4 tỉnh thành phía Nam thống nhất phát hành trái phiếu làm vành đai 3 TP HCM

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, cả 4 tỉnh, thành phố có cao tốc đi qua đều thống nhất phương án phát hành trái phiếu để huy động vốn cho dự án vành đai 3 TP HCM.

Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đi thực tế khảo sát dự án đường vành đai 3 TP HCM tại các vị trí nút giao Bến Lức; Bình Chiểu và Tân Vạn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết việc xây dựng tuyến vành đai này 3 cũng như các tuyến cao tốc phía Nam là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo ông Thanh, trong 5 tuyến cao tốc cũng dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án vành đai 3 TP HCM là dự án phức tạp nhất trong công tác di dời, bố trí tái định cư do đa số dọc tuyến đã hình thành đô thị. Vì thế, TP HCM cần làm rõ vai trò đầu mối thực hiện, các địa phương cần hoàn thành tổng thể đồng bộ, khép kín toàn tuyến thì mới phát huy hết tác dụng.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, hiện nay TP HCM và các tỉnh đã thống nhất, hoàn thiện chi tiết và sớm hoàn thành hồ sơ dự án để thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Chính phủ để kịp trình Quốc hội vào ngày 28/5 tới.

Các địa phương hiện đều đã có Nghị quyết từ HĐND đảm bảo vốn đầu tư của dự án nên không lo ngại việc bố trí vốn. Ông Mãi cho biết cả 4 tỉnh, thành phố đều thống nhất phương án phát hành trái phiếu. Trong đó, TP HCM sẽ chia sẻ kinh nghiệm cùng các địa phương để thực hiện phát hành trái phiếu, đảm bảo kế hoạch vốn sẽ hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Trước đó, trong tháng 4/2022, Chính phủ đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP HCM để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án này. 

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, dự án vành đai 3 TP HCM có tổng mức đầu tư là 75.370 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 là 81%, tức 61.000 tỷ đồng. Để bảo đảm giải ngân, sau khi có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, linh hoạt vốn thì phải chuẩn bị giải phóng mặt bằng. 

Về đầu tư công, hiện nay các tỉnh, thành phố theo cơ chế sẽ tham gia 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần của các tỉnh, riêng Long An 25%. TP HCM và Bình Dương tham gia vốn ngân sách địa phương lớn nhất, TP HCM là 24.000 tỷ đồng, Bình Dương 9.600 tỷ, Đồng Nai khoảng 2.000 tỷ, Long An khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tổng chiều dài vành đai 3 giai đoạn 1 hơn 76 km đi qua địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Toàn tuyến được giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh bề rộng từ 63 m đến 120 m. Đầu tư phân kỳ với quy mô đường 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m, tốc độ thiết kế 80 km/h; đầu tư xây dựng phần đường song hành hai bên qua đô thị và khu dân cư, quy mô mỗi bên 2-3 làn xe.

Tiến độ thực hiện dự án từ trong giai đoạn 2022-2027. Trong đó, dự kiến khởi công dự án trong quý IV/2023; hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025; hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026. Chính phủ cũng đề xuất phân chia dự án thành 8 dự án thành phần.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/4-tinh-thanh-phia-nam-thong-nhat-phat-hanh-trai-phieu-lam-vanh-dai-3-tp-hcm--2022525165037961.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/