Vì sao ô tô đi qua đập tràn dễ trôi, lật? 3 điểm cần nhớ khi qua khu vực nguy hiểm này
Ô tô đi qua đập tràn dễ trôi, lật. Đây cũng là tình trạng chung của mọi loại phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm này. |
Đã có nhiều vụ tai nạn liên tới tới việc ô tô đi qua đập tràn (cầu tràn) do xe bị trôi, lật, mất lái. Đặc điểm của địa hình khiến mặt đập tràn là nơi ẩn chứa nhiều nguy hiểm, mà ngay cả những lái xe nhiều kinh nghiệm cũng có thể dễ dàng gặp tai nạn.
Để đảm bảo xe có thể di chuyển đúng hướng người lái mong muốn, cần có một lực ma sát đủ lớn giữa lốp xe và mặt đường. Lực này phụ thuộc nhiều vào tính chất của lốp xe, mặt đường cũng như diện tích tiếp xúc giữa lốp và đường.
Bề mặt đập tràn
Bề mặt đập tràn, ngay cả vào mùa cạn nước, cũng dễ dàng trở thành nơi ẩn chứa nguy hiểm khi có cát, sỏi, đá dăm. Đi lên cát, sỏi hay đá dăm là một cách gián tiếp giảm diện tích tiếp xúc giữa lốp và đường, gây giảm ma sát.
Hình ảnh chiếc ô tô dũng mãnh vượt qua dòng nước chỉ đẹp mắt trên... quảng cáo. |
Bên cạnh đó, vào mùa nước, bề mặt đập tràn thường xuyên bị bao phủ bởi bùn đất hay ngập nước, khiến cho ma sát giữa lốp xe và mặt đường giảm đi đáng kể.
Các lái xe thiếu kinh nghiệm thường bị ảnh hưởng bởi... phim ảnh, đạp thốc ga, vượt nhanh qua đập tràn và kết quả thường là mất lái hoặc lật xe. Tương tự như khi đi qua các khu vực bùn lầy khác, phương án xử lý là đi chậm, đều ga, tránh tăng tốc gấp hoặc phanh đột ngột.
Đi qua đập tràn khi ngập nước
Một kiến thức khá phổ thông là lực đẩy Ác-si-mét, có thể áp dụng để thấy độ nguy hiểm khi di chuyển trên mặt đập tràn ngập nước.
Trọng lượng riêng của nước (1 tấn/m3) nhân với thể tích nước bị xe chiếm chỗ chính là lực đẩy, đối lại với trọng lực. Lấy ví dụ trường hợp xe chiếm 1 m3 nước, lực ép của xe xuống mặt đường đã bị giảm đi tới 10.000 N, ma sát với mặt đường giảm đi rất nhiều so với khi di chuyển trên mặt đường thông thường.
Ngay cả những chiếc xe địa hình chuyên nghiệp, cũng cần có phần gầm xe cao, một phần để không bị lực đẩy ngang quá lớn của dòng nước tác động, khi qua mặt suối. |
Ngoài việc mất ma sát với chuyển động của xe, việc mất lực ép xuống mặt đường cũng khiến xe dễ bị sóng nước cuốn trôi hơn.
Không có phương án để tránh được tình trạng mất áp lực khi đi qua vùng ngập nước, do đó, để đảm bảo an toàn, tốt nhất tránh đi qua vùng mặt đập khi nước ngập quá sâu.
Lực đẩy của dòng nước
Như đề cập phía trên, lực đẩy của dòng nước cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng. Nếu cùng vận tốc, cùng diện tích tiếp xúc, dòng nước có thể tạo ra lực đẩy lớn gấp 1.000 lần so với lực đẩy của gió. Kết hợp với việc mất lực ép xuống mặt đường, một dòng nước không quá lớn cũng có thể dễ dàng "xô ngã" chiếc xe của bạn.
Hình ảnh một chiếc xe bị nước cuốn trôi khi đi qua đập tràn. |
Lực đẩy của dòng nước cũng là một yếu tố mà lái xe không thể chủ động chống lại. Người lái xe nên cân nhắc kỹ lưỡng, trước khi lái xe vào khu vực có dòng nước chảy ngang.
Bài viết có tham khảo thông tin từ ông Lê Văn Tạch, kỹ sư làm việc tại Công ty Toyota Motor Việt Nam. |
Kia Rio, BMW 5-Series góp mặt trong danh sách những mẫu xe đẹp nhất do Red Dot bình chọn
Có 17 mẫu xe góp mặt trong danh sách những mẫu xe đẹp nhất hiện nay, do Red Dot bình chọn. Mercedes-Benz, Audi hay Lexus ... |
8 thói quen nhỏ giúp tiết kiệm nhiên liệu tới 25%
Nghiên cứu mới đây nhất từ Ford cho thấy chỉ bằng những thay đổi rất nhỏ hàng ngày, mẫu xe của bạn có thể tiết ... |
Mua xe mới cần kiểm tra những gì?
Trước khi mang xe về, đây là những điểm bạn nên kiểm tra để tránh phải quay trở lại bảo hành quá sớm. |