Triển khai Grab taxi ở Huế, Vũng Tàu không vi phạm đề án thí điểm
Grab 'âm thầm' đưa mức chiết khấu cũ 'về lại' với các tài xế Grabbike | |
Bộ Giao thông yêu cầu GrabTaxi ngừng hoạt động tại 3 tỉnh |
Grab mở điểm hỗ trợ tại Thừa Thiên-Huế tại số 31 đường Hoàng Quốc Việt, TP Huế - Ảnh: NHẬT LINH |
Cụ thể, Grab Việt Nam cho biết theo quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm của Bộ GTVT, Grab được triển khai ứng dụng với xe hợp đồng theo loại hình Grab car tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.
Vừa qua, Grab Việt Nam đã triển khai dịch vụ Grab taxi cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên-Huế và Lâm Đồng là áp dụng với xe taxi theo loại hình Grab taxi, không phải Grab với xe hợp đồng.
Grab taxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab, đã được đăng ký với Bộ Công thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được vận hành hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
Khác với dịch vụ Grab car cung cấp cho xe hợp đồng không biển hiệu, dịch vụ Grab taxi cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi thêm một phương thức kết nối thuận tiện giữa hành khách với tài xế taxi, bên cạnh các phương thức kết nối trực tiếp và gọi tổng đài.
Dịch vụ này không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ là ước tính để hành khách tham khảo, căn cứ trên giá cước của các đơn vị taxi và dự kiến quãng đường di chuyển.
Khách hàng vẫn trả số cước được hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi, theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Bà Nguyễn Nguyễn Thu An - giám đốc truyền thông Grab Việt Nam - cho biết tại các địa phương mà Grab Việt Nam triển khai dịch vụ Grab taxi, công ty thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi đã được các Sở GTVT địa phương cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Bà An cho rằng sự hiểu nhầm rằng Grab taxi là một dịch vụ thuộc đề án thí điểm theo quyết định số 24/QĐ-BGTVTcủa Bộ GTVT và không được phép triển khai ngoài phạm vi thí điểm đã tạo ra rào cản rất lớn đối với các sở GTVT và các doanh nghiệp taxi trong quá trình làm việc và hợp tác với Grab Việt Nam, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hợp pháp của Grab Việt Nam và các đối tác.
Với việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ Grab car) theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, Grab Việt Nam khẳng định luôn tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.
Grab Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ Grab car cho các đơn vị vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và phương tiện của các đơn vị đó có phù hiệu "xe hợp đồng" cấp bởi Sở GTVT của các tỉnh, thành phố nằm trong phạm vi thí điểm.
Grab Việt Nam không cung cấp dịch vụ Grab car cho các đơn vị vận tải và phương tiện tại các địa phương không thuộc đề án thí điểm.
Vừa qua, theo đề nghị của các sở GTVT, Bộ GTVT đã yêu cầu Công ty GrabTaxi Việt Nam không triển khai thực hiện ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu và Lâm Đồng.
Đồng thời, Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương (bao gồm cả taxi).