Giá xăng dầu sắp vượt đỉnh, còn cách nào hạ nhiệt?

Dù đã giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng vẫn liên tục leo thang và có thể vượt mốc 30.000 đồng/lít ở kỳ điều chỉnh tới (23/5). Liệu còn cách nào để chế ngự cơn điên giá xăng dầu, cứu doanh nghiệp đang thoi thóp?

Vẫn còn dư địa giảm thuế xăng dầu

Hơn 9 tháng được hoạt động trở lại hậu COVID-19, doanh nghiệp vận tải hành khách chưa kịp phục hồi đã phải đối mặt với 13 đợt tăng giá xăng dầu. Sau mỗi lần tăng giá, lợi nhuận của doanh nghiệp lại càng bị bóp nghẹt.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: “2 năm qua, chúng tôi đã rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu sụt giảm 80% và không một doanh nghiệp nào làm ăn có lãi”.

Trong bối cảnh cạnh tranh với taxi công nghệ, việc tăng giá cước với các doanh nghiệp vận tải lúc này rất khó bởi nếu tăng giá thì mất khách, còn giữ giá cước thì doanh nghiệp cũng không thể cầm cự nổi.

Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, Quốc hội đã thông qua việc giảm 50% thuế với hầu hết mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng động thái này chưa đủ mạnh để chế ngự “cơn điên” giá xăng dầu.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc giảm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng bởi đây là mặt mặt hàng thiết yếu với người dân và doanh nghiệp. Việc mỗi lít xăng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ngang với thuốc lá, rượu bia là không công bằng.

“Thực tế, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng – nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo nhằm khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều ý thức được điều này bởi lãng phí đồng nghĩa với việc túi tiền của họ sẽ vơi đi”, ông Hùng nói.

Trao đổi với người viết, ông Long cho biết: “Xăng là mặt hàng thiết yếu. Vậy có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này?

Cũng chính vì nằm trong danh sách hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên xăng không được hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Do vậy, điều chỉnh các loại thuế này là cần thiết”.

Ngoài ra thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, mặt hàng xăng dầu đang phải gánh thêm hai loại khác là thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu. Ông Long cho rằng đây cũng là hai van khả thi nhất giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời điểm hiện tại.

Thực tế, hầu hết mặt hàng xăng dầu đã được giảm 50% thuế từ ngày 1/4. Tuy nhiên, ông Long cho rằng loại thuế này có thể điều chỉnh thêm và linh hoạt với tình hình thực tế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ về việc giảm thuế tối hiệu quốc (MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN).

Phương án này dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước nhưng sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông.

“Dù chọn sắc thuế nào, giảm hay không giảm cũng là bài toán đánh đổi với cơ quan quản lý. Lựa chọn giữa hạ thuế, giảm đau cho người dân, doanh nghiệp hay đảm bảo tăng trưởng vĩ mô không phải là chuyện đơn giản”, ông Long nói.

Dự trữ xăng dầu bằng tiền hay bằng hàng?

Ở Việt Nam, xăng dầu có tác động lớn đến nền kinh tế, giá cứ tăng 10%, GDP sẽ giảm khoảng 0,5 %, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng trưởng Tổng cục Thống kê nói trong Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng ngoài phương án giảm thuế, Chính phủ cần có phương án dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng, không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu.

Bộ Công Thương đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu. (Ảnh: Phạm Mơ)

Theo Bộ Công Thương, hiện nay dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được khoảng 5-7 ngày và dự trữ bằng tiền. Quỹ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt.

Ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá con số quá ít so với các nước. Do đó, nước ta cần tăng lượng dự trữ lên gấp chục lần so hiện nay và chuyển sang dự trữ bằng hàng thay vì bằng tiền. Hiện, nhiều nước trên thế giới đang dự trữ xăng dầu rất tốt, điển hình như Mỹ.

“Nguồn xăng dầu dự trữ của Mỹ có thể đáp ứng cho nền kinh tế trong vòng 1 tháng. Ở giai đoạn căng thẳng, nước này đã xuất kho để giảm giá xăng dầu. Và gần đây lại kế hoạch mua 60 triệu thùng dầu để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp.

Ngoài ra, 29 quốc gia trong Tổ chức năng lượng thế giới cũng có quy định phải dành ra bao nhiêu phần trăm kinh phí để dự trữ xăng dầu...", ông Lâm nói.

Rõ ràng, dự trữ xăng dầu quốc gia bằng hàng hóa cho thấy những lợi thế trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có kho dự trữ quốc gia riêng, mà giao việc dự trữ cho các doanh nghiệp đầu mối và điều này xảy ra nhiều bất cập.

"Nếu sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối chắc chắn sẽ tốt.

Chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế tách bạch được dự trữ quốc gia bằng những tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ doanh nghiệp bằng những kho của doanh nghiệp. Điều này giúp việc kiểm soát, vận hành sẽ tốt hơn", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Ở góc độ khác, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng dự trữ bằng tiền và hiện vật đều có ưu – nhược điểm riêng. Dựa theo tình hình hiện tại của Việt Nam, dữ trữ quốc gia nên kết hợp cả hai hình thức này để đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà nước.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/aa--2022520135120908.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/