VinaFor của bầu Hiển sẽ lên HNX trong năm nay
Vinafor lãi hơn 332 tỷ đồng trong quý IV/2016 |
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, cổ đông Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor – Mã: VIF) đã thông qua tất cả các tờ trình, trong đó kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu hợp nhất 2.716 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, giảm 24% so với thực hiện trong năm 2017. Trong quý I/2018, VinaFor đạt tổng doanh thu 546 đồng, và lợi nhuận sau thuế 289 tỷ đồng.
Kế hoạch lương thưởng kèm theo nếu công ty vượt kế hoạch thì cứ 1% lợi nhuận vượt kế hoạch, mức tiền lượng thực hiện được tính thêm tối đa bằng 2%, nhưng không quá 20% so với mức tiền lương bình quân kế hoạch. Ngược lại nếu như không đạt chỉ tiêu đề ra, thì cứ 1% lợi nhuận thực hiện giảm thì tiền lương bình quân thực hiện của người quản lý công ty phải giảm trừ bằng 1% so với mức tiền lương bình quân kế hoạch.
Hiện Tập đoàn T&T của bầu Hiển đang là cổ đông chiến lược của VinaFor, nắm 40% vốn cổ phần |
Đáng chú ý, cổ đông Vinafor cũng đã thông qua kế hoạch niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm niêm yết và thực hiện các thủ tục liên quan. Hiện cổ phiếu VIF đang giao dịch trên thị trường UPCoM với mức giá trên dưới 18.000 đồng/cp.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc vì sao Vinafor không thực hiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Phí Mạnh Cường – Tổng giám đốc công ty cho biết: Do HOSE xét điều kiện niêm yết của công ty đại chúng trong 2 năm liền kề năm niêm yết, do đó Vinafor vẫn chưa thể đáp ứng đủ điều kiện (ý kiến loại trừ của kiểm toán độc lập liên quan đến đặc thù cổ phần hóa của Tổng công ty trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016).
Ông Cường cũng cho biết thêm, trong thời gian sắp tới, Chính phủ có thể thông qua đề án hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán nên việc niêm yết trên sở nào cũng không có nhiều khác biệt.
Nói về đối thủ cạnh tranh của công ty là ai, ông Cường cho biết do hoạt động trải dài theo chuỗi sản phẩm nên tùy từng sản phẩm cụ thể, Vinafor sẽ có những đối thủ cạnh tranh khác nhau.
Với khâu trồng rừng, đối thủ cạnh tranh có thể là các hộ gia đình và các nông lâm trường, tuy nhiên quy mô không thể sánh bằng. Trong khi các doanh nghiệp vốn FDI đầu tư trồng rừng hạn chế do còn liên quan đến an ninh quốc phòng. Trong sản xuất lâm nghiệp, công ty đang thuộc nhóm dẫn đầu, hỗ trợ công nghệ cao cho bà con. Đối với sản xuất ván nhân tạo, Vinafor có nhiều doanh nghiệp liên doanh vốn FDI và tư nhân cùng đầu tư. Đối với hoạt động chế biến gỗ, ông Cường liệt kê một vài đối thủ cạnh tranh trực tiếp như CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành… tuy nhiên cũng cho rằng các doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi sản phẩm phát triển bền vững không nhiều.
Vinafor là công ty đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, có vốn điều lệ 3.500 tỷ do Bộ NN&PTNT nắm giữ 51%, cổ đông chiến lược Tập đoàn T&T nắm 40% (Công ty của bầu Hiển rót 1.400 tỷ đồng cho thương vụ này vào năm 2016). Khi cổ phần hóa vào năm 2016, Vinafor quản lý và sử dụng các khu đất trải dài trên 12 tỉnh thành phố với bao gồm 92.192 ha đất nông nghiệp.
Ngoài đất nông nghiệp, VIF còn nắm trong tay diện tích lớn đất phi nông nghiệp trải dài tại các thành phố. Ví dụ Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp tại số 55 đường 430 Vạn Phúc, Hà Đông với tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng, Dự án Eco Lake View tại số 32 Phố Đại Từ, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội ...
Hiện VinaFor đang có 18 công ty con; 28 công ty liên doanh liên kết. Đáng chú ý, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, liên doanh giữa VinaFor và Tập đoàn Yamaha Motor, là khoản đầu tư tài chính mang về lợi tức khủng hàng năm: mỗi năm con gà đẻ trứng vàng này đều chi trả cổ tức lên đến hàng trăm tỷ cho Vinafor. Năm ngoái VinaFor lãi khoảng hơn 1.010 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết.