Áp lực lãi vay, Masan Resources lần đầu báo lỗ từ khi lên UPCoM, lợi nhuận 6 tháng giảm 98%

Tại thời điểm 30/6, nợ vay của Masan Resources chiếm tới 44% trong cơ cấu nguồn vốn, trong đó vay từ phát hành trái phiếu dài hạn 8.513 tỉ đồng và vay ngắn hạn ngân hàng 4.229 tỉ đồng.

CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources - Mã: MSR) vừa công bố kết quả kinh doanh quí II/2019 với doanh thu thuần bán hàng đạt 1.502 tỉ đồng, giảm 14,3% so với cùng kì năm trước.

Theo giải trình của công ty, doanh thu giảm bởi ảnh hưởng bởi giá bán Vonfram giảm và tăng lượng tồn kho đồng do công ty đang tìm giải pháp chế biến nội địa và xây dựng nhà máy tinh luyện đồng/vàng riêng.

Mặc khác, giá vốn hàng bán tăng 1,5% lên 1.145 tỉ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 42,3% còn 357 tỉ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 42,3% lên 26,9 tỉ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính tăng 31 tỉ đồng lên 333 tỉ đồng do phát sinh thêm các hoạt động tài chính trong quí II. Chi phí bán hàng tăng nhẹ lên 28,3 tỉ đồng. Chi phí quản lí doanh nghiệp giảm 53,1% xuống 24,1 tỉ đồng. Chi phí khác tăng nhẹ lên 6 tỉ đồng.

Theo đó, Masan Resources ghi nhận lỗ trước thuế 8 tỉ đồng trong quí II. Nhờ thuế TNDN hoãn lại 15,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 83,8 triệu đồng, giảm 99% so với cùng kì.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Masan Resources báo lỗ kể từ khi giao dịch trên UPCoM kể từ tháng 9/2015.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu giảm 17% xuống còn 2.690 tỉ đồng; lợi nhuận gộp đạt 711 tỉ đồng, giảm 37%. Chi phí tài chính tăng 10,5% lên tới 639 tỉ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,3 tỉ đồng, giảm 98% so với năm trước.

Trong cơ cấu tài sản, tài sản cố định chiếm 61% với giá trị 17,8%, tập trung vào máy móc thiết bị và tài sản khai thác khoáng sản.

Tính đến 30/6, hàng tồn kho tăng tăng 74% lên 2.865 tỉ đồng, tập trung vào thành phẩm 1.146 tỉ đồng và hàng hóa 725 tỉ đồng. Do hàng tồn kho tăng mạnh, cùng với việc giảm doanh thu khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm âm 285 tỉ đồng, trong khi kì trước dương 618 tỉ đồng.

Các khoản phải thu giữ ở mức 1.321 tỉ đồng, trong đó có 1.284 tỉ đồng phải thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng từ UBND Tỉnh Thái Nguyên.

Đáng chú ý, nợ vay của Masan Resources chiếm tới 44% trong cơ cấu nguồn vốn, đây là nguyên nhân khiến chi phí lãi vay luôn duy trì ở mức cao, tương đương 90% lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm.

Trong đó, vay từ phát hành trái phiếu dài hạn 8.513 tỉ đồng, được đảm bảo bởi một số tài sản dài hạn của công ty và cổ phiếu MSR được nắm giữ bởi Công ty TNHH Tầm nhìn Masan. Vay ngắn hạn ngân hàng 4.229 tỉ đồng, được đảm bảo bởi các khoản phải thu ngắn hạn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ap-luc-lai-vay-masan-resources-lan-dau-bao-lo-tu-khi-len-upcom-loi-nhuan-6-thang-giam-98-20190730212230362.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/