|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu điều Việt Nam: Nghịch lý - nhà máy đóng cửa, thị trường... mở ra

07:00 | 21/06/2018
Chia sẻ
80% nhà máy, cơ sở chế biến điều buộc phải tạm đóng cửa; trong khi, hàng không có mà bán. Đó là nghịch lý của ngành chế biến - xuất khẩu hạt điều đang diễn ra trong những ngày gần đây. Vì sao?
xuat khau dieu viet nam nghich ly nha may dong cua thi truong mo ra
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công TNHH Mỹ Lệ (Bình Phước). Ảnh: C.H

80% nhà máy, cơ sở chế biến điều buộc phải tạm đóng cửa; trong khi, hàng không có mà bán. Đó là nghịch lý của ngành chế biến - xuất khẩu hạt điều đang diễn ra trong những ngày gần đây. Vì sao?

“Đói” nguyên liệu, hàng loạt nhà máy đóng cửa

Không phải ngẫu nhiên, tại cuộc họp về tình hình sản xuất - kinh doanh ngành điều vào ngày 15.6 vừa qua tại TPHCM, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội điều VN (Vinacas) - đã nêu lên nghịch lý trên. Thông tin từ Vinacas cho biết, hiện có rất nhiều nhà máy, cơ sở chế biến điều đang buộc phải đóng cửa, không thể sản xuất. Tại tỉnh Bình Phước, với khoảng 600 nhà máy, cơ sở chế biến điều xuất khẩu, đã có khoảng 480 đơn vị buộc phải đóng cửa. Ở tỉnh Long An, trong tổng số 33 cơ sở, thì hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động cầm chừng... Tính chung trên phạm vi cả nước, có khoảng 80% nhà máy, cơ sở chế biến điều đã tạm dừng hoạt động.

Ông Vũ Hải Sơn - GĐ Cty chế biến điều Long Sơn - cho biết: “Có 2 nguyên nhân dẫn tới sự “tạm” đóng cửa của hàng loạt nhà máy, cơ sở điều. Đó là giá điều nhân xuất khẩu hiện giảm mạnh (loại W320), chỉ còn từ 4,1-4,3USD/pound; trong khi cùng kỳ năm ngoái, giá trên từ 5,1-5,3 USD/pound. Chính sự sụt giá này, khiến không ít doanh nghiệp (DN) lỗ nặng. Thứ hai, do các DN mở rộng công suất nhà máy quá lớn, dẫn tới không đủ nguyên liệu điều thô cho chế biến xuất khẩu, nên hậu quả là hàng loạt nhà máy buộc phải đóng cửa”. Thật vậy, trong 5 tháng đầu năm 2018, các DN điều nhập khẩu 283.000 tấn điều thô và thu mua trong nước 370.000 tấn. Tuy nhiên, số lượng trên vẫn không đủ cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu.

Ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch Vinacas - cho biết: “Không chỉ “đói” nguyên liệu, mà việc nhập khẩu điều thô về để sản xuất cũng hết sức... trễ nải. Thí dụ: trong tháng 5 vừa qua, các DN chỉ nhập khẩu được 25.000 tấn, nhưng hàng về rất chậm. Trong khi vào thời điểm này của năm 2017, các DN nhập tới 150.000 tấn mới thoả cơn “khát” nguyên liệu của các nhà máy”. Tất cả những yếu tố trên đều tác động xấu tới sản xuất của ngành điều, nên hàng loạt nhà máy, cơ sở buộc phải... tạm đóng cửa.

Thị trường vẫn... mở ra

Nhận xét về tình hình chế biến - xuất khẩu của ngành điều, ông Nguyễn Đức Thanh - cho rằng: “Dù hàng loạt đơn vị tạm ngưng sản xuất, nhưng đa phần là các cơ sở nhỏ, lẻ không đủ lực. Còn những DN lớn, mũi nhọn của ngành điều vẫn hoạt động, nên nghịch lý trên cũng không đáng phải lo lắng lắm đối với ngành điều”.

Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2018, VN xuất khẩu 141.000 tấn điều nhân, đạt giá trị kim ngạch gần 1,4 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2017, con số trên tăng 21,4% về lượng và tăng 25,3% về giá trị. Như vậy, dù nhiều nhà máy đóng cửa, nhưng giá trị xuất khẩu của ngành điều vẫn tăng.

“Thực tế là hàng sản xuất ra bao nhiêu, khách hàng đều bao mua hết bấy nhiêu. Tại nhiều DN, không còn hàng để mà bán luôn” - ông Đặng Hoàng Giang nói. Ngoài ra, ông Giang cũng khẳng định rằng, nghịch lý trên đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành điều VN. Vinacas không bi quan, vì từ nay đến cuối năm 2018, sẽ là khoảng thời gian các thị trường tiêu thụ chính yếu của hạt điều VN như: Mỹ, EU, Trung Quốc... sẽ tăng mua, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong các dịp giáng sinh, năm mới, tết trung thu v.v... Do đó, việc chế biến và xuất khẩu quả ngành điều vẫn sáng sủa.

Theo ông Lê Quang Luyến - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Phúc An (Bình Phước): “Do khách hàng tiêu thụ mạnh, nên gần đây, thay vì dự trữ hàng để tung ra bán trong các dịp lễ tết sắp tới, thì có không ít DN đã vét sạch kho, bán hết trong mấy tháng gần đây. Giờ, thêm tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất; tôi lo rằng ngành điều VN khó đạt sản lượng xuất khẩu trong năm 2018, bằng với sản lượng năm 2017 là 350.000 tấn điều nhân (3,7 tỉ USD)”.

Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh nói: “Hơn bao giờ hết, chúng tôi kêu gọi các ngành điều phải hết sức bình tĩnh. Không nên nôn nóng trong giao dịch mà bán tống, bán tháo hàng, với giá thấp... Nhà nhập khẩu họ nắm rất rõ thị trường VN. Dù rất cần mua hàng, nhưng họ luôn chậm rãi, từ tốn mua... ép giá. Còn DN Việt Nam thì lại nôn nóng, muốn bán nhanh, là vô “bẫy” ngay”.

Ông Thanh cũng đề xuất, VN nên có một tập đoàn đủ mạnh về tài chính để dẫn đầu ngành điều VN. Tập đoàn này có đủ kênh thu mua, nhập khẩu, xuất khẩu... mới có thể điều tiết, bảo vệ, tập hợp được sự đoàn kết của nhiều DN trong nước. Chỉ như vậy, ngành điều VN mới có thể duy trì bền vững vị trí là quốc gia xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới, như liên tục 13 năm qua, vị trí đó vẫn chưa nước nào qua được VN.

Trong khi đó, tại dịp tỉnh Bình Phước chính thức nhận văn bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước - cho rằng: “Đứng trước thời cơ và thách thức, tôi kỳ vọng các DN chế biến, xuất khẩu của ngành điều Bình Phước nói riêng và của VN nói chung, làm sao cho ra nhiều sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều, chứ không đơn thuần xuất khẩu nhân điều. Đó mới thật sự đưa hạt điều VN lên tầm cao mới”.

Xem thêm

Cao Nguyễn Đông Anh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.