Alibaba rót 1,3 tỷ USD vào Lazada kể từ đầu năm, tiếp tục 'đấu' Shopee và Tokopedia trên thị trường TMĐT Đông Nam Á

Sau thời gian "thống trị" thị trường TMĐT Đông Nam Á, sàn Lazada giờ đây phải đối mặt với những sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Shopee, Tokopedia và nhiều startup khác trong khu vực.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã đầu tư tổng cộng khoảng 912,5 triệu USD vào sàn thương mại điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á Lazada, theo hồ sơ gần đây với các cơ quan quản lý tài chính ở Singapore, Asia Nikkei dẫn tin từ DealStreetAsia.

Con số này được tổng hợp sau đợt rót vốn thêm 378,25 triệu USD vào tháng 5, nâng tổng số tiền đầu tư của Alibaba vào công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore lên 1,3 tỷ USD kể từ đầu năm 2022. Sàn thương mại điện tử này hiện do Alibaba sở hữu phần lớn cổ phần. Phía DealStreetAsia đã liên hệ với Lazada để có thêm thông tin về vấn đề này.

Đầu năm nay, gã khổng lồ Alibaba được cho là đang tìm cách huy động ít nhất 1 tỷ USD cho Lazada trước khi hoãn các cuộc đàm phán với những nhà đầu tư tiềm năng sau bất đồng về mức định giá của Lazada.

Bloomberg đưa tin, khoản tài trợ được đề xuất được coi là tiền thân của một spinoff (một hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu nhằm mục đích khai thác, tối đa hóa lợi ích kinh tế của những tri thức tạo ra) và đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Lazada.

Người lao động làm việc tại một kho của Lazada tại Indonesia. (Ảnh: Reuters).

Alibaba có những kế hoạch đầy tham vọng cho thị trường Đông Nam Á. Năm ngoái, công ty internet hàng đầu Trung Quốc đã nói với các nhà đầu tư rằng họ đang nhắm đến mục tiêu dài hạn là nâng tổng giá trị hàng hóa lên 100 tỷ USD, đồng thời kỳ vọng sàn thương mại điện tử Lazada sẽ có thể phục vụ khoảng 300 triệu người dùng, theo một báo cáo khác từ Bloomberg.

Bên cạnh đó, công ty do tỷ phú Jack Ma đồng sáng lập đang có kế hoạch đưa công ty có trụ sở tại Singapore đến các thị trường mới bao gồm châu Âu, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, Alibaba tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trên nhiều khía cạnh, bao gồm việc chính quyền Bắc Kinh tiếp tục siết chặt quy định với các công ty công nghệ, các đợt phong tỏa ở nhiều thành phố lớn để phòng chống đại dịch COVID-19 cũng như sự bão hòa của lĩnh vực tiêu dùng đang khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại.

Bất ổn tại Alibaba và sự thay đổi tại Lazada

Những khó khăn đã bắt đầu lộ ra trên báo cáo tài chính quý II của Alibaba. Đầu tháng này, Alibaba đã công bố doanh thu quý II đạt 205,55 tỷ nhân dân tệ (31 tỷ USD), qua đó ghi nhận mức tăng trưởng gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Alibaba chứng kiến doanh thu tăng trưởng ngang sau một năm.

Bên cạnh đó, thu nhập ròng của công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu thuộc về các cổ đông phổ thông đã giảm 50% so với một năm trước xuống còn 22,74 tỷ nhân dân tệ.

Tổng giao dịch thương mại của Alibaba tại thị trường Trung Quốc, chiếm 69% doanh thu của công ty, đã giảm 1% so với một năm trước, xuống còn 141,94 tỷ nhân dân tệ.

Nguồn doanh thu quan trọng nhất của Alibaba, nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao và phí quản lý khách hàng của Tmall, bao gồm thu nhập từ quảng cáo và hoa hồng, đã giảm 10% trong quý tháng II so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ mảng kinh doanh điện toán đám mây mà Alibaba định vị là mảng kinh doanh cốt lõi, đã tăng 10% lên mức 17,69 tỷ nhân dân tệ. Mảng kinh doanh này là nguồn doanh thu lớn thứ hai của tập đoàn, nhưng cho đến nay mới chỉ đóng góp vào khoảng 9% tổng doanh thu.

Trong khi đó, mảng kinh doanh bán lẻ quốc tế của Alibaba, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol và Daraz, đã giảm 4% trong năm về tổng số đơn đặt hàng. Sự sụt giảm trên AliExpress được cho là do sự thay đổi các quy định về thuế giá trị gia tăng của Liên minh Châu Âu, sự giảm giá giá trị của đồng euro so với đồng USD cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Sự biến động tại Alibaba cho đến nay đã dẫn đến những sự thay đổi trong bộ phận quản lý tại Lazada. Tháng 6, ông James Dong đã đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành, qua đó trở thành Giám đốc điều hành thứ 5 của công ty trong 5 năm. Ông James Dong, người trước đây từng là Giám đốc điều hành của Lazada Thái Lan và Việt Nam, đã thay thế Chun Li, người đã điều hành doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore này từ tháng 7/2020.

Lazada từng là sàn thương mại điện tử số một tại thị trường Đông Nam Á, gần đây đã vấp phải sự cạnh tranh từ các công ty mới nổi nhưng rất “đáng gờm” trong nước như Shopee của Sea Group hay ở quốc gia khác như Tokopedia của Indonesia.

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang ở trong giai đoạn bất ổn, dẫn đến việc thị trường thương mại điện tử tăng trưởng chậm lại sau hai năm bùng nổ trong mùa dịch, song sự cạnh tranh trên thị trường chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài Lazada hay Shopee, TikTok của kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance cũng đang tăng cường sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á khi tích cực mở rộng ở Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/alibaba-rot-13-ty-usd-vao-lazada-ke-tu-dau-nam-tiep-tuc-dau-shopee-va-tokopedia-tren-thi-truong-tmdt-dong-nam-a-202291161718259.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/