Bài toán sinh tồn của ứng dụng kết nối bảo hiểm nhân thọ mới ra đời ở Việt Nam

Nhà sáng lập một công ty môi giới bảo hiểm nhận định mọi thách thức công nghệ đều sẽ có lời giải, còn quản lí đội ngũ tư vấn bảo hiểm mới thực sự là bài toán khó.

Không biết bất kì đại lí bảo hiểm nhân thọ nào, nên khi có nhu cầu mua bảo hiểm, theo gợi ý của người quen, anh Võ Xuân Mạnh, một công chức ở Hà Nội, truy cập trang web của công ty Abank để tìm hiểu. 

Trên trang web, anh thấy hàng trăm sản phẩm bảo hiểm của nhiều công ty, cùng hơn 200 nhà tư vấn mà anh có thể tiếp cận. 

"Thay vì truy cập trang của nhiều công ty bảo hiểm để so sánh mức phí, quyền lợi giữa các hợp đồng bảo hiểm, tôi có thể so sánh chúng trên một trang web hay ứng dụng điện thoại, giảm khá nhiều thời gian và công sức", Mạnh bình luận.

Abank là một công ty môi giới bảo hiểm còn khá "non trẻ" do Đỗ Trường An, một người có kinh nghiệm 14 năm trong ngành bảo hiểm nhân thọ, thành lập vào tháng 3/2017. 

Từng nắm những vị trí cấp cao trong một số tập đoàn bảo hiểm lớn, Đỗ Trường An nhận thấy tiềm năng vô cùng lớn cũng như những vấn đề nan giải trong ngành. Anh xác định sứ mệnh của Abank là kết nối người có nhu cầu tài chính, bảo hiểm với các tổ chức, nhà tư vấn thông qua nền tảng trực tuyến.

Dịch vụ kết nối mua-bán bảo hiểm nhân thọ

Sử dụng dịch vụ của Abank, khách hàng có thể hiểu rõ các sản phẩm tài chính và so sánh các sản phẩm để xác định những sản phẩm về tài chính tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu bản thân. Sau đó, công ty giúp họ kết nối với những nhà tư vấn hay tổ chức phù hợp.

"Abank chuyên so sánh và kết nối tài chính đảm bảo đúng trách nhiệm, sự tin cậy, thân thiện và chuyên nghiệp" An phát biểu.

Ví dụ, để so sánh các sản phẩm bảo hiểm dành cho trẻ em với mức phí dưới 10 triệu đồng mỗi năm, khách hàng truy cập trang web của Abank rồi chọn chức năng "So sánh". Sau đó, họ chọn độ tuổi (như 1-3, 4-10), mức phí và công ty bảo hiểm để tìm sản phẩm phù hợp. 

Với chức năng "Công cụ", khách hàng có thể tìm tổ chức, chi nhánh ngân hàng, chương trình ưu đãi thẻ, tỉ giá ngoại tệ, tính lãi tiền gửi hoặc lãi vay.

Bài toán sinh tồn của ứng dụng kết nối bảo hiểm nhân thọ mới ra đời ở Việt Nam - Ảnh 1.

Đỗ Trường An, Chủ tịch Công ty Abank, nhận định bài toán công nghệ dễ giải hơn so với bài toán quản lí các nhà tư vấn bảo hiểm. Ảnh: Abank

Hiện tại, Abank đã liên kết với một số hãng bảo hiểm lớn như FWD, Vietinbank Insurance, PVI. Năm 2019, công ty đạt mức tăng trưởng tới 130% mỗi tháng. Để mở rộng kinh doanh, Abank thành lập 9 văn phòng đại lí trên cả nước.

"Từ trước tới nay, người dân chỉ biết mua bảo hiểm của đại lí cá nhân. Gần đây, mô hình ngân hàng bán bảo hiểm mới nở rộ. Mô hình mới nhất là đại lí tổ chức", An nói.

Với tư cách là đại lí tổ chức, Abank có thể kí thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Vì thế, công ty có thể giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm của nhiều hãng bảo hiểm, rồi so sánh để chọn sản phẩm phù hợp nhất. Sau khi quá trình mua bảo hiểm hoàn tất, khách hàng trả cho công ty một khoản phí.

Lập ứng dụng để đón đầu xu hướng mới trong ngành 

Ý tưởng ứng dụng công nghệ để kết nối khách hàng, nhà tư vấn và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hình thành trong tâm trí An khi anh nhận thấy điểm bất cập trong hoạt động của đại lí truyền thống. Để có khách hàng mới, đại lí thường tận dụng mối quan hệ cũ. Họ thường nhờ khách hàng hiện tại và người quen giới thiệu khách hàng mới.

Tuy nhiên, sau khi giới thiệu khách hàng mới cho đại lí, người kết nối hầu như không hưởng bất kì lợi ích nào. Vì không có động lực, nên họ sẽ không thường xuyên nghĩ tới việc giới thiệu khách hàng mới cho đại lí bảo hiểm.

"Khi người dân hợp tác với Abank với tư cách là cộng tác viên, họ có thể giới thiệu khách hàng mới cho công ty. Abank sẽ tư vấn, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng mới. Nếu khách hàng đồng ý, công ty gửi yêu cầu của họ tới công ty bảo hiểm. Khi khách hàng kí hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm trả phí giới thiệu cho Abank, và công ty trả phí cho cộng tác viên", An giải thích.

