Vốn vay nhà ở xã hội: Mỏi mòn chờ
Phá rào cản cho chương trình nhà ở xã hội | |
Nhà ở xã hội 'cháy hàng' | |
Nhà ở xã hội chậm bàn giao, cuộc sống người dân đảo lộn |
Do thiếu vốn vay ưu đãi, dự án Bright City (Hoài Đức, Hà Nội) bị chậm tiến độ. Ảnh: N.M |
Đưa ra rồi “tắc”
Khi thị trường bất động sản bị đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó 70% hỗ trợ người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng/căn, với lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013, và 5%/năm từ năm 2014-2017. 30% còn lại hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn 3 năm triển khai, tính đến ngày 30/12/2016, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân hết. Đã có trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở… khi tiếp cận gói tín dụng nói trên.
Tuy nhiên, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi này kết thúc, việc triển khai chính sách nhà ở xã hội dường như bị “đình trệ”. Trước khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, hồi giữa năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1013/QĐ-TTg quy định lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 4,8%/năm.
Đến giữa năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 630/QĐ-TTg tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội năm 2017 là 4,8%/năm. Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đồng ý bố trí 2.000 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 1.200 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Mới đây nhất, Quyết định 117 vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ban hành. Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn tỏ ra ngán ngẩm vì thực tế, mọi chính sách đã có nhưng họ đều không có cơ hội vay.
Theo ông Nguyễn Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BĐS Hải Phát (chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội The Vesta), nếu không được vay vốn ưu đãi thì người mua sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà bởi đa phần đều là những người có thu nhập thấp. “Tôi đã trực tiếp gặp gỡ họ nhiều lần nên hiểu họ là những người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng lại không đủ khả năng chi trả ngay lập tức”, ông Giang nói. Theo ông Giang, doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ được cho khách hàng nhưng chỉ phần nào bởi vì tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đã bị khống chế lãi suất ở mức 10%.
Tìm cách nào?
Băn khoăn về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, cá nhân ông cảm thấy, tài chính cho nhà ở xã hội đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam, dường như chủ yếu chỉ huy động từ ngân hàng là chính. Ông Nghĩa cho rằng, đây không phải là giải pháp dài hạn và lâu bền. “Tôi nghĩ, Bộ Xây dựng và cơ quan chức năng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để huy động nguồn vốn khác để hỗ trợ. Có thể thành lập 1 quỹ riêng cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, như kinh nghiệm của Hà Lan”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với ông Nghĩa, ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu theo hướng giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước đối với nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Về lâu dài, phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội mới có thể triển khai tốt chính sách nhà ở xã hội. Thực tế, việc trông chờ vào nguồn vốn bố trí từ ngân sách nhà nước không dễ, bởi trong bối cảnh cân đối ngân sách còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các lĩnh vực sản xuất sẽ được ưu tiên nhiều hơn. Nếu có tính đến việc giải ngân vào lĩnh vực bất động sản, thì khoảng thời gian chờ sẽ rất lâu và thậm chí, có thể chưa xác định ngày nào và năm nào.
Còn, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng thương mại cần quan tâm đến sản phẩm cho vay thế chấp dành cho những người có thu nhập thực tế ở mức thấp, nhưng có khả năng trả nợ, trên cơ sở thế chấp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai chính là căn nhà ở xã hội, và được vay với thời hạn dài hơn 30 năm, lãi suất chênh lệch so với lãi suất tái cấp vốn nhà nước một biên độ nhỏ. Khi người mua vay được tiền, ách tắc về đầu ra sẽ được khơi thông và các chủ đầu tư sẽ triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2011-2020 cả nước cần khoảng 440.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, TP HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn... Đến nay, mới thực hiện được 28% kế hoạch. Còn Ngân hàng Nhà nước cho biết, hơn 1 năm nay chưa có nguồn để triển khai cho vay mới, bởi ngân sách chưa bố trí được. Theo quy định, khoản cho vay ưu đãi thuộc chương trình này nằm trong kế hoạch đầu tư công dài hạn và được Quốc hội phê duyệt. Trong khi đó, khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công dài hạn lại không có khoản này. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/