|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đức Long Gia Lai trước khi bị chủ nợ đệ đơn yêu cầu phá sản: Từng bị ngân hàng siết nợ, cho vay tín chấp hàng nghìn tỷ đồng

08:10 | 11/09/2023
Chia sẻ
Thu không đủ chi, đồng thời phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi quá hạn hàng nghìn tỷ đồng là nguyên nhân chính đẩy Đức Long Gia Lai rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại. Tính đến cuối tháng 6/2023, tập đoàn lỗ lũy kế hơn 2.042 tỷ đồng.

 Trụ sở chính của Tập đoàn  Đức Long Gia Lai tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: DLG).

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) mới công bố thông tin về việc nhận được Thông báo ngày 25/7 của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai liên quan đến thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Lilama 45.3 (Mã: L43).

DLG cho rằng khoản nợ của công ty đối với Lilama 45.3 là rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty. “Do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản”, trích văn bản giải trình của DLG.

Thực tế, vấn đề về tài chính của DLG đã được công ty kiểm toán nhấn mạnh và lưu ý từ năm 2019. Liên tục các năm từ 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023, các công ty kiểm toán đều đưa ra ý kiến về “sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể từ khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”.

Vậy nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp phố núi rơi vào tình cảnh hiện tại?

Kinh doanh dàn trải, từ bán linh kiện điện tử, bán đá, phân bón đến thu phí BOT,...

Tiền thân của DLG là một Xí nghiệp tự doanh do ông Bùi Pháp (sinh năm 1962) thành lập từ năm 1995 tại Gia Lai. Trải qua nhiều đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ của DLG đạt 2.993 tỷ đồng, trong đó ông Bùi Pháp ngồi ghế Chủ tịch HĐQT nắm giữ 24,8%.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là công ty hoạt động đa ngành, từng tập trung vào các ngành mũi nhọn như sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh lưu trú, khoáng sản….Từ năm 2015, tập đoàn chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, năng lượng tái tạo, sản xuất điện tử và thiết bị điện tử, bất động sản và mua bán sáp nhập M&A.

Với năng lượng tái tạo, công ty đã đầu tư các dự án thủy điện, điện mặt trời tại Lâm Đồng, Kom Tum. Ngoài ra công ty đang triển khai thủ tục đầu tư TBA 500kV cùng với lưới điện truyền tải để giải phóng công suất gần 4.000 MW điện tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung.

Bên cạnh đó, công ty đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức và đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư 2 nhà máy sản xuất linh kiện tại Đà Nẵng và Bình Dương. Ngoài ra công ty còn sở hữu 4 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 14 từ Gia Lai đến Bình Phước.

Về tình hình kinh doanh, từ năm 2019 trở về trước, cơ cấu doanh thu thuần của DLG đa đạng, đến từ bán linh kiện điện tử, thu phí BOT, bán đá, bán phân bón, bán đậu nành, xây lắp,… Trong 4 năm từ 2016 – 2019, doanh thu thuần đều đặn trên 2.500 tỷ đồng.

Đến năm 2020, kết quả doanh thu bắt đầu trượt dốc chủ yếu do mảng bán linh kiện điện tử đi xuống. Cũng từ năm 2020, DLG có thêm nguồn thu từ bán điện thương phẩm nhưng doanh thu chỉ vài chục tỷ đồng/năm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, DLG báo cáo doanh thu thuần đạt 511 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước đó, với 248 tỷ đồng từ bán linh kiện và 219 tỷ đồng từ thu phí BOT. Số ít còn lại là từ bán điện, bán đá và cho thuê tài sản.

Nguồn thu chính của DLG đến từ bán linh kiện điện tử và thu phí BOT. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty).

Kết quả lợi nhuận sau thuế của DLG cũng trồi sụt thất thường, riêng hai năm 2020 và 2022 lỗ kỷ lục đến 930 tỷ và 1.197 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế tính đến thời điểm 30/6/2023 là 2.042 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty.

Ngoài nguyên nhân khiến công ty thua lỗ là do doanh thu thuần sụt giảm, thì các chi phí cho các hoạt động kinh doanh và chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) cũng đã ăn mòn lợi nhuận. Riêng năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 1.289 tỷ đồng, phần lớn là do công ty phải trích lập khoản dự phòng phải thu quá hạn khó đòi.

