|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xu hướng tích cực của lãi suất

14:55 | 01/06/2018
Chia sẻ
Xu hướng ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn đang rõ nét. Đây là một  diễn biến khá bất ngờ trong bối cảnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu đi lên trở lại. Đâu là động lực cho xu hướng này?
xu huong tich cuc cua lai suat Lãi suất tiền gửi tiết kiệm Vietcombank mới nhất tháng 5/2018
xu huong tich cuc cua lai suat

Lạm phát giảm trở lại giúp kênh tiền gửi ngân hàng phần nào duy trì được sức hút và tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ hội giảm chi phí huy động vốn đầu vào. Ảnh: THÀNH HOA

Lãi suất huy động giảm liên tiếp trong ba tháng

Trong vòng nửa đầu tháng 5, thị trường chứng kiến thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn. VietinBank giảm 0,2% ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, BIDV giảm 0,1% ở kỳ hạn 13 tháng và 18 tháng, ACB giảm 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng, SHB giảm 0,1% ở các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên và Quốc dân (NCB) giảm 0,1% ở kỳ hạn từ 3-5 tháng.

Bên cạnh BIDV và SHB đã có ba lần giảm lãi suất tiền gửi liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, Techcombank cũng đánh dấu lần giảm thứ ba liên tiếp trong vòng ba tháng qua, với mức giảm đều 0,1% ở các kỳ hạn từ 1-5 tháng, giảm 0,2% các kỳ hạn 6-8 tháng, giảm 0,3% các kỳ hạn 9-11 tháng, đồng thời giảm từ 0,2-0,35% ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4, một số ngân hàng như Nam Á, MB, VPBank, VIB... liên tiếp giảm mạnh lãi suất huy động đầu vào.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Ở phía cung vốn, việc thị trường chứng khoán đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại đã thúc đẩy dòng tiền quay trở lại ngân hàng để chờ đợi. Cần biết rằng trong thời điểm sốt đất trước đây, tiền gửi ngân hàng thường bị áp lực rút ra rất lớn do khách hàng có nhu cầu đầu tư lẫn đầu cơ lướt sóng.

Lạm phát sau khi tăng mạnh trong hai tháng đầu năm đã hạ nhiệt đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, giúp chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ chỉ còn tăng 2,75% và so với đầu năm chỉ mới tăng 1,05%, còn cách xa so với mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay. Lạm phát giảm trở lại giúp kênh tiền gửi ngân hàng phần nào duy trì được sức hút và tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ hội giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng mạnh dự trữ ngoại hối đã khiến một lượng lớn tiền đồng chảy vào thị trường. Thống kê gần nhất, tính đến ngày 21-5, dự trữ ngoại hối đã lên mức 63,5 tỉ đô la Mỹ, tăng thêm 3,5 tỉ đô la Mỹ so với thời điểm cuối tháng 2. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy năm tháng qua, NHNN đã mua vào đến 11,5 tỉ đô la Mỹ, tương đương hơn 261.000 tỉ đồng đã được bơm vào hệ thống.

Công cuộc xử lý nợ xấu cũng đạt nhiều kết quả tích cực giúp một số ngân hàng giải phóng được một lượng lớn tài sản mắc kẹt bấy lâu nay và từ đó có thêm nguồn vốn để kinh doanh. Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội vào đầu tuần này cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 3 chỉ còn 2,18%, giảm đáng kể so với mức quanh 2,5% trong năm 2017. Dĩ nhiên con số này có thể chưa bao gồm phần nợ xấu đang nằm tại VAMC cũng như chưa bao gồm nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Đó là xét các yếu tố chung ảnh hưởng tích cực đến hoạt động huy động vốn của toàn ngành, còn nếu xét yếu tố đặc thù thì có nhiều ngân hàng thời gian qua liên tiếp tăng mạnh vốn chủ sở hữu, vốn tự có cấp 2 qua việc đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá, nên có điều kiện để giảm mạnh lãi suất tiền gửi mà vẫn duy trì nguồn vốn kinh doanh dồi dào. Techcombank là một minh chứng cụ thể khi gần đây liên tiếp bán cổ phần thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài giúp tăng vốn mạnh mẽ.

Trong khi đó, ở phía cầu vốn, với kết quả tăng trưởng kinh tế quí 1 tích cực, chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ không phải chịu nhiều áp lực để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, thời gian qua NHNN liên tiếp có các công văn cảnh báo hoạt động tín dụng của các ngân hàng, đáng chú ý nhất là phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản cũng như cho vay tiêu dùng, trong bối cảnh rủi ro ở hai khu vực này ngày càng tăng lên. Thực tế là với rủi ro bong bóng bất động sản tiềm ẩn, các ngân hàng cũng đang thắt chặt dần vốn chảy vào lĩnh vực này. Cần biết rằng hai lĩnh vực kể trên thường có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn rất lớn, nay nếu bị hạn chế thì các ngân hàng cũng không phải chịu áp lực lớn để tăng nguồn tiền gửi trung và dài hạn.

Nhưng tại sao lãi suất thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu nhích lên?

Điểm đáng chú ý là lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) có dấu hiệu đi lên trong nửa cuối tháng 4, dù đã giảm dần trở lại từ đầu tháng 5 đến nay cùng với diễn biến bơm ròng của NHNN. Một số ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đã không còn dồi dào như trước đó. Như đã nói, sự dư thừa thanh khoản thường không được phân bổ đồng đều. Theo đó, chỉ những ngân hàng lớn có nguồn ngoại tệ huy động mạnh là có cơ hội bán cho NHNN, trong khi nhóm ngân hàng nhỏ khó có thể cạnh tranh.

Ngoài ra, luồng tiền gửi thời gian gần đây cũng có xu hướng dịch chuyển về các ngân hàng lớn sau một số vụ tai tiếng về mất tiền gửi tại một số ngân hàng. Điều này càng làm cho thanh khoản của nhóm ngân hàng nhỏ gặp khó khăn hơn và dẫn đến tăng nhu cầu vay vốn ở thị trường 2, do đó lãi suất các ngân hàng cho vay lẫn nhau tăng lên là tất yếu.

Ngoài ra, thời gian qua, một số ngân hàng đã tận dụng việc lãi suất tiền đồng trên thị trường 2 thấp để đẩy mạnh cho vay tiền đồng.

Thuỵ Lê

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.