Thông thường, đại lí bảo hiểm là lực lượng chính tạo ra nhu cầu mua bảo hiểm của người dân. Song An tin rằng, với sự xuất hiện của những ứng dụng kết nối, lực lượng cộng tác viên sẽ góp phần làm tăng nhu cầu mua bảo hiểm của xã hội.

"Kết nối với khách hàng bằng công nghệ sẽ giúp nhà tư vấn tiếp cận khách hàng nhanh, hiệu quả và rẻ hơn nhiều so với việc gặp trực tiếp, chào mời qua điện thoại, tổ chức hội thảo", An lập luận.

KITI là tên ứng dụng kết nối nhà tư vấn bảo hiểm với các cộng tác viên. Đỗ Trường An ví ứng dụng của công ty như một siêu thị bán sản phẩm bảo hiểm theo hình thức tiếp thị liên kết, tạo ra hệ thống giới thiệu khách hàng.

Ra đời từ đầu năm 2019, KITI bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế của thị trường bảo hiểm. Vì thế, Abank tiếp tục nâng cấp ứng dụng để tối ưu trải nghiệm của người dùng.

Nhà sáng lập Abank tin KITI sẽ giảm bớt những vấn nạn trong giới tư vấn bảo hiểm như cướp khách, "cắt máu" (tự giảm hoa hồng để tặng khách). Khi các nhà tư vấn có nguồn khách dồi dào từ đội ngũ cộng tác viên, họ sẽ không có động lực để "cắt máu" hay cướp khách.

Các nhà tư vấn hợp tác với Abank phải là đại lí có mã số của các công ty bảo hiểm theo qui định của pháp luật, và họ kí hợp đồng dịch vụ với Abank.

Bài toán sinh tồn

Hai thành phần chính của ứng dụng kết nối bảo hiểm KITI - đội ngũ tư vấn và cộng tác viên – phải phát triển song song để bảo đảm sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, Abank sẽ dồn nguồn lực và thời gian cho đội ngũ tư vấn. Công ty sẽ tuyển chọn, đào tạo đội ngũ tư vấn để họ có năng lực. Sau đó, đội ngũ tư vấn sẽ tự gây dựng mạng lưới cộng tác viên của họ. Bằng cách đó, công ty sẽ không cần quảng cáo rầm rộ để người dân biết tới app.

"Chúng tôi sẽ ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Cứ tuyển 10 người, chúng tôi chỉ mong một người tiếp tục đồng hành cùng công ty", An thổ lộ.

Như vậy, các tư vấn viên có thể biến khách hàng thành cộng tác viên bằng cách hướng dẫn họ tải KITI về điện thoại. Ngoài ra, những cộng tác viên cũng có thể trở thành khách hàng nếu họ mua bảo hiểm nhân thọ.

"Giả sử một công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam có 50.000 đại lí. Nếu mỗi đại lí có 100 cộng tác viên, con số cộng tác viên đã lên tới 5 triệu. Khả năng nhân rộng của mô hình rất lớn", An bình luận.

Ngay cả khi đã đăng kí trở thành cộng tác viên, nhiều người sẽ không thường xuyên nhớ tới việc tìm khách hàng. Hiểu thực trạng đó, Abank thiết kế những chức năng để cộng tác viên có thể theo dõi quá trình làm việc của nhà tư vấn.

Ví dụ, sau khi giới thiệu khách hàng tiềm năng cho nhà tư vấn, cộng tác viên sẽ biết tình trạng của khách theo thời gian thực – như họ đã gặp nhà tư vấn chưa, cuộc nói chuyện thành công hay thất bại.

Chức năng nhắn tin tức thời với nhà tư vấn trong app cũng giúp cộng tác viên nắm kịp thời những diễn biến mới nhất.

Bên cạnh sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, cộng tác viên còn có thể giới thiệu khách có nhu cầu mua bảo hiểm phi nhân thọ hay vay vốn. Theo An, vì nhu cầu vay vốn khá lớn, nên trong thời gian đầu nó sẽ là động lực để cộng tác viên gắn bó với ứng dụng, giúp họ tự tin nếu số lượng khách có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ không lớn.

Mối lo lớn nhất của An là phát triển đội ngũ tư vấn, chứ không phải công nghệ. Anh khẳng định các doanh nghiệp sẽ luôn tìm thấy giải pháp trước mỗi vấn đề công nghệ.

"Nhưng trong ngành bảo hiểm và các loại hình dịch vụ khác, quản lí con người mới là thách thức lớn nhất", anh nói.

Kết nối KITI với các dịch vụ thanh toán điện, nước và các loại hóa đơn khác cũng là một mục tiêu mà An hướng tới để đa dạng hóa dịch vụ.

Về phạm vi hoạt động của ứng dụng, An nhận định trong tương lai gần, công ty sẽ tập trung vào hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM.

"Giống như các ứng dụng kết nối đi lại như Grab hay Gojek, ứng dụng kết nối bảo hiểm chỉ phát huy hiệu quả cao ở các đô thị lớn, có mật độ dân số cao và mức độ am hiểu bảo hiểm của người dân cũng cao", An lập luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bai-toan-sinh-ton-cua-ung-dung-ket-noi-bao-hiem-nhan-tho-moi-ra-doi-o-viet-nam-2020091520295586.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/