Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ sau quyết định áp thuế với thép, nhôm nhập khẩu như thế nào?
Ngày 1/3, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ áp thuế cao nhất đối với các sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu vào nước này, với 25% cho sản phẩm thép và 10% cho sản phẩm nhôm. Dù ông Trump chưa ký một văn bản chính thức nào về vấn đền này, nhưng phần lớn thị trường đều chắc chắn Trung Quốc sẽ có một chỗ trong danh sách các nước bị áp thuế.
Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ sau quyết định áp thuế với thép, nhôm nhập khẩu như thế nào? (Ảnh minh họa) |
Trung Quốc là quốc gia cung cấp thép lớn thứ 11 của Mỹ, theo Cơ quan Thương mại Quốc tế. Tuy nhiên, ông Trump từ lâu vẫn cho rằng mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có sự không công bằng.
Với tuyên bố ngày 1/3 của ông Trump, Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ bằng 5 biện pháp, như áp thuế hoặc hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, ban hành các quy định gây khó dễ cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại nước này, hạ tỷ giá ngoại hối,…, theo phán đoán của giới phân tích.
Đáp trả bằng chính hàng rào thuế quan
“Tôi tin là Trung Quốc vẫn sẽ đáp trả bằng việc tăng thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa cụ thể của Mỹ và khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp,” Phó Chủ tịch Viện Chính sách Cộng đồng châu Á Wendy Cutler trả lời CNBC cho biết.
Vậy tại sao lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ đặc biệt dễ bị “tổn thương” bởi các hành động trả đũa của Trung Quốc? Bởi, Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp lớn thứ hai của Mỹ tính đến tháng 1/2017, theo thống kê của Phòng dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Để đáp trả lại hành động tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm của Mỹ, chính phủ Trung Quốc rất có thể sẽ đánh thuế lên mặt hàng đậu nành và ngô, trang Global Times của Trung Quốc cho biết.
“Trong tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng cao lương nhập khẩu từ Mỹ, với tổng giá trị nhập khẩu chỉ trong năm 2016 đạt hơn 1 tỷ USD. Nếu ông Trump áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Trung Quốc, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đậu nành của Mỹ. Giá trị nhập khẩu đậu nành Mỹ của Trung Quốc hiện đã đat khoảng 12 – 13 tỷ USD,” ông Adams Lee, Luật sư thương mại quốc tế tại Công ty Harris Bricken, cho hay.
Ngoài các mặt hàng nông sản, Trung Quốc có thể sẽ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu đối với các phương tiện vận tải.
Nhắm tới các lĩnh vực khác ngoài thương mại
Bên cạnh phương án đáp trả bằng các rào cản thương mại, Trung Quốc cũng có thể gây khó dễ cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại nước này thông qua những chính sách quản lý hoặc động thái gây bất lợi.
Theo giới chuyên gia phân tích, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ hạ tỷ giá ngoại hối giữa nhân dân tệ và USD để giảm thiểu tác động lên hoạt động xuất khẩu.
Trung Quốc cũng có thể sẽ đẩy mạnh việc bán các tài sản của Mỹ, đặc biệt là trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc hiện là trái chủ lớn nhất của Mỹ, nên việc nước này bán trái phiếu chính phủ Mỹ có thể đẩy lợi suất lên cao hơn, đồng thời kéo giá giảm xuống. Trước đó vào đầu tháng 2, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao nhất 4 năm đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái điều chỉnh đầu tiên trong hai năm trở lại đây.
“Họ [Trung Quốc] chắc chắn sẽ khai hỏa một phát đạn nữa vào thị trường trái phiếu dài hạn của ông Trump,” Giám đốc quản lý Larry McDonald tại Công ty phân tích ACG dự đoán.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể thay đổi lập trường về vấn đề Triều Tiên và các vấn đề địa chính trị khác, quay sang đối đầu với Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, khả năng Trung Quốc sử dụng các rào cản thuế quan là lớn nhất.