7 thành tựu nổi bật của ngành tài chính sau hơn 30 năm đổi mới

Bài viết của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, khái quát vai trò và những thành tựu của ngành tài chính từ ngày thành lập đến nay, đặc biệt là các cột mốc quan trọng: hơn 30 năm đổi mới, và 10 năm gần đây.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành tài chính (28/8/1945 - 28/8/2020), chúng tôi đăng tải nguyên văn bài viết của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Tựa bài do tòa soạn đặt.

7 thành tựu nổi bật của ngành tài chính sau hơn 30 năm đổi mới - Ảnh 1.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: T.S)

Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngành Tài chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập. Trong bối cảnh đất nước còn thù trong giặc ngoài, tình hình tài chính vô cùng khó khăn, ngân khố quốc gia hầu như trống rỗng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng lời thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt các biện pháp về tài chính đã được áp dụng nhằm khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp sức, góp của, góp công vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Những dấu son lịch sử

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhiệm vụ vừa diệt giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, trong điều kiện nguồn lực tài chính còn nghèo, được sự ủng hộ, đồng sức, đồng lòng của nhân dân, ngành Tài chính đã phát hành thành công giấy bạc tài chính, công phiếu kháng chiến ở miền Bắc, công thải kháng chiến ở miền Nam để tạo lập nguồn lực chống giặc đói, diệt giặc dốt và bước vào cuộc kháng chiến vĩ đại nhằm bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám đem lại. 

Tiếp theo đó, trước sự phát triển và yêu cầu ngày càng lớn của công cuộc kháng chiến, ngành Tài chính đã chuyển từ chính sách động viên chủ yếu dựa vào tự nguyện, sang chính sách động viên theo nghĩa vụ qua hai chính sách lớn là thuế nông nghiệp và thuế công, thương nghiệp và theo khả năng đóng góp tự nguyện của nhân dân từ nguồn thu nhập. Nhờ triển khai tích cực các chính sách thuế cùng với sự đóng góp to lớn của nhân dân, ngành Tài chính đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng toàn miền Bắc.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngành Tài chính tiếp tục động viên tinh thần thi đua yêu nước, tập trung sức mạnh toàn lực lượng để kịp thời chỉnh đốn chế độ thuế khóa và ban hành chính sách tài chính mới, áp dụng trong toàn miền Bắc, đã góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN), điều tiết thu nhập của dân cư, chống đầu cơ tích trữ, chắt chiu từng đồng vốn trong nước và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) cho xây dựng cơ sở vật chất, bảo vệ miền Bắc XHCN, chi viện ở mức cao nhất sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. 

Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, hàng nghìn cán bộ tài chính đã đi vào chiến trường, trực tiếp tham gia chiến đấu và vận hành nền tài chính của Chính phủ phù hợp với điều kiện cách mạng miền Nam. Ngành Tài chính cả nước, cán bộ tài chính ở hậu phương lớn miền Bắc cùng với những chiến sỹ kinh - tài ở mặt trận miền Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hòa bình - Đổi mới - Hội nhập

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, ngành Tài chính đã tập trung mọi nguồn lực để khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, bằng hàng loạt các biện pháp tài chính - ngân sách tích cực: từng bước xóa bỏ bao cấp ngân sách, chấm dứt phát hành tiền cho bội chi ngân sách, cải cách hệ thống thuế, quản lý NSNN, thúc đẩy cải cách, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước…, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tác động của khủng hoảng tài chính khu vực vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn, thúc đẩy kinh tế đất nước tăng trưởng với tốc độ cao, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững, tiềm lực tài chính quốc gia được củng cố và tăng gấp nhiều lần.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Tài chính đã nhanh chóng đổi mới toàn diện, có những bước phát triển nhanh, vững chắc. 

Ngành đã tham mưu, đề xuất và xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài chính ngân sách, thuế, phí, lệ phí, thị trường tài chính, giá cả, dự trữ, công sản, tài chính doanh nghiệp, sự nghiệp công... khá đồng bộ, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên hợp lý mọi nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và mở rộng hội nhập quốc tế.

Tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng lớn mạnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu chi cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia lãnh thổ và các nhiệm vụ phát sinh. An ninh tài chính quốc gia được giữ vững với mức bội chi, nợ công, nợ chính phủ trong ngưỡng an toàn và trong tầm kiểm soát. 

Thị trường tài chính, dịch vụ tài chính được hình thành và từng bước hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Ngành đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất tốt, năng lực, trình độ chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

7 thành tựu nổi bật của hơn 30 năm đổi mới

Từ khi thành lập đến nay, trong mỗi chặng đường, ở bất kỳ giai đoạn nào, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính đều nỗ lực sáng tạo, có những đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. 

Đến nay đã xây dựng một nền tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh, đảm bảo giữ vững các cân đối lớn về tài chính - NSNN. Đặc biệt từ hơn 30 năm đổi mới và nhất là giai đoạn gần 10 năm qua (2011 - 2020), ngành Tài chính đã đạt được những kết quả rất quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Một số thành tựu nổi bật là:

Thứ nhất, ngành Tài chính đã cơ bản hình thành hệ thống khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ về quản lý tài chính - NSNN; quản lý nợ công; tài sản công; thị trường giá cả; phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính... theo hướng đổi mới mạnh mẽ và căn bản, góp phần động viên hợp lý các nguồn lực vào ngân sách, tạo cơ sở để Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Thứ hai, đã tích cực đổi mới phương thức quản lý NSNN, đảm bảo thu, chi tiết kiệm, hiệu quả, chặt chẽ; cân đối ngân sách tích cực, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, nợ công được cơ cấu lại và giảm về quy mô so với GDP.

