốn của chúng tôi có kế hoạch kinh doanh để làm backup".

Trước đó vào tháng 1/2022 BCG đã thực hiện phát hành huy động vốn với giá 12.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu để nâng vốn điều lệ lên 4.463 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp cũng đang thực hiện phát hành 60 triệu cp với giá 20.000 đồng/cp.

Theo tờ trình công bố, tập đoàn sẽ chào bán hơn 268,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn 65% so với giá trị sổ sách tại ngày cuối năm 2021 là 28.062 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành là 2:1. Phương án này sẽ thực hiện sau khi chia cổ tức và và phát hành ESOP.

Ngoài ra, BCG sẽ chào bán 250 triệu cổ phiếu ra công chúng theo hình thức đấu giá, giá khởi điểm bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 60 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường tính đến ngày HĐQT BCG ra nghị quyết triển khai chào bán. 

250 triệu cổ phiếu được đấu giá này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Như vậy, tổng giá trị cổ phần dự kiến phát hành ra công chúng tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng.

Tập đoàn cho biết, trong toàn bộ số tiền thu được, 5.000 tỷ đồng sẽ thực hiện góp vốn vào BCG Finanical để mở rộng hoạt động đầu tư ngắn và dài hạn. Số còn lại sẽ thực hiện các dự án bất động sản dự án năng lượng tái tạo thông qua các công ty thành viên bằng hình thức góp vốn, cho vay, hợp tác đầu tư ... và bổ sung vốn lưu động,…

Nói thêm, BCG Financial là công ty thực hiện mảng dịch vụ tài chính của tập đoàn. Năm ngoái, cùng với công ty mẹ, BCG Financial đã mua lại thành công Bảo hiểm AAA.

Bảo hiểm AAA thay đổi logo thương hiệu sau khi về với Tập đoàn Bamboo Capital. (Ảnh: Minh Hằng).

Năm nay, Bảo hiểm AAA sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, tận dụng tối đa những lợi thế đến từ các mảng dịch vụ khác trong cùng tập đoàn, với mục tiêu trở thành một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ top đầu thị trường Việt Nam. Trong năm 2022 công ty sẽ mở lại hoạt động 13 chi nhánh đang tạm ngừng và tiến hành xin 22 chi nhánh đã bị chấm dứt hoạt động được quay hoạt động trở lại, nâng tổng số chi nhánh hoạt động trên toàn quốc là 51.

Về vấn đề nhân sự của tập đoàn, hồi tháng 3, ông Khuất Tuấn Anh đã viết đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT với lý do cá nhân. Do đó trong lần đại hội này, công ty trình cổ đông miễn nhiệm ông Tuấn Anh và bầu bổ sung thêm thành viên thay thế cho nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hiện danh sách ứng viên chưa được công bố.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bamboo-capital-len-muc-tieu-gap-doi-loi-nhuan-va-muon-huy-dong-5000-ty-dong-nam-nay-202241771948680.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/