Bài 2: Doanh nghiệp 'chung tay' trồng rừng có chứng chỉ

Dù chứng chỉ rừng (CCR) được coi là chìa khóa giải bài toán gỗ nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ rừng sản xuất được cấp CCR vẫn rất thấp.

Để tận dụng các cơ hội từ EVFTA nói riêng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung mang lại, nhiều doanh nghiệp đã chủ động "chung tay" cùng các hộ trồng rừng trồng rừng có chứng chỉ.

Nhiều khó khăn trong trồng rừng có chứng chỉ

Theo Đề án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, đến năm 2030, Việt Nam sẽ tổ chức cấp CCR cho 1 triệu ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ. 

Việc cấp CCR thành công sẽ giúp cho việc quản lý và phát triển rừng trồng bền vững, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ nói chung và gỗ xuất khẩu nói riêng.

Bài 2: Doanh nghiệp 'chung tay' trồng rừng có chứng chỉ - Ảnh 1.

Nhiều chủ rừng chưa thấy được lợi ích của việc tham gia trồng rừng có chứng chỉ

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ rừng sản xuất được cấp CCR vẫn đang ở mức rất thấp bởi nhiều lý do.

Ông Hoàng Đức Doanh - Chủ tịch Hội Các nhóm có CCR Quảng Trị - cho biết, việc quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn CCR quốc tế có một số tiêu chí khó đáp ứng với điều kiện sản xuất quy mô nhỏ ở Việt Nam và năng lực của chủ rừng. 

Một số các chủ rừng muốn trồng rừng, khai thác thật nhanh để có lợi nhuận chứ chưa quan tâm đến yếu tố ổn định, bền vững; công tác lập hồ sơ quản lý và sản xuất rừng theo chuẩn quốc tế còn khó khăn. Sản phẩm gỗ nguyên liệu phẩm chất chưa đồng đều, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho hội viên còn khó khăn...

Nhận thức của hộ/nhóm trồng rừng về CCR cũng là một khó khăn điển hình. “Nhiều chủ rừng có diện tích nhỏ, thiếu vốn, chưa thực sự thấy được lợi ích khi tham gia trồng rừng có cấp CCR”, ông Nguyễn Hữu Huy - Phó Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên Huế - nói.

Tương đồng với ý kiến trên, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - bổ sung thêm, hiện chính quyền các địa phương chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp cam kết hỗ trợ chi phí đánh giá cấp CCR, tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. 

Chưa có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ cho chủ rừng đối với rừng trồng đã được cấp CCR. Các hộ/nhóm trồng rừng vẫn còn tâm lý dè chừng và chưa tin tưởng về cả đầu ra, rủi ro trong sản xuất cũng như còn khó khăn về kinh phí.

Doanh nghiệp chung tay cùng thực hiện chứng chỉ rừng

Ông Lê Minh Hưng cho biết, diện tích rừng được cấp chứng chỉ dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhờ chính sách khuyến khích của Chính phủ và địa phương, nhưng quan trọng là có sự chung tay của các doanh nghiệp gỗ trong việc liên kết với các hộ/nhóm trồng rừng để trồng rừng có chứng chỉ.

“Việc các doanh nghiệp cùng tham gia trồng rừng có chứng chỉ sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi thế tốt hơn khi gia nhập thị trường quốc tế; sẽ tạo sự tin cậy cho thương hiệu. 

Cùng với đó, sẽ tạo chuỗi sản xuất – kinh doanh khép kín nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững theo chuỗi hành trình sản phẩm CoC; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh giống lâm nghiệp, trồng rừng, cam kết tiêu thụ và chế biến sản phẩm. 

Về phía các hộ/nhóm trồng rừng sẽ giảm được gánh nặng về chi phí đánh giá cấp chứng chỉ rừng”, ông Hưng nói.

Bài 2: Doanh nghiệp 'chung tay' trồng rừng có chứng chỉ - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tham gia trồng rừng có chứng chỉ sẽ hỗ trợ giống cây trồng, hướng dẫn người dân các chăm sóc, chịu chi phí đánh giá chứng chỉ rừng và bao tiêu sản phẩm đầu ra theo giá thị trường

Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam chuyên cung cấp gỗ nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản… 

Ông Đoàn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT công ty - cho biết, để trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang các thị trường khó tính thì gỗ nguyên liệu bắt buộc cần có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ gỗ (chứng chỉ FSC).

“Tôi nhận thấy Việt Nam có thế mạnh về trồng rừng nhưng lượng gỗ có nguồn gốc, có chứng nhận FSC lại đang rất thiếu, trong khi nhu cầu thị trường lại rất cần. Chỉ 5 - 7 năm nữa thôi, gỗ không có chứng chỉ FSC sẽ rất khó bán. 