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường tài chính, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển đồng bộ, ổn định. Quy mô thị trường vốn phát triển tích cực, góp phần tích cực huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế. Đến hết năm 2019, quy mô thị trường vốn đã đạt 111,7% GDP, trong đó: quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 72,6% GDP, quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,1% GDP.

Thứ tư, ngành Tài chính quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức triển khai đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, tích cực đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đạt kết quả quan trọng, lũy kế giai đoạn 2011 - 2019, cả nước đã cổ phần hóa 676 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 1.204.918 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 396.072 tỷ đồng. 

Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần giảm dần bao cấp của NSNN, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội; thực hiện thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện. 

Ngành Tài chính đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực tài chính cho khoa học và công nghệ, góp phần hình thành tương đối đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, đẩy mạnh việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giá; bảo đảm tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu. Thể chế về giá cả được xây dựng và hình thành tạo thuận lợi cho quá trình trao đổi hàng hóa, quản lý giá cả thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ sáu, ngành Tài chính triển khai quyết liệt và hiệu quả cải cách hành chính, đi đầu là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo nghị quyết của Chính phủ, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. 

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tích cực sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI. Tính đến tháng 6/2020, Bộ Tài chính đã sắp xếp, cắt giảm trên 5.641 đầu mối các đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương; giảm 4.544 vị trí lãnh đạo, quản lý; giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập. 

Năm 2019, biên chế công chức tại các tổ chức hành chính của Bộ Tài chính đã giảm 4.974 chỉ tiêu tương đương 6,7% so với số đã được giao năm 2015 là 74.262 biên chế.

Thứ bảy, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác tài chính, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đa phương hóa và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của đất nước. 

Bộ Tài chính đã chủ động hội nhập quốc tế thông qua tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính. Hợp tác tài chính trong các khuôn khổ đa phương và song phương đã góp phần tích cực nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tài chính đa phương.

Phát triển bền vững nền tài chính quốc gia

Ghi nhận những đóng góp to lớn, liên tục và xuất sắc của ngành Tài chính trong quá trình xây dựng và phát triển 75 năm qua, ngành Tài chính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, hàng nghìn Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…", tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua yêu nước hiệu quả, thiết thực. 

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, liên tục trong những năm qua, Bộ Tài chính đã phát động hàng trăm phong trào thi đua thường xuyên trong toàn ngành và nhiều phong trào thi đua chuyên đề, nước rút. 

Cán bộ, đảng viên tự giác phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thực hiện "nói đi đôi với làm", đẩy mạnh "tự phê bình và phê bình"... 

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức hăng hái thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để ngành Tài chính thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.

Thời điểm kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống như một dấu mốc quan trọng, vừa là năm cuối nhiệm kỳ 2016 - 2020, vừa mở ra một giai đoạn phát triển mới của cả đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng. 

Phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, giai đoạn tới cần tiếp tục đổi mới, phát triển nền tài chính quốc gia hiệu quả, lành mạnh, công bằng, bền vững.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài chính luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính luôn trân trọng, kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu được vun đắp qua nhiều thế hệ và nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Để làm được điều đó, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào những nội dung quan trọng như: Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - NSNN; thực hiện chính sách thu - chi ngân sách và nợ công theo hướng hiện đại, hiệu quả, chủ động bảo đảm an ninh và an toàn tài chính quốc gia; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần gánh nặng của NSNN, đi đôi với việc nâng cao chất lượng dịch vụ công; quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đi đôi với nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, tiếp tục tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu - chi NSNN, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, củng cố an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia.

NHỮNG
GIẢI
PHÁP
TÀI
KHÓA
QUAN
TRỌNG
CỦA 

BỘ 

TÀI 

CHÍNH:

Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách Nhà nước;

Thực hiện chính sách thu - chi ngân sách và nợ công theo hướng hiện đại, hiệu quả, chủ động bảo đảm an ninh và an toàn tài chính quốc gia;

Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần gánh nặng của ngân sách Nhà nước, đi đôi với việc nâng cao chất lượng dịch vụ công;

Quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công;

Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đi đôi với nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính;

Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu - chi ngân sách Nhà nước, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, củng cố an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia.

Năm 2020 (tính đến thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19); quy mô thu NSNN bình quân 4 năm 2016-2019 đạt 25,6% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP); cơ cấu thu bền vững hơn, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao, bình quân khoảng 81,5% (giai đoạn 2011-2015 là 68%); chi NSNN cơ cấu lại theo hướng ưu tiên chi đầu tư phát triển, chi con người, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; bội chi NSNN được quản lý chặt chẽ, bình quân là 3,5% GDP/năm (giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP); giảm mạnh nợ công từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 54,7% GDP cuối năm 2019, thực hiện cơ cấu lại nợ công, kéo dài kỳ hạn nợ, giảm lãi suất huy động, giảm tỷ trọng vay ngoài nước.., góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tạo dư địa cho việc chủ động thực hiện các giải pháp đối phó kịp thời với đại dịch Covid-19, trong khi vẫn phấn đấu đảm bảo các mục tiêu về bội chi NSNN, nợ công cho cả giai đoạn 2016-2020.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/7-thanh-tuu-noi-bat-cua-nganh-tai-chinh-sau-hon-30-nam-doi-moi-20200828115543143.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/