Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê gây thiệt hại 6.100 tỷ
Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2
Sáng 7/2, Hội đồng xét xử (HĐXX) dự kiến sẽ tuyên án đối với ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 bị cáo khác tại đại án gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng tại 4 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank và VNCB.
Bị cáo Phạm Công Danh trong phiên tòa sáng nay (7/2). (Ảnh: NH). |
Tuy nhiên, sau nhiều ngày nghị án, HĐXX xét thấy còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên quyết định trả trả hồ sơ vụ án điều tra bổ sung.
Do thiếu chứng cứ để chứng minh theo quy định luật dân sự, không thể bổ sung tại phiên tòa được. HĐXX quyết định trả hồ sơ bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm khác.
Tóm tắt phiên xét xử Phạm Công Danh ngày 1/2:
Phiên 1/2, các bị cáo nói lời sau cùng. Trong đó, ông Phạm Công Danh là người đầu tiên được tòa gọi tên, ông Danh cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện cho mình được ngồi trong suốt quá trình xét xử do sức khỏe yếu.
Ông cho biết, tất cả số tiền liên quan trong vụ án đều được sử dụng cho ngân hàng, chứ không dùng cho việc cá nhân. Trong giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ đồng), ông chưa được tòa ghi nhận nên mong muốn HĐXX lần này tiếp tục xem xét, đồng thời làm rõ dòng tiền đã sử dụng, truy thu để khắc phục hậu quả.
Ba năm tham gia tái cơ cấu VNCB (2012-2014), ông Danh nói rằng đã phải huy động khối lượng tiền rất lớn để duy trì việc thanh khoản, chăm sóc khách hàng cho ngân hàng. Ông cũng phải lấy tất cả tiền của Tập đoàn Thiên Thanh mà gia đình đã gây dựng trong hơn 50 năm qua, tiền của cá nhân, để dùng cho ngân hàng.
Ông Danh gửi lời xin lỗi đến các cấp dưới, nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh và lãnh đạo, cán bộ các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank vì đã tin tưởng mình mà vướng vào vụ án.
"Tôi xin HĐXX xem xét cho họ mức án thấp nhất có thể. Trong suốt một tháng diễn ra phiên tòa, HĐXX cũng hiểu rõ họ không hề hưởng lợi trong vụ án này", ông Danh nói.
Ông cũng xin cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình chữa bệnh do đang bị suy thận cấp độ ba, sức khỏe không tốt, sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả vụ án trong thời gian tới.
Bị cáo Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB) khẳng định mình không vụ lợi, mọi việc làm của bị cáo chỉ có một mục đích duy nhất là cứu ngân hàng. "Trong suốt hai giai đoạn của vụ án, bị cáo, ông Danh và các đồng nghiệp đều khát khao làm việc trong môi trường ngân hàng chuyên nghiệp, nhưng phải đối mặt với quá nhiều nhiệm vụ khó khăn. Những nhiệm vụ này đều nằm ngoài phương án tái cơ cấu ngân hàng", Mai trình bày.
Bị cáo Mai cho biết, trong đó xuất phát từ việc ông Danh đã mua toàn bộ khối nợ xấu của nhóm Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn) đại diện để nhận tài sản nhưng không nhận được. Cả ông Danh, Mai và các đồng nghiệp đều mong muốn giảm tốc độ lỗ của ngân hàng nhưng không thể. Tiếp đó là áp lực phải tăng vốn điều lệ...
Bị cáo Mai mong HĐXX tạo điều kiện cho ông Danh khai thác các tài sản liên quan để khắc phục hậu quả vụ án này. Ngoài ra, Mai cũng xin tòa xem xét cho các bị cáo là thuộc cấp và cán bộ tại các ngân hàng được hưởng mức án khoan hồng nhất bởi họ không được hưởng lợi gì.
Lời sau cùng, bị cáo Trầm Bê khẳng định không cố ý gây hậu quả. Ông Bê nói rằng: "Tôi có sai nhưng tôi không cố ý lám trái. Trong quá trình công tác, tôi cố gắng không vi phạm pháp luật, đây là lần đầu tiên.
Tôi có sai nhưng tôi nghĩ không đến nỗi phải bị xử lý hình sự. Xin HĐXX xem xét cho tôi được cải tạo chứ không giam giữ, hoặc mức án thấp nhất. Nếu bị tuyên 5 năm tù giam là quá nặng. Tôi đóng góp nhiều cho xã hội. Tôi mong được xem xét thấu tình, tuyên mức án mà tôi cảm thấy thuận tình, đừng bắt tôi phải chống án".
Trầm Bê xin lỗi HĐQT Sacombank và mong được cải tạo chứ không giam giữ, Phan Huy Khang mong hưởng án treo |