Ấn Độ siết chặt xuất khẩu gạo, Việt Nam sẽ là nguồn cung thay thế?

Việc Ấn Độ siết chặt xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trở thành nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá gạo tăng hơn là nguồn cung thay thế.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu khác nhau

Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa qua tăng cường siết chặt nguồn cung ra thị trường thế giới.

Theo đó, nước này cấm xuất khẩu gạo tấm đồng thời áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: thóc, gạo lứt và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo basmati. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 9/9.

Ấn Độ hiện chiếm khoảng 41% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu và là nguồn cung cho hơn 150 quốc gia, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Do đó, động thái siết chặt này được nhiều người cho rằng ngành gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì các khách hàng trên thế giới tìm nguồn cung thay thế. 

Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu (sau Ấn Độ và Thái Lan), chiếm khoảng 7,8% thương mại toàn cầu.  

Hiện tại, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đang thuận lợi trong bối cảnh khung hoảng lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp và giá mặt hàng này cũng đang tăng mạnh.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, luỹ kế từ đầu năm đến giữa tháng 9, Việt Nam xuất hơn 5 triệu tấn gạo, trị giá 2,44 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 8,6% về giá trị.  

 

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, Việt Nam sẽ không hưởng lợi trực tiếp từ việc Ấn Độ siết chặt hoạt động xuất khẩu, mà thay vào đó hưởng lợi gián tiếp nhờ mặt bằng giá gạo thế giới tăng lên. 

Bởi lẽ, mặt hàng mà Ấn Độ cấm xuất khẩu là gạo là gạo 100% tấm, trong khi đây không phải là thế mạnh của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện Ấn Độ cung cấp tới một nửa lượng gạo tấm cho toàn cầu và Việt Nam thậm chí có một trong những “khách hàng” lớn của nước này. Gạo tấm chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, hoặc nấu bia, làm bún, phở. 

“Thời gian vừa rồi, Trung Quốc tìm đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung thay thế Ấn Độ, chủ yếu là loại 100% tấm. Tuy nhiên, lượng gạo tấm do Việt Nam sản xuất rất ít, mà chủ yếu là loại gạo thơm cao cấp”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) chia sẻ với người viết. 

Còn với loại gạo basmati cao cấp và gạo đồ - phân khúc cạnh tranh trực tiếp với gạo thơm của Việt Nam, Ấn Độ vẫn cho xuất khẩu bình thường. Đồng thời,  hai loại gạo này cũng chiếm tới trên 50% tỷ trọng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. 

 Số liệu: Bộ Nông nghiệp Mỹ (H.Mĩ tổng hợp)

Đối với những loại gạo bị Ấn Độ áp thuế 20% như gạo lứt, thóc, thì đây cũng không phải là thế mạnh của Việt Nam. Theo đó, tỷ trọng gạo lứt xuất khẩu chiếm chưa đến 1% và Việt Nam không xuất khẩu thóc. 

Một số các loại khác bị áp thuế 20% cũng chủ yếu là loại gạo giá rẻ, chủ yếu xuất khẩu sang các nước thu nhập thấp khu vực Châu Phi. Trong khi đó, phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam hướng đến là gạo thơm cao cấp, tập trung vào các thị trường như Hàn Quốc, Châu Âu, Malaysia,…

Ngay cả với loại gạo 5% tấm, phân khúc khách hàng của Việt Nam và Ấn Độ cũng khác nhau.

Theo đó, gạo 5% tấm của Ấn Độ dùng nhiều cho sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc các sản phẩm chế biến khác hơn do gạo của nước này thường cũ hơn bởi một năm chỉ có 2 vụ.

Còn với gạo 5% tấm của Việt Nam thường có giá đắt hơn và phục vụ làm cơm cho người.

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp) 

“Nếu không áp thuế, gạo 5% tấm của Ấn Độ khoảng 350 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức giá 410 USD/tấn của Việt Nam. Ngay cả khi áp thuế 20% thì gạo Ấn Độ cũng chỉ cao hơn một chút. Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao gạo Việt Nam đắt hơn mà vẫn bán được. Câu trả lời là phụ thuộc vào mục đích nhập khẩu của các nhà nhập khẩu”, ông Bình nói.

Theo vị này gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ mặt bằng giá lương thực tăng lên. 

