Ảo tưởng bất bại của giới bất động sản Trung Quốc lung lay vì khủng hoảng của người từng giàu nhất châu Á

Giới đầu tư từng háo hức gom trái phiếu của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc vì tin chúng sẽ không thể sụp đổ. Song thực tế hiện nay đang trái với kì vọng của họ và cũng dội gáo nước lạnh vào ảo tưởng của nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc.

Hằng Đại, tập đoàn bất động sản của tỉ phú Hứa Gia Ẩn, đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin từ các chủ nợ, những người đã cho tập đoàn vay tới gần 123 tỉ USD, Bloomberg đưa tin.

Sự hoài nghi âm thầm của giới đầu tư và chủ nợ đối với Hằng Đại lên tới đỉnh điểm hôm 24/9, khi một số báo đưa tin tập đoàn cảnh báo giới chức địa phương về những nguy cơ mang tính hệ thống do tình trạng thiếu tiền mặt của Hằng Đại.

Ngay lập tức, giới đầu tư bán tháo trái phiếu của Hằng Đại, khiến giá trị của nó (đáo hạn vào năm 2023) giảm tới 28% hôm 25/9.

Trong một tuyên bố, Hằng Đại khẳng định tin đồn và những tài liệu đang lan truyền trên mạng chỉ nêu ra những thông tin giả để bôi nhọ tập đoàn, nhưng không giải thích trực tiếp về việc họ đã cảnh báo giới chức về tình trạng thiếu tiền hay không.

Niềm tin của giới đầu tư đối với trái phiếu bất động sản Trung Quốc

Suốt nhiều năm qua, hàng nghìn người dân Trung Quốc và nhà đầu tư quốc tế ráo riết mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát triển bất động sản Trung Quốc với niềm tin rằng nhóm doanh nghiệp đó có tiềm lực lớn đến mức không thể sụp đổ kể cả khi gặp khủng hoảng.

Đợt bán tháo mạnh mẽ trên toàn thế giới vào tháng 3 vừa qua vẫn không khiến các ngân hàng tư nhân Trung Quốc dao động. Họ tiếp tục động viên nhiều khách vay giàu không nên lo lắng quá, mà nên tiếp tục giữ trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc.

Mãi đến khi báo giới đưa tin về núi nợ khổng lồ và tình hình tài chính bết bát của tập đoàn Hằng Đại, đế chế bất động sản của tỉ phú Hứa Gia Ẩn, mọi người mới tỉnh ngộ.

Những thay đổi về chính sách mới nhất của Trung Quốc trong thời gian qua, theo giới phân tích, chứng tỏ rằng Bắc Kinh không hề nao núng khi phải hi sinh vài tập đoàn lớn để cứu toàn bộ thị trường bất động sản.

Ảo tưởng bất bại của giới bất động sản Trung Quốc lung lay vì khủng hoảng của người từng giàu nhất châu Á - Ảnh 1.

Hằng Đại, tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai ở Trung Quốc, đang đối mặt nguy cơ lớn với núi nợ gần 123 tỉ USD. (Ảnh: archdaily.com)

Là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc với tổng tài sản 337 tỉ USD nhưng khoản nợ lên tới gần 123 tỉ USD, Hằng Đại vừa đối mặt với cơn khủng hoảng lớn vào cuối tuần trước. Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của tập đoàn.

Phong trào bán tháo bắt nguồn từ tin Hằng Đại gửi một báo cáo tới giới chức tỉnh Quảng Đông, cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tiền mặt dây chuyền cho các ngân hàng nếu tập đoàn không thể niêm yết cửa sau trên sàn chứng khoán Thâm Quyến vào tháng 1/2021.

Do công chúng sửng sốt trước thông tin, Hằng Đại tuyên bố đó là tin sai sự thật. Nhưng đối với phía các nhà đầu tư, dù tin đúng hay sai, nó vẫn hé lộ tình trạng nguy khốn của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc.

Sự nhầm tưởng của ông chủ Hằng Đại

Nội dung tài liệu Bloomberg thu thập cho thấy Hằng Đại cảnh báo có nếu họ mất khả năng thanh toán khoản vay 835,5 tỉ nhân dân tệ (122,48 tỉ USD), có thể 8.441 doanh nghiệp đối tác sẽ phá sản và 3,1 triệu người lao động mất việc. 

Hàm ý của Hằng Đại là sự sụp đổ vì nợ của tập đoàn sẽ gây hậu quả rất tệ hại với cả nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Ảo tưởng bất bại của giới bất động sản Trung Quốc lung lay vì khủng hoảng của người từng giàu nhất châu Á - Ảnh 2.

Tỉ phú Hứa Gia Ẩn, Chủ tịch tập đoàn Hằng Đại, từng là người giàu nhất châu Á. Ảnh: Caixin

Song có lẽ ban lãnh đạo Hằng Đại đã nhầm. Một số chuyên gia tài chính nới với Washington Post rằng Hằng Đại không thuộc nhóm quá lớn đến mức không thể phá sản và việc họ lao đao không gây nên những rủi ro hệ thống.

Hồi tháng 8, chính phủ Trung Quốc công bố quy định “ba lằn ranh đỏ” dành cho các tập đoàn bất động sản lớn, bao gồm tỉ lệ trần nợ so với tài sản, tỉ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu, và nợ ngắn hạn.

Gavekal Dragonomic tính toán rằng trong số 334 tập đoàn bất động sản phải thực hiện các qui định mới, chỉ 50 tập đoàn - chiếm 36% tổng vốn vay của ngành - không thể đáp ứng cả ba tiêu chí. Nhóm doanh nghiệp chiếm dưới 50% tổng nợ thỏa mãn cả ba tiêu chí.

Với nhóm 18 tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc mà Bloomberg thu thạp dữ liệu, 11 doanh nghiệp đang an toàn và có thể tăng vay nợ 10-15% mỗi năm. Như vậy, nếu Hằng Đại phá sản, hàng loạt doanh nghiệp sẽ có khả năng mua lại tài sản của họ.

China Vanke, một tập đoàn bất động sản ở Trung Quốc, đã mua tài sản của Tahoe, tập đoàn bất động sản lớn đầu tiên tại Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm. Không giống như các tập đoàn tài chính, doanh nghiệp bất động sản có rất nhiều tài sản vật chất.

Doanh nghiệp phá sản có thể bán đất, công trình để trả nợ. Đương nhiên các chủ nợ lớn sẽ nhận tiền trước, còn những chủ nợ nhỏ sẽ chịu thiệt. Do đó, chính phủ không cần cứu trợ những doanh nghiệp như Hằng Đại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ao-tuong-bat-bai-cua-gioi-bat-dong-san-trung-quoc-lung-lay-vi-khung-hoang-cua-nguoi-tung-giau-nhat-chau-a-20200928221338058.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/