Cho vay tín chấp hàng nghìn tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp phố núi này gần 5.702 tỷ đồng, nhưng chiếm 41% là các khoản phải thu ngắn và dài hạn với 2.348 tỷ đồng, đa số là phải thu từ cho vay. Trong đó đã phải trích lập dự phòng 1.362 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi, gấp 2,1 lần thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC soát xét bán niên 2023.

Nguồn: Thuyết minh BCTC soát xét bán niên 2023.

Tổng các khoản cho các tổ chức, cá nhân vay tại ngày 30/6 là 2.321 tỷ đồng. Các khoản này đều là cho vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo.DLG cho vay nhiều nhất là CTCP Trồng rừng và Cây công nghiệp Đức Long Gia Lai (số dư cuối kỳ là 379 tỷ) và CTCP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên (321 tỷ). Ngoài ra tập đoàn còn cho vay các đối tượng khác với lãi suất 7 – 11,8%/năm.

Nói thêm về CTCP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên của DLG, công ty này hoạt động trong lĩnh vực mua bán gỗ, phân bón, đá. Hồi tháng 10/2022, Ngân hàng BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của công ty này trị giá 111 tỷ đồng, được thế chấp bằng bất động sản hơn 4.000 m2 tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM và quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hợp đồng thi công xây dựng công trình. Ngoài ra tài sản bảo đảm còn có 400.000 cổ phiếu DL1 của CTCP Tập đoàn Alpha Seven – công ty có liên quan đến Chủ tịch Bùi Pháp.

"Hào phóng" cho các bên vay mà không có tài sản đảm bảo, DLG còn đang ôm khoản nợ vay 2.945 tỷ đồng tại ngày 30/6, chiếm 64% tổng nợ phải trả và tương đương 52% tổng nguồn vốn, hầu hết là vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Các khoản vay này được bảo đảm bằng máy móc thiết bị của công ty, bảo lãnh bằng tài sản của công ty con, và bởi vợ chồng Chủ tịch Bùi Pháp và bà Nguyễn Thị Hương.

Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2023.

Ngân hàng siết nợ, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Hoạt động kinh doanh không thuận lợi trong những năm gần đây, DLG phải bán đi các công ty hoạt động không hiệu quả để cứu vớt tình hình.

Đơn cử năm 2021, tập đoàn đã chuyển nhượng toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu FGL của CTCP Cà phê Gia Lai và 4,6 triệu cổ phiếu BHG của CTCP Chè Biển Hồ sở hữu. Ngoài ra, DLG còn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con khác là CTCP Năng lượng Tân Thượng và CTCP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai. Nhờ vậy năm 2021, công ty có lãi mỏng 12 tỷ đồng, trong khi năm trước đó đang thua lỗ 930 tỷ.

Dù vậy, tình hình tài chính của DLG vẫn không cải thiện nhiều hơn. Đỉnh điểm tháng 9/2022, công ty bị ngân hàng VietinBank siết nợ khi thông báo xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo của DLG là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án Bến xe khách liên tỉnh. Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu là hơn 48,28 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt cũng đưa ra ý kiến loại trừ đối với báo cáo soát xét bán niên của DLG về việc khoản lỗ thuần lũy kế của công ty là 2.042 tỷ đồng. Đồng thời khoản nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn 1.223 tỷ đồng, tức là dù có bán hết tài sản ngắn hạn thì công ty vẫn không thể trả được khoản nợ ngắn hạn.

Theo báo cáo thường niên 2022, công ty đã đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023 – 2025 và lộ trình thoái vốn, chuyển nhượng các tài sản hiện hữu không hiệu quả để tập trung dòng tiền trả nợ ngân hàng như dự án Đức Long Tower, Bến xe Đức Long Bảo Lộc, khách sạn Đức Long.

“HĐQT đã làm việc với ngân hàng và đã có văn bản thống nhất cho công ty tất toán nợ, miễn toàn bộ lãi”, báo cáo thường niên 2022 của DLG.

Minh Hằng