Thị trường xuất khẩu của các quốc gia ngày một đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn. Và việc đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng là việc bức thiết cần phải làm ngay”, ông Hùng nói và cho biết, từ nhu cầu thị trường, 3 năm qua, công ty đã cử hơn 20 kỹ sư lâm nghiệp đi khảo sát, tìm hiểu thông tin và vận động các hộ/nhóm trồng rừng tham gia vào việc trồng rừng có chứng chỉ.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tiến hành liên kết được hơn 3.000ha rừng trồng theo các tiêu chuẩn chung để đánh giá và cấp CCR. Tháng 8/2020 sẽ đánh giá thử và đến cuối năm sẽ đánh giá chính thức”, ông Hùng nói và cho biết thêm, dự kiến mỗi năm công ty phấn đấu sẽ liên kết được từ 3.000 – 5.000ha rừng. 

Mục tiêu đến năm 2025, sẽ liên kết được từ 30.000 - 50.000ha rừng khi đó sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Ông Hùng cho biết, các hộ tham gia vào liên kết lợi nhuận từ trồng rừng mang lại sẽ cao hơn gấp 2 - 2,5 lần so với trồng rừng bình thường, còn giảm được chi phí trồng, khai thác. Thường người dân chỉ trồng cây 4 năm sẽ khai thác. 

Tuy nhiên, trên thực tế, gỗ từ năm thứ 4 trở đi tăng trọng rất nhanh, nếu để đến 7 – 8 năm trọng lượng thu được sẽ tăng gấp 3 – 4 lần. Bên cạnh đó, giá trị gỗ lâu năm hơn cũng cao hơn rất nhiều. Chưa kể đến việc gỗ được cấp chứng chỉ FSC sẽ có giá thu mua cao hơn từ 10-15% so với gỗ không có chứng chỉ.

Theo quy trình liên kết, công ty và các hộ/nhóm trồng rừng sẽ có cam kết chung. Trong đó, công ty cung cấp giống, chi phí đánh giá chứng chỉ cho diện tích rừng liên kết, hướng dẫn người dân trong khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc. 

Người dân cam kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp liên kết với họ. Sản phẩm trồng ra sẽ được bao tiêu, thu mua theo giá thị trường. 

"Tôi tin tưởng rằng, việc liên kết cấp CCR được thúc đẩy tương lai ngành gỗ của Việt Nam sẽ sáng hơn. Chỉ cần từ 50-70% hộ trồng rừng tham gia liên kết chúng ta đã đảm bảo được nguồn nguyên liệu gỗ có nguồn gốc xuất xứ ổn định đủ phục vụ sản xuất. 

Việc này có lợi cho cả 3, bên thứ nhất là đầu ra của nguồn nguyên liệu gỗ ổn định hơn với cam kết bao tiêu sản phẩm; đời sống của người dân sẽ ổn định hơn, có thu nhập cao hơn; và doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn đảm bảo các tiêu chuẩn từ các thị trường khó tính, trong đó có thị trường EU, từ đó tận dụng được các ưu đãi từ EVFTA mang lại cho ngành gỗ", ông Hùng nhận định.

Bài 2: Doanh nghiệp 'chung tay' trồng rừng có chứng chỉ - Ảnh 3.

Cần có các chính sách thiết thực hơn để khuyến khích doanh nghiệp chung tay cùng trồng rừng có chứng chỉ

Cần có chính sách thiết thực thúc đẩy việc trồng rừng có chứng chỉ

Theo đại diện các địa phương, trong thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích phát triển cấp CCR trong đó kêu gọi các chủ rừng, các công ty lâm nghiệp tham gia. 

Chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các vườn giống công nghệ cao, phát triển mô hình nuôi cấy mô, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm rừng trồng, vừa giảm các chi phí cho người dân về các chi phí chăm sóc, cũng như chất lượng gỗ; khuyến khích người dân chuyển hóa mô hình từ sản xuất gỗ nhỏ sang mô hình sản xuất gỗ lớn, khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm gỗ, cơ cấu lại các nhà máy gỗ dăm để nâng cao sản xuất gỗ cao cấp hơn... 

Đặc biệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản). Hoàn thiện hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn...”.

Ở vị trí của doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Hùng cho biết, chi phí doanh nghiệp đầu tư để liên kết trồng rừng có chứng chỉ là rất lớn. Các chính sách khuyến khích của Chính phủ và địa phương hiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia trồng rừng có chứng chỉ. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện chính là tiếp cận vốn. 

“Doanh nghiệp hiện phải huy động mọi nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức phi chính phủ… Tuy nhiên, tôi mong muốn sẽ có cơ chế cho doanh nghiệp nông - lâm nghiệp như chúng tôi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, bởi ngân hàng hiện không “mặn mà” với lĩnh vực này”, ông Hùng chia sẻ. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bai-2-doanh-nghiep-chung-tay-trong-rung-co-chung-chi-2020062922130668.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/