|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà ở xã hội 'cháy hàng'

08:22 | 26/01/2018
Chia sẻ
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, một dự án nhà ở xã hội (NƠXH) chỉ mất từ 3-6 tháng bán hết số căn hộ, trong khi nhà thương mại phải mất đến gần 2 năm. Thế nhưng, việc triển khai chậm các dự án NƠXH khiến người dân mất cơ hội mua nhà.

Gần, xa đều bán hết

Nếu như cách đây 2 năm, NƠXH gần trung tâm mới được người mua chú ý tới do nhiều dự án được triển khai cùng lúc. Nay, với các dự án ở xa trung tâm vẫn được người mua săn lùng. Nguyên nhân chính bởi các dự án NƠXH xuất hiện ngày một thưa thớt và người mua không có quyền lựa chọn.

Năm 2017, tại Hà Nội chỉ có 3 dự án gần trung tâm được triển khai mở bán là NƠXH Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) và dự án Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Có 2 dự án được bán tiếp từ năm trước là NƠXH Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) và Bright City (Hoài Đức, Hà Nội).

Năm dự án cung cấp đến hàng nghìn căn hộ cho người mua, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng thu nhập thấp. Có những dự án vừa mở bán đã bán hết ngay hàng trăm căn hộ và có dự án mất từ 3- 6 tháng mới bán hết.

nha o xa hoi chay hang
(ảnh minh họa)

Ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Cty CP BĐS Hải Phát- chủ đầu tư dự án NƠXH Phú Lãm (Hà Đông) cho biết, nếu như trước đây, chỉ có những dự án NƠXH gần trung tâm mới thu hút được khách hàng thì nay, các dự án ở ven đô cũng bán đắt hàng không kém.

Nguyên nhân chính bởi chủ đầu tư chú ý đến hạ tầng để người thu nhập thấp khi mua nhà về sinh sống không còn cảm giác ở trong một khu nhà giá rẻ. Cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống trường mầm non, bố trí cây xanh cảnh quan, phòng tập và chỗ vui chơi cho cả gia đình... “Dự án tại Phú Lãm cũng có một thời gian bán hàng kém khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, nhưng nay chúng tôi chỉ còn lại một số ít căn hộ trong tổng số gần 2.000 căn hộ. Rõ ràng, nhu cầu về nhà ở phân khúc này rất cao dù chủ đầu tư không cần phải mất công quảng bá gì”, ông Giang nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2017 tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới của Hà Nội đạt khoảng hơn 11 triệu m2. Trong đó, NƠXH đạt hơn 60.000 m2.

Năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn; nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án bất động sản, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, theo ông Dũng, Sở Xây dựng sẽ thực hiện việc kiểm tra, rà soát công tác phát triển nhà ở để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến năm 2018 sẽ có thêm 11 triệu m2 nhà ở, trong đó nhà ở xã hội 43.000 m2, nhà ở tái định cư 438.000 m2, nhà ở thương mại 2.145.000 m2...

Nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển NƠXH

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, ông đã đi khảo sát các nước trên thế giới, kể cả các nước tư bản, đều có chính sách NƠXH và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở ở mức tối thiểu cho đối tượng là người có thu nhập thấp, người nhập cư, điển hình như tại Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Pháp.

“Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách, đặc biệt là chính sách tạo quỹ đất, chính sách thuế, và chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, và hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người tiêu dùng để thuê mua, thuê NƠXH phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau”, Chủ tịch HoREA cho biết.

Ông Châu cho rằng, ở Việt Nam, Nhà nước rất coi trọng chính sách NƠXH, và đã được đưa vào Luật Nhà ở từ năm 2005 cho đến nay. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Tuy nhiên, theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 28% kế hoạch đã đề ra.

Theo ông Châu, điểm nghẽn thứ nhất là nguồn vốn tín dụng, cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia NƠXH. Hiện việc triển khai thực hiện chính sách NƠXH bị trở ngại do chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn từ ngân sách.

Việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng cho NƠXH chưa có nguồn vốn mới. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư của tất cả các dự án nhà ở thương mại phải có trách nhiệm dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NƠXH, nhưng theo ông Châu, nhưng nhiều dự án khu đô thị lớn không có quỹ đất này.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tại Hội nghị tổng kết Bộ Xây dựng mới đây cho biết, một khảo sát mà đơn vị này phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh và marketing bất động sản Thái Lan (Resam) cho thấy, các dự án tại Việt Nam được các chủ đầu tư bán hết hàng hóa trong vòng 23 tháng. Trong đó, cá biệt với NƠXH, có những dự án chủ đầu tư bán hết chỉ trong 6 tháng tung ra thị trường.

GS Đặng Hùng Võ phân tích, những tồn tại của thị trường bất động sản 2017 là tình trạng cung vượt cầu, thiếu thông tin, thiếu nguồn cung NƠXH và điều này vẫn tiếp tục là khó khăn của thị trường trong năm 2018. Một trong những nguyên nhân khiến phân khúc NƠXH tiếp tục khan hàng năm 2018 là chưa có gói tín dụng ưu đãi để kích thích cả cung và cầu phân khúc này. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở giá trung bình và giá cao thì vượt xa so với cầu.

Ngọc Mai