Ai được, ai mất trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại?

Theo Financial Times, cú sốc lớn của thị trường dầu mỏ những năm 1970 đã dậy cho các nước một bài học về sức mạnh của mặt hàng này ảnh hưởng thế nào đến kinh tế toàn cầu. 50 năm sau, bài học đó lặp lại lần nữa.

Nga đáp trả lệnh trừng phạt của các nước phương tây bằng cách hạn chế nguồn cung khí đốt sang Châu Âu. Viễn cảnh Nga sẽ chấm dứt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt khiến các nước ở khu vực này gần như khoảng loạn. Đức và một số quốc gia lớn khác phải đau đầu suy nghĩ tìm nguồn cung thay thế ở đâu trong mùa đông năm nay. 

Đối với tổng thống Mỹ Joe Biden - người đang lo lắng trước việc giá xăng dầu không ngừng leo thang trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, liên tục kêu gọi Arab Saudi tăng sản lượng.

Bài học về khủng hoảng năng lượng thoạt nhìn có vẻ đơn giản khi các ông lớn dầu mỏ trên thế giới có thể làm bất kỳ những gì họ muốn thế nhưng nếu nhìn dưới góc độ địa chính trị thì mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Lợi thế của Nga trong ngắn hạn rất lớn nhưng về dài hạn thì không. Điều ngược lại xảy ra với Mỹ. 

Còn với EU, khối này chịu tổn hại trong ngắn và trung hạn. Mặc dù EU liên tục thực hiện các chính sách giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch để giảm phát thải khí carbon nhưng họ vẫn chưa có chiến lược năng lượng thay thế khả thi.

Nga và EU đang mắc kẹt trong cuộc đua thời gian. Mục tiêu của Nga là tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế tại Châu Âu trong mùa đông năm nay từ đó làm yếu dần sự ủng hộ của khối này đối với Ukraine. 

Châu Âu còn vài tháng nữa để tìm nguồn cung thay thế trước khi mùa đông đến. Tuy nhiên, nếu Nga cắt hẳn nguồn cung khí đốt sang Châu Âu thì về dài hạn nước này phải đối diện nguy cơ thất thu lớn bởi dầu khí là một trong những trụ cột kinh tế của Nga. Còn về ngắn hạn, mặc dù siết chặt khí đốt sang Châu Âu nhưng mỗi ngày vẫn có hơn 1 tỷ euro chảy vào ngân sách của Nga. 

Hiện Nga đã tìm được thị trường tiêu thụ dầu thô thay thế, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia này đang được hưởng lợi nhờ việc mua dầu giảm giá của Nga. Nhưng với khí đốt, để tìm khách hàng sẽ là một thách thức lớn bởi xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ Nga sang Trung Quốc sẽ mất nhiều năm.

Còn với Châu Âu, khối này cũng rút cho mình bài học cay đắng về việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng của Nga.

Hiện vẫn còn một câu hỏi lớn về việc Châu Âu mất bao lâu để tìm nguồn cung thay thế? Một số chuyên gia cao cấp ngành năng lượng hoài nghi khả năng Châu Âu dễ dàng tìm nguồn cung khí đốt. 

Trái lại, Mỹ đang ở vị thế “dễ chịu” hơn Châu Âu rất nhiều. Theo chuyên gia năng lượng Dan Yergin, Mỹ đang dần đẩy Nga khỏi vị trí quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. 

Người tiêu dùng Mỹ đang cảm nhận rõ sức ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao nhưng lợi thế của họ là vẫn còn ngành công công nghiệp khai thác dầu đá phiến và khí đốt khổng lồ.

Một bài học lớn trong cuộc xung đột Nga - Ukraine là những nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sẽ chịu thiệt hại to lớn. Còn với Mỹ, nước này đang xuất siêu năng lượng trong khi Trung Quốc vẫn còn đang phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Tuy nhiên, ngành khai thác dầu mỏ, khí đốt nội địa cũng không thể bảo vệ người dân Mỹ trước đà tăng giá mãnh liệt của giá giá dầu thế giới.

Việc Mỹ cô lập dầu mỏ của các nước Nga, Venezuela, Iran càng củng cố sức mạnh của Arab Saudi. 

Mối đe doạ đối Arab Saudi lúc này không phải địa chính trị mà là các vấn đề về môi trường. Xu hướng giảm khí thải carbon đang ngày một lan rộng, đồng nghĩa trong tương lai, thế giới sẽ không cần đến dầu mỏ của Arab Saudi.

Tuy nhiên, về ngắn hạn, việc nguồn cung năng lượng toàn cầu bị đứt gãy do xung đột Nga - Ukraine vẫn giúp Arab Saudi được hưởng lợi. Đồng thời, nhu cầu các loại nhiên liệu hoá thác khác trong đó có than cũng tăng cao. 

Mới đây, Quốc hội Đức cho biết sẽ thông qua luật khẩn cấp về mở cửa trở lại nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than. Đồng thời, nước này bán đấu giá nguồn cung khí đốt cho khu vực sản xuất công nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm, sử dụng hiệu quả khí đốt.

Trước đó, hồi tháng 5, Áo cũng có động thái dần mở cửa trở lại các nhà máy điện than nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm dần.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ai-duoc-ai-mat-trong-cuoc-khung-hoang-nang-luong-hien-tai-2022630144219214.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/