|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP.HCM: Loay hoay tìm sản phẩm xuất khẩu chủ lực

20:45 | 02/09/2018
Chia sẻ
Cần thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp theo hướng liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh.

Dù được đánh giá là thành phố năng động với mức tăng trưởng kinh tế liên tục tăng, nhưng các ngành công nghiệp vẫn phát triển chậm, thậm chí không hề có sản phẩm chủ lực gắn với thương hiệu thành phố.

tphcm loay hoay tim san pham xuat khau chu luc
Gắn kết sản xuất trong vùng kinh tế TP. HCM là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay

Trước thực tế này, để định vị sản phẩm chủ lực xuất khẩu nhằm hoàn thiện đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030” trình UBND TP. HCM xem xét, phê duyệt, Sở Công thương TP.HCM tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội và DN.

Để thực hiện đề án này, các đơn vị tham gia đã sử dụng dữ liệu của gần 14.000 DN xuất khẩu; khảo sát, phỏng vấn gần 200 DN thuộc 14 nhóm ngành hàng để xác định lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu. Cùng với đó, kết hợp với các chuyên gia Đại học Havard (Hoa Kỳ) để xây dựng bản đồ liên kết các cụm, ngành công nghiệp của thành phố.

Thời gian qua, TP. HCM đã đầu tư nhiều cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố gồm cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện cả 4 ngành này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và không có điểm nhấn. Xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của TP. HCM nói riêng vẫn theo mô hình tăng trưởng chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển.

Nền sản xuất và xuất khẩu có năng lực cạnh tranh thấp, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu. Do đó, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của TP. HCM hoàn toàn bị dẫn dắt từ những biến động thị trường thế giới, rất khó để hoạch định và triển khai hiệu quả các chiến lược hay chương trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu.

Thậm chí, thành phố vẫn chưa xác định được những ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao và có đủ năng lực cạnh tranh dựa trên các phân tích, đánh giá một cách khoa học hay có cách tiếp cận mới hơn. Do đó, các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển xuất khẩu trong những năm trước vẫn còn dàn trải và thiếu cơ sở, gây lúng túng cho công tác triển khai.

TP. HCM chưa đánh giá được thực trạng và các nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của ngành theo cách tiếp cận năng lực cạnh tranh của cụm ngành và chuỗi giá trị, trong đó nhấn mạnh vai trò của sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và sự liên kết giữa các công đoạn trong chuỗi. Do đó, các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu cụ thể cho từng ngành thiếu tính hệ thống, phân mảng, dẫn đến kém hiệu quả.

Theo TS. Trần Du Lịch, TP. HCM tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu thì tốt hơn là tự đứng ra sản xuất. Sản phẩm xuất khẩu của TP.HCM phải tính toán đến cả yếu tố vùng miền, vì đây là trung tâm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng toàn khu vực. Để làm được điều này, hoạt động sản xuất của TP. HCM phải được gắn kết với “vùng kinh tế TP. HCM”.

“Tôi cho rằng cần nghiên cứu làm rõ việc gắn kết vùng kinh tế TP.HCM và dứt khoát phải thay đổi tư duy về hàng hóa xuất khẩu. Ngay cả 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 lĩnh vực dịch vụ cũng cần phải xem lại vì nhiều khả năng sẽ không còn phù hợp trong giai đoạn mới”, ông Trần Du Lịch nói.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Việt Anh, Hiệp hội Nhựa cao su TP. HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn, cũng cho rằng đã và đang có sự dịch chuyển một lượng lớn DN từ TP. HCM đến các địa phương khác vì nhiều nguyên nhân. Tại TP. HCM, trong giai đoạn 2016 - 2018 có khoảng 200 DN ngành nhựa cao su thì hiện có tới 100 DN chuyển đến các địa phương khác để sản xuất. Do vậy, vấn đề gắn kết sản xuất trong vùng kinh tế TP. HCM là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng trong chiến lược phát triển, thành phố cần xác định vai trò “đầu tàu” về kinh tế theo nguyên tắc nhất quán là “sự phát triển của thành phố có tác động lôi kéo sự phát triển của các địa phương lân cận. Để đảm nhận được vai trò đó, phải đầu tư để hội đủ các điều kiện về dịch vụ hỗ trợ DN như xây dựng các trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa, dịch vụ tài chính, viễn thông, vận chuyển, kho bãi; các cơ sở đào tạo nhân lực và nghiên cứu công nghệ như trường học, viện nghiên cứu; các dịch vụ như bệnh viện, khu du lịch, lưu trú và giải trí.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp theo hướng liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh của TP.HCM.

Xem thêm

Ngọc Hậu