Áp thuế giá trị gia tăng đối với phân bón thế nào để cả doanh nghiệp và người dân đều hưởng lợi?

Đại diện FAV nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế VAT sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm.

Chi phí đầu vào cao, doanh nghiệp phân bón cũng méo mặt

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón”, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV) cho biết sau khi căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra, giá phân bón thế giới đã lập đỉnh trong 50 năm trở lại đây.

Cụ thể, căng thẳng chính trị khiến giá dầu, khí – nguyên liệu sản xuất phân bón phi mã, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, nguồn cung phân bón cho thế giới bị gián đoạn.

Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus, quốc gia chiếm tới 20% sản lượng cung kali toàn cầu, đã ảnh hưởng tạo ra một khoảng trống cho mặt hàng này.

Ngoài ra, lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã gây áp lực lên giá cả, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam.

“Việc phân bón trong nước phi mã như hiện nay, tựu chung lại sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp, song ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất là ảnh hưởng đến bà con nông dân trong hoạt động sản xuất”, ông Hà cho biết.

Tọa đàm “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón" (Ảnh: Báo Công Thương)

Thực tế, việc gián đoạn nguồn cung phân bón thế giới đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu ure như Phân bón Cà Mau, Đạm Phú Mỹ... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật với cơn bão giá nguyên liệu.

Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, giá các mặt hàng phân bón như lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89% đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

“Nếu nguyên liệu lưu huỳnh, kali… không được cung ứng đủ sẽ khiến nhà máy không đạt công xuất, sản xuất cầm chừng, dẫn đến giá thành rất cao.

Trong khi đó, việc dừng sản xuất và sản xuất trở lại thì chi phí rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của công ty”, ông Hồng nói.

Việc giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá thành, giá bán đều cao, làm giảm sức mua của thị trường. 6 tháng qua, sản lượng phân bón của công ty 20-25% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2021, tương đương khoảng 100.000 -200.000 tấn.

Trong khi các doanh nghiệp ure báo lãi khủng, supe Lâm Thao lại ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong quý II của công ty đạt 773 tỷ đồng và 26 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận doanh thu thuần tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021, lên 1.827 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 8% lên 57 tỷ đồng.

Sửa đổi Luật 71 thế nào cả doanh nghiệp và nông dân đều hưởng lợi?

Giá phân bón tăng cao, người chịu thiệt đầu tiên và nhiều nhất là nông dân. Tuy nhiên, việc bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hạ giá phân bón xuống thấp hơn giá thị trường là không thể, đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường.

Về phía Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Phùng Hà cho rằng để hạ nhiệt giá phân bón, doanh nghiệp cần tăng cường nguồn cung, giảm giá thành.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Ngoài ra, đại diện FAV cho rằng cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, giảm các thủ tục hành chính cũng góp phần giảm giá thành.

Về lâu dài để đảm bảo cho ngành phân bón phát triển bền vững, phục vụ cho phát triển nông nghiệp thì nên tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật 71, đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng.

Ông Hà phân tích với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ giảm khả năng cạnh tranh.

“Việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế VAT sẽ giúp đơn vị trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm.

Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác”, ông Hà nói.

Còn theo quan điểm của ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng trong bối cảnh giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, việc đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5% như dự kiến, sẽ tăng áp lực cho nông dân.

Do đó, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Luật giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và không ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ap-thue-gia-tri-gia-tang-doi-voi-phan-bon-the-nao-de-ca-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-deu-huong-loi-2022830114626849.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/