3 nguyên nhân khiến các startup khó đạt doanh số hàng triệu USD

Đà tăng trưởng của nhiều startup chững lại sau giai đoạn phát triển bùng nổ ban đầu vì họ tự giảm dần tính linh hoạt và tinh thần thử nghiệm các cơ hội mới.

Đối với các công ty khởi nghiệp, doanh thu hàng triệu USD là một cột mốc quan trọng, một con số mơ ước nhưng cũng đồng thời là áp lực và nỗi sợ hãi rằng mục tiêu này có thể nằm ngoài khả năng của họ.

Số liệu thực tế cho thấy chỉ khoảng một nửa số công ty khởi nghiệp có thể duy trì hoạt động tới 5 năm và chỉ 1/3 số startup đạt mốc 10 năm, theo dữ liệu của Cơ quan Quản Doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ. Duy trì doanh nghiệp trụ vững trong 5 năm rõ ràng đã là một kì tích và đạt doanh thu 7 con số thậm chí còn khó khăn gấp hàng trăm lần.

Đôi khi, cách tốt nhất để học là không hành động và xem xét thất bại của người khác một cách tinh tế cũng sẽ giúp bạn tránh sai lầm. 

Với suy nghĩ đó, đây là 3 nguyên nhân điển hình khiến hầu hết các công ty khởi nghiệp không bao giờ đạt doanh số lớn bất chấp thành công ban đầu và cách khắc phục vấn đề tương tự.

Thử nghiệm quá ít

Trong cuốn The Lean Startup, tác giả Eric Ries đã viết: "Cách duy nhất để chiến thắng là học nhanh hơn người khác". Startup càng tìm hiểu nhiều về khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh, điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm, thành công và thiếu sót của các chiến dịch quảng cáo, thậm chí cả các quy trình nội bộ, họ càng tích lũy kiến thức nhanh hơn để xây dựng doanh nghiệp thành công.

Rốt cuộc, không phải tất cả những lần tái ra mắt sản phẩm hay chiến dịch quảng cáo đều như nhau. Một số thay đổi sẽ góp phần cải thiện doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, lành mạnh hơn thông qua tỉ lệ chuyển đổi hoặc giá trị khách hàng lâu dài. 

Cách duy nhất để xác định những thứ mà startup nên thay đổi là thử nghiệm, phân tách và khảo sát, sau đó học hỏi từ những thay đổi. Trên cơ sở thử nghiệm, startup giữ lại những thứ hiệu quả và loại bỏ những thứ thừa thãi.

Giám đốc công nghệ của Amazon, ông Werner Vogals, tin tưởng mạnh mẽ rằng thành công của tập đoàn phụ thuộc vào khả năng đổi mới. Ông nói: "Nếu chúng ta ngừng đổi mới, chúng ta sẽ biến mất trong 10 năm nữa". 

Thật không may, hầu hết các start-up đều xem nhẹ lời khuyên này. Họ khởi động công việc kinh doanh và sẽ duy trì nguyên tắc như vậy, đặc biệt nếu đã đạt một số thành công nhất định. 

Những doanh nghiệp đạt doanh thu hàng triệu USD số là những doanh nghiệp tiếp tục học hỏi, lặp lại và duy trì các thử nghiệm. Quá trình ấy đem lại cho họ một cơ sở thông tin đầy đủ hơn và, do đó, có lợi nhuận cao hơn.

3 nguyên nhân khiến các start-up khó đạt doanh số lớn - Ảnh 1.

Những startup thường chững lại sau giai đoạn phát triển bùng nổ ban đầu vì dần đánh mất tính linh hoạt và tinh thần thử nghiệm các cơ hội mới. Ảnh: Getty

Không tập trung vào những thành tựu nhỏ nhưng hiệu quả lâu dài

Thắng lợi lớn rất tuyệt. Start-up nào lại không mong muốn con số tăng trưởng tự nhiên, tỉ lệ chuyển đổi, lưu lượng truy cập trang web ngày càng cao hơn, hiệu suất sản phẩm hoặc lợi nhuận cuối cùng nhảy vọt? Thật đáng tiếc, mục tiêu doanh thu 7 con số không phụ thuộc vào mức tăng lợi nhuận của vài tháng ngắn ngủi.

