6 xu hướng phát triển bền vững của TMĐT tại Việt Nam

Theo báo cáo của Lazada, thương mại điện tử (TMĐT) bền vững đang dần trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Giai đoạn 2023 - 2025, một số xu hướng phát triển bền vững của TMĐT, cả cũ và mới, sẽ xuất hiện.

Mới đây, sàn TMĐT Lazada đã kết hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các nhóm chuyên gia công bố báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số 2023.

Theo đó, báo cáo nhận định rằng thương mại điện tử (TMĐT) bền vững đang dần trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Nó thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh và hiệu quả; đồng thời nâng cao kỹ năng số và phát triển mạnh mẽ tiêu dùng số của người dân trên toàn quốc.

Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra xu hướng phát triển bền vững của TMĐT trong giai đoạn 2023 – 2025.

Các sàn TMĐT ngày càng quan tâm hơn tới phát triển TMĐT bền vững. (Ảnh: Zing News).

Thứ nhất, về đầu tư, TMĐT bền vững sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, con người… Có thể thấy, trải qua những biến chuyển của dịch bệnh, kinh tế, chiến tranh, những mô hình doanh nghiệp TMĐT bền vững đã cho thấy sức chống trụ bền bỉ cũng như mức độ hiệu quả trong việc duy trì và phát triển kinh doanh, ổn định đội ngũ nhân sự, từ đó đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Thứ hai, về kinh doanh, TMĐT bền vững tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị được cộng hưởng từ đối tác (thanh toán, vận hành, logistics…), doanh nghiệp (nhà bán hàng và thương hiệu) và người tiêu dùng.

Việc xây dựng và củng cố sức mạnh từ hệ sinh thái TMĐT bền vững trong giai đoạn này sẽ tạo dựng được nền tảng giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn trên TMĐT, tận dụng triệt để các giải pháp từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, logistics, đến tiếp thị trong hệ sinh thái TMĐT, hướng tới kinh doanh bền vững và thực sự có hiệu quả.

Thứ ba, về công nghệ, TMĐT bền vững ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn, sử dụng API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc của TMĐT với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng TMĐT.

API còn cho phép hợp lý hoá các hoạt động và đảm bảo sự tương tác liền mạch của khách hàng trên TMĐT, từ đó hỗ trợ các nhà bán lẻ theo dõi, phân tích dữ liệu và giao tiếp chatbot với khách hàng hiệu quả; đồng thời kết nối nền tảng TMĐT với thị trường của bên thứ ba.

Thứ tư, về trải nghiệm khách hàng, TMĐT bền vững kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả.

Nhận thức về phát triển bền vững đang trở thành một phần không thể thiếu trong việc lựa chọn sản phẩm và dịch vụ của người tiêu dùng. Điều này đã thúc đẩy doanh nghiệp, thương hiệu chú trọng nghiên cứu và cải tiến sản phẩm, dịch vụ theo hướng gia tăng tính bền vững trên TMĐT, đặc biệt là đối với ngành hàng Thời Trang và Làm Đẹp – ngành hàng đang thu hút lượng tiêu dùng lớn trên nền tảng này.

Thứ năm, về thanh toán, thanh toán trên TMĐT sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển hướng “Buy now, pay later” (Mua trước, trả sau), đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng và giúp cho việc mua sắm trên TMĐT trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. “Mua Trước, Trả sau” cũng giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng và quy mô đơn đặt hàng trung bình trên nền tảng TMĐT.

Thứ sáu, về xã hội, TMĐT bền vững trở thành cầu nối thúc đẩy phổ cập hiểu biết về TMĐT đến với doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc, góp phần thực hiện chủ trương phổ cập TMĐT đến các địa phương trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Báo cáo của Lazada và các đơn vị khác nhận định TMĐT bền vững đồng thời là “cánh tay nối dài” giúp thu hẹp khoảng cách TMĐT giữa các địa phương hiệu quả thông qua việc giảm vai trò của trung gian (thương lái, chợ đầu mối, đối tác vận chuyển…), từ đó mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nông dân, thúc đẩy người nông dân tập trung đầu tư hơn cho chất lượng sản phẩm.

Phát triển kinh doanh bền vững

Thị trường TMĐT đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia. Các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển, thị trường TMĐT cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến từ tác động của suy thoái kinh tế.

Đứng trước bối cảnh này, các doanh nghiệp TMĐT cần phải thực sự chú trọng vào việc xây dựng một chiến lược phát triển kinh doanh bền vững để vừa có thể tăng trưởng, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng, vừa có được sức mạnh để trụ vững trước những tác động của thị trường.

Một mô hình kinh doanh bền vững trên cả ba phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển trong thời kỳ kỹ thuật số.

Trong đó, khí thải và tài nguyên là những vấn đề môi trường nóng bỏng nhất, còn nguồn nhân lực và DEI (sự đa dạng, công bằng và hòa nhập) sẽ tiếp tục là những chủ đề được doanh nghiệp và xã hội quan tâm hàng đầu.

Tại Việt Nam, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững đang ngày được các doanh nghiệp chú trọng. Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC, 80% doanh nghiệp tại Việt Nam đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2 - 4 năm tới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/6-xu-huong-phat-trien-ben-vung-cua-tmdt-tai-viet-nam-202332910128144.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/