|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tổng Giám đốc công nghệ Uber: Làm startup đừng sợ thất bại

13:49 | 25/07/2017
Chia sẻ
Theo ông Thuận Phạm, Tổng Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu, cộng đồng khởi nghiệp phải luôn hướng đến sự thay đổi, chớp lấy cơ hội để làm những cái mới, vượt lên khuôn khổ truyền thống, không nên lo sợ trước những rủi ro, thất bại trên con đường đang đi.

tong giam doc cong nghe uber lam startup dung so that bai

Ông Thuận Phạm, Tổng Giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu (bên trái) chia sẻ trước coojngd dồng startup Việt sáng ngày 25/7.

Uber lớn lên sau mỗi lần vấp ngã

Ông Thuận Phạm, Tổng Giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu được xem là kỹ sư gốc Việt thành công nhất tại Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện nay. Gia nhập Uber vào năm 2013, khi đó Uber mới chỉ có mặt tại 60 thành phố và mỗi ngày chỉ có khoảng 13.000 chuyến.

Tuy nhiên đến nay, sau 4 năm, Uber đã cung cấp dịch vụ tại hơn 450 thành phố trên khắp thế giới với hàng chục triệu chuyến xe mỗi ngày. Khối kỹ thuật do ông làm “thuyền trưởng” đã lên đến hơn 2.000 người, giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của Uber. Thậm chí, hệ thống hàng ngàn máy tính của Uber có thể đáp ứng cho nhu cầu kết nối lên tới 50 triệu chuyến xe mỗi ngày, Uber trở thành gã khổng lồ trong làng công nghệ.

Tuy nhiên, tại sự kiện “Cùng công nghệ làm nên điều kỳ diệu” tổ chức tại Hà Nội ngày 25/7 trước cộng đồng startup Việt, ông Thuận Phạm chia sẻ thành công nào đằng sau cũng có thất bại. Và ngay tại Uber cũng vậy.

Ông nhớ lại, trong 18 tháng đầu tiên làm việc tại Uber thì chuyện gặp sự cố, khó khăn thường xuyên xảy ra. Ví dụ, có thời điểm card mạng chết, toàn bộ hoạt động của Uber tại thành phố Chicago (Mỹ) bị sự cố trong 90 phút và điều đó khiến CEO tức giận vì quá chậm để đưa ra sự khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên, ông cho rằng Uber không thể đạt được thành công như ngày nay nếu không có thất bại. Bởi sau những sự cố như thế, Uber đã xem xét lại toàn bộ vấn đề, xem xét đội ngũ nhân sự… để hoàn thiện hơn về chất lượng dịch vụ, sự ổn định về kỹ thuật, xây dựng quy trình xử lý sự cố kịp thời hơn…

Hiện trong vấn đề xử lý sự cố, Uber chia ra các nhóm vấn đề khác nhau theo cấp từ 1-5 (cấp thứ 5 là cấp sẽ tác động, ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ) để làm công tác báo cáo phù hợp và xử lý kịp thời.

Do đó, với bất cứ doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm hay startup, đừng để vấn đề trở thành thảm họa hoặc sự cố kéo dài sang tới ngày thứ hai mới xử lý khiến khách hàng sử dụng dịch vụ thất vọng, mất tiềm tin, mà cần phải rà soát thường xuyên, theo dõi từng phút.

“Áp dụng những nguyên tắc đó, Uber đã hoạt động ổn định hơn. 1 năm qua tôi không còn bị gọi báo sự cố vào lúc nửa đêm”, ông Thuận Phạm chia sẻ.

tong giam doc cong nghe uber lam startup dung so that bai

Uber hiện là gã khổng lồ trong làng công nghệ.

Đừng sợ hãi trước thất bại

Chia sẻ tại sự kiện, Tổng Giám đốc công nghệ Uber, ông Thuận Phạm đánh giá tại Việt Nam, giới trẻ rất tài năng, có chí tiến thủ, khao khát vươn lên và tiềm năng khởi nghiệp ở Việt Nam rất lớn.

Ngay với “thủ phủ” của Uber tại Mỹ, hiện có hơn 10 kỹ sư gốc Việt đang làm việc và có năng lực không hề thua kém các nước phát triển.

Trao đổi trước cộng đồng hàng trăm startup Việt ngày 25/7, Tổng Giám đốc công nghệ Uber Thuận Phạm nhấn mạnh cộng đồng khởi nghiệp phải luôn hướng đến sự thay đổi, làm những cái mới vượt lên khuôn khổ truyền thống, cần chớp lấy cơ hội và không nên lo sợ trước những rủi ro, thất bại.

Cùng đó, đừng suy nghĩ quá nhiều về con đường mình sẽ đi trong tương lai, bởi vì người ta sẽ không thể biết con đường mình sẽ đi như thế nào.

“Cách đây 20-30 năm tôi cũng không biết con đường của mình sẽ thế nào. Mà tôi nhìn vào công việc mình đang làm, xem đâu là thách thức, đâu là điều làm cho mình hào hứng, phải liên tục học hỏi để mang lại cho mình kiến thức, kỹ năng mới”, ông Thuận Phạm chia sẻ.

Trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp cần tìm ra vấn đề muốn giải quyết, sản phẩm muốn cung cấp, đừng trông chờ vào sự tài trợ của chính phủ hay bên liên quan nào khác. Startup cần ý tưởng tốt, ý tưởng khả thi. Bởi khi có ý tưởng tốt, được thị trường chứng minh thì không thiếu nhà đầu tư nhảy vào.

Ông Thuận Phạm cũng chia sẻ bản thân ông sẵn sàng hỗ trợ, tạo nguồn cảm hứng để khuyến khích cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển. Trong thời gian tới, ngoài chương trình Uber Exchange, Uber sẽ phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị khác để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển.

Nguyên Đức