|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc đã quản lý các đặc khu kinh tế của mình thế nào?

16:41 | 10/05/2017
Chia sẻ
Với sự hỗ trợ từ chính phủ, các đặc khu kinh tế (SEZ) là nhân tố giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
trung quoc da quan ly cac dac khu kinh te cua minh the nao
Đặc khu kinh tế (SEZ) là khu vực các công ty nước ngoài và trong nước có thể trao đổi thương mại và đầu tư mà không có sự quyển soát pháp lý chặt chẽ từ chính quyền như những vùng khác. (Nguồn: internshipschina/ Britanica.com)

Các đặc khu kinh tế (SEZ) được hình thành và phát triển lần đầu tiên vào năm 1980 tại Trung Quốc trong những nỗ lực của ông Đặng Tiểu Bình để giúp mở cửa thương mại với các nước khác trên thế giới, và xây dựng Trung Quốc thành nền kinh tế quan trọng trên trường quốc tế.

Những khu vực này được xây dựng với những chính sách đặc biệt để khuyến khích đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng, nhưng cũng không trở thành mối đe dọa quá lớn tới những công ty nhà nước.

Mặc dù Trung Quốc không phát minh ra mô hình SEZ, nhưng đây là quốc gia gặt hái được thành công lớn nhất thông qua việc áp dụng mô hình kinh tế này.

Mô hình phân chia các cấp quản lý hành chính

Các cấp quản lý hành chính của đặc khu kinh tế được chia làm chính quyền trung ương, tỉnh, thành phố và xã. Chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập khu đặc quyền, trong khi chính quyền xã thường hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước trong khu vực.

Chính quyền trung ương được quyền đưa ra các chính sách ảnh hưởng tới những lợi ích thuế của các doanh nghiệp, cũng như thừa nhận các đặc khu.

Các đặc khu dưới sự kiểm soát của các cấp quản lý hành chính khác nhau sẽ nhận được những lợi ích khác nhau. Đặc khu dưới sự quản lý của cấp chính quyền càng cao, mức độ tự do quyết định các dự án và chủ đầu tư của các nhà quản lý càng lớn.

Đối với các chủ đầu tư hiện tại hay tương lai, tự do càng nhiều nghĩa là các thủ tục hành chính có thể được hoàn thành sớm hơn và đỡ tốn kém hơn. Bên cạnh đó, đặc khu ở cấp quản lý càng cao cũng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ chính quyền trung ương và cơ sở hạ tầng hiện đại hơn. Ưu điểm của đặc khu cấp thấp chỉ là chi phí thuê đất thấp hơn.

SEZ được phân loại dựa trên cấp quản lý hành chính của đặc khu, gồm: đặc khu quốc gia, đặc khu tỉnh, đặc khu thành phố và đặc khu xã.

trung quoc da quan ly cac dac khu kinh te cua minh the nao

Để được công nhận là đặc khu quốc gia, một vùng cần phải đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể (dù các chỉ số chính xác không được công bố): doanh thu hàng năm (trên 100 tỷ nhân dân tệ), thuế thu nhập, xuất siêu, và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ưu đãi đối với các doanh nghiệp tại SEZ

Trung Quốc đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn về chi phí nhân công thấp, với thị trường hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng, và đặc biệt là chính sách thuế dành cho các khoản đầu tư nước ngoài vào những vùng trọng điểm giúp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, các khoản đầu tư này sẽ không phải nộp thuế nếu chưa thu về lợi nhuận. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng thời gian miễn thuế trong hai năm đầu tiên. Trong năm thứ 3 và thứ 4, doanh nghiệp sẽ chỉ phải trả 50% sắc thuế thông thường. Chỉ tới năm thứ 5, doanh nghiệp sẽ phải trả thuế đầy đủ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tập trung vào dự án nông nghiệp, bảo vệ môi trường, và năng lượng sẽ được hưởng thời gian miễn thuế là 3+3 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp có lợi nhuận sẽ được miễn thuế 3 năm, và trả thuế với thuế suất 50% trong 3 năm, thay vì 2+2 năm. Còn các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vi mạch điện tử thì thời gian miễn thuế là 5+5 năm.

Thâm Quyến - SEZ thành công nhất của Trung Quốc

Các SEZ đã đóng góp 22% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm vừa qua, và tạo ra 30 triệu việc làm. Hơn thế nữa, SEZ còn chiếm 45% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc.

Một trong những SEZ điển hình thành công của Trung Quốc là Thâm Quyến, thành phố giáp ranh với Hồng Kông. Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế của Trung Quốc vào năm 1980 với kỳ vọng thu hút đầu tư từ các quốc gia trên thế giới, nhưng đến cuối năm 1981, 91% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại đổ vào Hồng Kông.

Nguyên nhân là vì chính phủ Trung Quốc thiếu những quy định cụ thể liên quan đến mức lương, thuế và sa thải lao động. Doanh nghiệp nước ngoài không quen thuộc với văn hóa doanh nghiệp của Trung Quốc không sẵn sàng chịu rủi ro, và họ cảm thấy có quá nhiều thủ tục giấy tờ hành chính phải giải quyết.

Nhận thức được những vấn đề do chính sách pháp lý gây ra, tháng 1/1982, Chính phủ Trung Quốc thông qua 5 quy định mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở các SEZ, đặc biệt là về quy trình gia nhập và rời khỏi SEZ, và hướng dẫn về tiền lương...

Những cải thiện này đã giúp đầu tư nước ngoài ở các SEZ tăng mạnh, và cuối cùng đóng góp cho sự thành công của đặc khu kinh tế ở Trung Quốc. Năm 1992, Thâm Quyến thu hút 14% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc (4,3 tỷ USD).

Hiện tại, Thâm Quyến là một trong những trung tâm xuất - nhập khẩu chính với một nền tảng sản xuất tiên tiến. Thị trường chứng khoán Thâm Quyến ra đời năm 1987 là một trong 3 sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc, bên cạnh Thượng Hải và hong Kong. Theo Wikipedia, với vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp niêm yết khoảng 2.285 tỷ USD vào năm 2015, Thâm Quyến là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 8 trên thế giới và lớn thứ 4 tại Đông Á và châu Á.

Lyly Cao

Nên bỏ tiền vào tài sản đầu tư nào: Vàng, chứng khoán hay bất động sản?
Rót tiền vào đâu luôn là mối quan tâm thường trực của các nhà đầu tư. Việc quyết định đầu tư vàng, cổ phiếu hay bất động sản... phụ thuộc vào tình hình vĩ mô cùng những thông tin kinh tế, xã hội trong nước và thế giới. Tuy nhiên, không có công thức chung nào cho tất cả. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh kinh tế và khẩu vị của bản thân nhằm gia tăng lợi nhuận.