Triển vọng u ám bủa vây ngành thép Trung Quốc vì chính sách thuế của Mỹ
Sau khi đạt đỉnh trong năm 2017, giá thép Trung Quốc đến nay đã giảm 20%, và đà phục hồi của ngành thép nước này dường như cũng vì thế mà “hụt hơi”. Các doanh nghiệp thép Trung Quốc thậm chí mất luôn tâm lý lạc quan khi phải đối mặt với chính sách thuế mới của Mỹ.
Ngành thép Trung Quốc đối mặt với triển vọng u ám vì chính sách thuế của Mỹ. (Nguồn: AP) |
Ảnh hưởng tới khối doanh nghiệp
Tổng lợi nhuận ròng của 7 doanh nghiệp thép niêm yết lớn nhất Trung Quốc tăng vọt khoảng 160% trong năm 2017, khi chính phủ nước này triển khai chính sách giảm công suất sản xuất để bảo vệ môi trường, Nikkei Asian Review cho biết.
Trong đó, lợi nhuận ròng của riêng Công ty Baoshan Iron & Steel (doanh nghiệp thép niêm yết lớn nhất Trung Quốc) tăng tới 110% lên 19,1 tỷ nhân dân tệ (3,04 tỷ USD) trong năm 2017, nhờ giá thép tăng mạnh và chi phí sản xuất giảm sau thương vụ sáp nhập với Công ty Wuhan Iron & Steel.
Một số công ty khác như Beijing Shougang, Angang Steel và Maashan Iron & Steel thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận ròng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, sang đến năm 2018, xu hướng phục hồi của ngành thép Trung Quốc lại gặp trở ngại khi Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ nước này. Bằng chứng là, giá cổ phiếu của 5 trong số những doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại Trung Quốc, bao gồm cả Baoshan, đã giảm 12 – 17% kể từ cuối tháng Hai. Cùng với đó, cổ phiếu của hai doanh nghiệp khác đang bị ngừng giao dịch.
Doanh số bán hàng của Baoshan dự báo giảm xuống dưới mức 280 tỷ nhân dân tệ trong năm 2018, từ mức 289 tỷ nhân dân tệ của năm ngoái. Trong khi đó, Giám đốc Tài chính Wu Kunzong của Baoshan vừa tuyên bố với nhà đầu tư rằng, Công ty sẽ tăng sản lượng thép hàng năm lên 100 triệu tấn từ mức 70 triệu tấn hiện nay.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo cao cấp trong ngành thép Trung Quốc, như ông Li Xinchuang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, lại đánh giá thấp tác động của chính sách thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố hồi tháng Ba. Bởi, khối lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2017 là tương đối nhỏ, đạt 1,18 triệu tấn. Tất nhiên, các doanh nghiệp thép Trung Quốc vẫn đang bị treo “mác” là cố tình tuồn thép qua một số nước láng giềng, như Việt Nam, để né tránh nhiều rào cản thương mại.
Ảnh hưởng tới thị trường thép kỳ hạn
Không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của khối doanh nghiệp thép, chính sách thuế của Mỹ cũng ảnh hưởng lớn tới thị trường thép kỳ hạn.
Cụ thể, giá thép cuộn cán nóng hiện đang dao động trong khoảng 3.400 – 3.500 nhân dân tệ/tấn, thấp hơn cả mức giá trung bình của năm 2017 là 3.600 nhân dân tệ/tấn. Vào tháng 9/2017, giá thép từng chạm ngưỡng 4.400 nhân dân tệ/tấn, tăng 160% so với hai năm trước đó, nhờ chính sách giảm công suất sản xuất của chính phủ.
Công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa JLC Network Technology cho rằng, thị trường thép Trung Quốc sẽ trải qua một đợt điều chỉnh giá trong dài hạn và điều này sẽ gây thiệt hại tới doanh thu của các doanh nghiệp thép.
Có vẻ như, Trung Quốc tới đây sẽ tiếp tục giảm sản lượng thép nhưng với tốc độ chậm hơn. Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng tuyên bố Trung Quốc sẽ chỉ giảm 30 triệu tấn thép trong năm 2018, sau khi đã giảm tới gần 120 triệu tấn trong hai năm vừa qua.