Nhưng sự thật là hầu hết doanh nghiệp không ra đời ngày hôm nay và đạt 7 con số vào ngày hôm sau. Mục tiêu ấy cần có thời gian và thậm chí là rất nhiều thời gian. Theo Atlas, Jeff Bezos đã mất 9 năm đầu tư trước khi thu được lợi nhuận từ Amazon.

Frederick W. Smith, người sáng lập FedEx, chỉ thu về những khoản doanh thu đầu tiên vào năm 1975, bốn năm sau ngày thành lập công ty. Tesla thua lỗ 10 năm trước khi trở thành một trong những doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD, theo Wired.

Nói cách khác, nếu bạn nhận thấy doanh nghiệp của bạn đang mất thời gian để tìm ra chỗ đứng, điều đó không có nghĩa là bạn đang đi sai hướng.

Điều tốt nhất bạn nên làm là tập trung vào những thành tựu nhỏ và ảnh hưởng tích cực từ những lần tái chào bán sản phẩm nhỏ hoặc thay đổi chiến lược tiếp thị. 

Những khoản tiền ít ỏi ban đầu có thể tăng lên tới hàng trăm nghìn USD mỗi năm. Vì vậy, đừng đánh giá thấp những chiến thắng nhỏ với kết quả kép bởi đó là những thay đổi sẽ giúp doanh nghiệp đặt doanh số hàng triệu USD theo thời gian.

Đánh mất tính nhanh nhẹn và linh hoạt

Yếu tố cốt lõi của hầu hết các công ty khởi nghiệp thành công là khả năng học hỏi tuyệt vời, thích ứng nhanh chóng và duy trì sự linh hoạt ngay cả khi công ty đã phát triển đến mức độ nhất định. 

Việc điều chỉnh với thị trường đang thay đổi tương đối đơn giản khi bạn hợp tác với một vài freelancer nhưng khi bạn đang quản 30 nhân viên, một ban lãnh đạo và các quy trình nội bộ hoàn toàn mới, thay đổi theo tình hình chung trở nên khó khăn hơn.

Mặt khác, hầu hết chủ doanh nghiệp start-up có xu hướng tin rằng thị trường sẽ điều chỉnh theo doanh nghiệp bởi đó là việc dễ dàng hơn rất nhiều so với thực hiện những thay đổi lớn cần thiết trong một công ty đang phát triển.

Jim Keyes, Giám đốc điều hành trước đây của Blockbuster, từng trả lời phỏng vấn vào năm 2008: "Cả RedBox và Netflix đều không nằm trong tầm cạnh tranh của chúng tôi". 

Bây giờ, người ta hoài nghi liệu khi đó, ông có thực sự tin vào điều mình nói? Hay ông đang quá lúng túng về việc làm thế nào Blockbuster có thể thay đổi từ mô hình kinh doanh lúc bấy giờ thành một thứ gì đó khác hiệu quả hơn?

Cuối cùng, một sự thật không thể phủ nhận là các doanh nghiệp sớm thích nghi với thị trường và linh hoạt sẽ tồn tại lâu hơn các đối tác sừng sỏ nhưng cố chấp. Vì vậy, nếu bạn muốn đạt doanh thu 7 con số, hãy tìm cách tinh giản quy trình nội bộ, tiếp tục chú ý đến thị trường, ngay cả khi lợi nhuận vẫn ở mức cao bởi sẵn sàng thay đổi khi thời thế đổi thay là điểm cốt lõi của kinh doanh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/3-nguyen-nhan-khien-cac-startup-kho-dat-doanh-so-hang-trieu-usd-20200903172900678.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/