Uber ra đi nhưng khách gọi Grab giảm, tài xế kiệt sức vì 'bán máu'
Tài xế: 'Tiếc Uber vì họ lắng nghe đối tác, còn Grab chỉ áp đặt luật chơi' |
Hơn một tháng đã trôi qua từ khi Uber chính thức ngừng hoạt động ở Việt Nam, anh Phạm Thế Luân - một thanh niên 36 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội - thấy công việc lái xe chở khách ngày càng khó khăn hơn. Trước đây, anh hợp tác với cả Uber và Grab. Sau khi Uber bán hoạt động kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab, anh dự đoán số lượng khách gọi Grab sẽ tăng và cước phí cũng vậy.
"Nhưng thực tế cho thấy số lượng khách không tăng. Vài ngày đầu, tôi kiếm 800-900 nghìn đồng nên cảm thấy thu nhập 20 triệu một tháng rất khả thi. Nhưng hiện tại mỗi tháng, trừ mọi chi phí, tôi chỉ thu về chừng 6-7 triệu đồng", Luân kể.
Chấp nhận "bán máu" nhưng thu nhập không tăng
Phải chạy tới 10 giờ mỗi ngày trong khi thu nhập không như kỳ vọng, lại còn chịu nhiều khoản phạt, Luân dùng từ "bán máu" để mô tả công việc hiện tại. Nhưng anh vẫn phải cố gắng, vì đã vay tiền từ ngân hàng để mua ô tô.
Nhiều tài xế Grab dùng từ "bán máu" để mô tả công việc mưu sinh nhọc nhằn hàng ngày. Ảnh: Nhạc Dương |
Ở xã kế bên, Hồ Minh Thạnh, một tài xế Grab khác, từng đạt mức thu nhập hơn 20 triệu/tháng nhờ hợp tác với Uber trước khi giảm dần xuống 12 triệu đồng/tháng. Khi Uber dừng hoạt động, anh chuyển sang hợp tác với Grab.
"Hợp tác với Grab, tôi thấy mệt mỏi vì mức chiết khấu cao hơn so với Uber và khách không lịch sự bằng khách Uber", Thạnh bình luận.
Song vấn đề khiến Thạnh trăn trở nhất là số lượng khách gọi xe không tăng sau khi Uber ngừng hoạt động.
"Ban đầu tôi và các đồng nghiệp hy vọng số lượng khách gọi Grab sẽ tăng sau khi Uber ra đi, nhưng số lượng khách mà tôi phục vụ đang giảm dần", Thạnh tâm sự.
"Quy định cấm xe taxi công nghệ theo giờ, cộng với chính sách ngày càng khó của Grab khiến việc kiếm tiền ngày càng trở nên gian nan hơn đối với tài xế. Nhiều ngày trước đây tôi thu tới một triệu, nhưng giờ chỉ mong có 500-600 nghìn mỗi ngày", Thạnh thổ lộ.
Đào Xuân Lịch, một tài xế Grab ở TP Hồ Chí Minh, nêu nguyên nhân khiến số lượng khách gọi Grab không tăng.
"Hồi còn lái cho Uber, tôi chở khá nhiều khách nước ngoài. Nhưng bây giờ số lần tôi gặp khách nước ngoài trong tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nghĩ đa số người nước ngoài tới Việt Nam chỉ biết Uber, chứ không biết Grab", Lịch nói.
Lưu Thành Đô, một tài xế Grab khác ở TP Hồ Chí Minh, chỉ ra một lý do nữa: Nhiều khách của Uber không có thiện cảm với Grab.
"Vì thế, khi Uber rời khỏi thị trường, họ sử dụng dịch vụ của VATO, T.net hoặc taxi truyền thống. Thậm chí nhiều người còn giảm nhu cầu di chuyển bằng ô tô. Đa số hành khách trung thành với Uber nói rằng họ thích Uber vì cước phí rẻ, ứng dụng thông minh và tài xế chuyên nghiệp", Đô lập luận.
Một người ở huyện Hoài Đức, Hà Nội rao bán ô tô Huyndai Grand i10 đời 2016 trên mạng xã hội Facebook. Chủ xe nói anh đang hợp tác với Grab. |
Với những người vay tiền ngân hàng để mua xe như Vũ Mạnh Dũng, một tài xế quê ở Phú Thọ, tiếp tục "chạy" xe hay dừng là bài toán nan giải.
"Bình quân mỗi ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 500 nghìn đồng. Có lẽ tôi phải bán xe để trả nợ ngân hàng, chứ với mức thu nhập ấy thì không thể sống nổi. Nhưng tôi chưa biết làm gì nếu bán xe", Dũng nói.
Bán xe để thoát khỏi thế bế tắc
Rất nhiều người rao bán ô tô, xe máy trên một số nhóm của tài xế Uber, Grab. Phần lớn họ nêu lý do bán xe để đổi nghề.
Tống Văn Lâm, một tài xế Grab ở TP Hồ Chí Minh,quyết định rao bán xe sau 2 năm làm tài xế công nghệ.
"Tôi làm việc khá chăm chỉ, nhưng gần đây mỗi ngày chỉ có vài cuốc, mà cước phí rất nhỏ. Lao động cật lực nhưng có khi thu nhập của tôi còn thấp hơn những người chạy xe máy. Vì thế tôi phải bán xe để làm nghề khác", Lâm kể.
Ngụy Tiến Công, một đối tác Uber ở quận Hà Đông, Hà Nội, rao bán chiếc Chevrolet Cruze LTZ đời 2016 trên một số diễn đàn Facebook với giá 430 triệu đồng, trong khi giá xe mới là 536 triệu đồng. Anh cũng phải vay người thân, bạn bè để mua xe. Sau khi biết tin Grab thâu tóm Uber, anh cũng từng định chuyển sang Grab.
"Nhưng sau khi nói chuyện với một số bạn bè lái cho Grab, tôi thấy chính sách của họ không tốt như Uber nên quyết định bán xe để kinh doanh", anh tâm sự.
Một tài xế Grab thông báo cho thuê xe trên Facebook. |
Khi Uber mới vào Việt Nam, Huân và Công thấy nhiều đối tác của hãng có thể kiếm từ 10 tới 40 triệu đồng mỗi tháng nhờ chính sách hỗ trợ phóng khoáng của công ty. Hồi ấy, một người bạn của Huân bỏ công việc văn phòng để lái xe cho Uber và kiếm hơn 30 triệu đồng mỗi tháng, trong khi thời gian làm việc rât linh hoạt. Nghe câu chuyện của bạn, Huân thấy hấp dẫn nên quyết định thôi việc làm thuê để mua xe và hợp tác với Uber.
Còn Công từng là phó phòng công nghệ thông tin của một tập đoàn bất động sản. Chán cảnh ngồi một chỗ, anh xin nghỉ việc khi công ty sát nhập hai bộ phận khiến công việc của anh trở nên vất vả hơn. Sau đó anh dùng luôn chiếc ô tô của gia đình để chạy cho Uber. Thời gian đầu thu nhập của Công luôn trên mức 20 triệu đồng mỗi tháng, nhưng sau đó chỉ còn 14-20 triệu đồng. Mặc dù vậy, anh vẫn bám nghề vì tình yêu với Uber.
"Giờ đây Uber rời thị trường Đông Nam Á, tôi và nhiều đối tác của họ rất tiếc nuối", anh tâm sự.