“Thực tế, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế gạo trắng chỉ là một trong những yếu tố khiến giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng thêm. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kèm theo khủng hoảng Nga - Ukraine làm giá lương thực, thực phẩm thế giới càng tăng thêm. Tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới vừa trải qua đợt hạn hán nặng nề. Tình hình giá lương thực thực thế giới sẽ còn tăng và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu thế này”, ông Bình nói.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo với lệnh hạn chế, lượng xuất khẩu của Ấn Độ giảm 7,5% xuống còn 20,3 triệu tấn trong năm 2022.

Theo CTCP Chứng khoán VNDirect, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu vào năm 2007, giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn.

Kể từ đầu năm 2021, giá gạo đã điều chỉnh khoảng 45% so với mức đỉnh khoảng 570 USD/tấn trong 6 tháng và sau đó dao động trong khoảng 390 – 490 USD/tấn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến nay bất chấp giá thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, những ngày gần đây giá gạo bắt đầu tăng sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

 Diễn biến giá gạo kể từ đầu năm 2018 (USD/tấn). Nguồn: VNDirect

Theo Reuters, giá gạo tại châu Á đã tăng 5% kể từ thông báo của Ấn Độ và dự kiến ​​sẽ còn đi lên trong tuần này. Các thương nhân cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn vào ngày 12/9, tăng từ mức 390- 393 USD/tấn của tuần trước đó. 

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết gạo Việt Nam trong nước đang tăng 200-300 đồng/kg đối với gạo trắng nên các doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ mua hàng vào để giao hàng cho các đơn hàng ký trước đó.

Mặc dù vậy, chia sẻ với người viết bà Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho rằng việc nhận định Việt Nam có được hưởng lợi hay không còn quá sớm và sẽ có độ trễ nhất định. 

“Phải đến năm 2023 thì mới biết rõ được mức độ ảnh hưởng của việc Ấn Độ siết chặt xuất khẩu gạo đối với Việt Nam thế nào bởi nước này vẫn chủ yếu xuất khẩu gạo bamasti và gạo đồ trong khi hai loại này không bị siết. Thậm chí, lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm còn tác động xấu đến một số doanh nghiệp làm thương mại của Việt Nam - những người vẫn đang nhập khẩu gạo tấm Ấn Độ rồi tái xuất đi các nước khác”, bà Liên nhận định. 

Nhiều doanh nghiệp chờ giá tăng thêm

Theo ông Bình hiện tại đang là những tháng cuối năm, lượng hàng tồn kho không nhiều. Do đó, không phải khách hàng có nhu cầu là có thể đáp ứng được luôn mà phải cân đối theo nguồn hàng của từng doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp đang có động thái theo dõi, chờ đợi giá lên để ký kết các hợp đồng mới.

"Với đơn hàng mới, hiện công ty đang tạm ngưng ký thêm các hợp đồng gạo trắng và tấm do giá gạo đang lên. Khả năng trong 5-10 ngày tới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ chào bán tăng 15-20 USD/tấn", ông Có cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Phước Thành IV cho biết: “Đây là tin vui đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác xuất khẩu gạo khác. Các hợp đồng mới có thể sẽ được đàm phán với giá tốt hơn hoặc nếu không thì doanh nghiệp sẽ tạm trữ để theo dõi tình hình thế giới, nhu cầu của các thị trường ra sao”.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lựa chọn bán hàng theo đúng kế hoạch đề ra mà không tạm ngừng ký để chờ đợi giá lên. 

Theo ông Bình, hiện tại Trung An vẫn đang bán hàng bình thường, với các đơn hàng cũ sẽ cố gắng giao theo đúng hợp đồng.

“Chúng tôi không ngừng bán hàng để chờ giá lên, mà bán hàng theo đúng kế hoạch. Nếu dừng bán hàng sẽ tạo áp lực lên nguồn cung cho các khách hàng”, ông Bình nói.

Còn với Vinaseed, bà Liên cho biết sẽ tiếp tục giao hàng cho các hợp đồng đã ký trước đó theo đúng giá đã cam kết. Còn với khách hàng mới thì “nước lên, thuyền cũng lên”, sẽ bán theo giá thị trường. 

VNDirect nhận định ba doanh nghiệp niêm yết là Lộc Trời, Trung An và PAN (công ty mẹ của Vinaseed) với tỷ trọng xuất khẩu gạo lớn sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá gạo. 

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/an-do-siet-chat-xuat-khau-gao-viet-nam-se-la-nguon-cung-thay-the-2022923173343436.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/