|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trước VNG, hàng loạt các doanh nghiệp từng tham vọng niêm yết sàn quốc tế

10:05 | 30/05/2017
Chia sẻ
VietJet Air, Vinamilk, FPT, HAGL, FLC, PLX... là những doanh nghiệp có tham vọng niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội không chia đều cho tất cả.
truoc vng hang loat cac doanh nghiep tung tham vong niem yet san quoc te
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức công khai kế hoạch niêm yết trên thị trường nước ngoài

Sau VNG, chờ đợi VJC, TTC, PLX

Chiều 29/5 (giờ New York), ông Bob McCooey, Phó Chủ tịch NASDAQ và ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG ký một thoả thuận về việc VNG sẽ niêm yết trên NASDAQ - sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới.

Theo giới phân tích, nếu thành công, VNG sẽ là công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam niêm yết ở thị trường Hoa Kỳ.

Mới hôm qua, thị trường cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thông tin Công ty cổ phần VietJet Air (Mã: VJC) sẽ niêm yết ở thị trường nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VietJet chia sẻ với Bloomberg: “Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm và tiếp xúc từ nhiều sàn chứng khoán lớn như London, Hong Kong và Singapore. Chúng tôi không muốn giấu hy vọng trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài”.

Không riêng gì VNG, VJC muốn niêm yết cổ phiếu ở sàn quốc tế, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã từng tuyên bố tham vọng này.

Đầu năm 2017, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đá thạch anh cao cấp (Mã: VCS) từng để ngỏ với các cổ đông về kế hoạch VCS sẽ lên lộ trình niêm yết trên sàn nước ngoài. Thậm chí có cổ đông còn tin tưởng rằng: “Ở Việt Nam, có lẽ chỉ VCS là đủ khả năng để niêm yết trên các sàn giao dịch nước ngoài thời điểm hiện tại”.

Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (Mã: PLX) cũng kế hoạch niêm yết song hành cổ phiếu PLX trên thị trường Singapore. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT, thị trường chứng khoán Singapore là lựa chọn trong tầm ngắm của Petrolimex bởi đây là trung tâm tài chính và có nhiều doanh nghiệp năng lượng đã niêm yết.

Vào tháng 9/2016, Bloomberg cũng dẫn tin Tập đoàn Thành Thành Công lên kế hoạch niêm yết Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã: SBT) lên sàn chứng khoán Singapore (SGX) trong vòng 5 năm tới.

Mới đây, SBT và BHS đã thông qua phương án sáp nhập. Nếu hoàn tất, TTCS trở thành doanh nghiệp lớn nhất ngành mía đường, sở hữu 30% thị phần.

truoc vng hang loat cac doanh nghiep tung tham vong niem yet san quoc te ĐHCĐ SBT: Thông qua sáp nhập BHS tỷ lệ 1,02:1, đẩy mạnh kênh bán lẻ

Nhiều doanh nghiệp "đứt gánh giữa đường"

Tham vọng là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp không thực hiện được việc niêm yết vì nhiều lý do.

Năm 2014, Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cũng có kế hoạch niêm yết song song trên sàn Singapore nhưng sau đó cũng phải tạm dừng kế hoạch vì không đủ điều kiện.

Cuối năm 2010, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) công bố kế hoạch niêm yết 19 triệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán London. Khi đó, tờ Financial Times (Anh) đưa tin HAG đã chọn một ngân hàng đầu tư nhỏ của Ấn Độ có tên Elara Capital để thực hiện việc niêm yết chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR).

Phía HAG cũng xác nhận, kế hoạch niêm yết tại London của Công ty đã được cơ quan chức năng Việt Nam đồng ý và các thủ tục đang được hoàn tất. Tuy nhiên, từ đó đến nay, HAGL không thông bố thêm bất kỳ thông tin nào về kế hoạch này.

Đáng chú ý nhất là trường hợp Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) chấp thuận niêm yết cổ phiếu VNM từ tháng 10/2008, tuy nhiên sau đó lại không thấy VNM lên sàn. Lý do được Vinamilk đưa ra khi đó là thời điểm chưa thích hợp. Đến giữa năm 2009, VNM có công bố khởi động lại kế hoạch, kết quả sau đó lại dậm chân tại chỗ.

Việc tuyên bố sẽ lên sàn ngoại rồi sau đó im hơi lặng tiếng cũng đang diễn ra ở các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (Mã: SSI), Tập đoàn Tân Tạo (Mã: ITA).

Ka Linh