|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tình yêu nồng nhiệt đầy toan tính của Nhật Bản với Bitcoin

21:14 | 06/02/2018
Chia sẻ
Trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế ở châu Á "hắt hủi" các tiền ảo như Bitcoin, người dân và chính phủ Nhật Bản vẫn thể hiện tình yêu nồng nhiệt với chúng.
tinh yeu nong nhiet day toan tinh cua nhat ban voi bitcoin Thợ đào tiền ảo cần 556 ngày để tạo ra một Bitcoin
tinh yeu nong nhiet day toan tinh cua nhat ban voi bitcoin Lập chợ cho người chơi tiền ảo, doanh nhân kiếm 170 tỷ đồng sau 3 tháng

Đà giảm giá liên tục của Bitcoin, hai vụ lấy cắp tiền ảo lớn nhất thế giới, với tổng thiệt hại lên tới gần một tỷ USD, tại các sàn giao dịch tiền thuật toán ở thành phố Tokyo và xu hướng văn hóa bảo thủ lẽ ra phải làm thui chột nhiệt huyết của Nhật Bản đối với Bitcoin và các tiền ảo khác, SCMP nhận định.

Tình trạng kinh tế đình đốn từ sự vỡ tan của nền kinh tế bong bóng trong những năm đầu thập niên 90 khiến chính phủ Nhật Bản luôn sẵn sàng chộp lấy mọi động lực tăng trưởng. Mặc dù học thuyết kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe khiến công chúng cảm thấy đỡ lo lắng hơn, tình trạng suy giảm dân số và giảm thuế doanh nghiệp, cùng với khoản nợ quốc gia khổng lồ, khiến cho triển vọng dài hạn vẫn bấp bênh. Tiền thuật toán và những công nghệ liên quan mang tới tiềm năng cho tăng trưởng, nguồn thu thuế và vai trò dẫn dắt của Nhật Bản trong bối cảnh các nền kinh tế khác trong khu vực như Trung Quốc và Hàn Quốc đang “hắt hủi” tiền số.

tinh yeu nong nhiet day toan tinh cua nhat ban voi bitcoin
Xu hướng văn hóa bảo thủ và những vụ lấy trộm tiền ảo chấn động không thể làm giảm tình yêu đối với Bitcoin của Nhật Bản. Ảnh: cmcsoft.com

Chính phủ Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền ảo và hầu hết hoạt động liên quan, trong khi Hàn Quốc cấm giao dịch nặc danh, một trong những điểm hấp dẫn nhất của tiền thuật toán, nhưng chưa ban hành lệnh cấm giao dịch như nhiều người lo ngại. Ngược lại, chính phủ Nhật Bản vẫn “mở rộng vòng tay” với tiền thuật toán, theo Bloomberg.

“Một số nghiên cứu ước tính nguồn thu thuế từ hoạt động kinh doanh tiền ảo, bao gồm thuế thu nhập từ các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp, có thể lên tới một nghìn tỷ yen (9,2 tỷ USD) dù đó là con số mang tính dự đoán rất cao”, Takashi Shiono, một nhà kinh tế của Credit Suisse tại Tokyo, nhận xét.

Trong một động thái bất ngờ trong “nền dân chủ điềm đạm”, hồi tháng 4, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên chính thức công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán và tài sản.

“Giới lập pháp ở Nhật Bản thường bảo thủ và không bao giờ đảm nhận vị trí tiên phong. Chính phủ muốn thúc đẩy công nghệ tài chính thông qua tiền ảo và công nghệ chuỗi khối”, Ken Kawai, một luật sư của hãng luật Anderson Mori & Tomotsune và cố vấn cho nhiều doanh nghiệp công nghệ tài chính, phát biểu.

Kawai nhận định hiểu biết của giới hoạch định chính sách Nhật Bản về tiền thuật toán khá hạn chế, song dường như họ đã quyết định để chúng phát triển. Thậm chí vụ trộm tiền ảo NEM với trị giá lên tới 500 triệu USD vào sáng sớm hôm 26/1 cũng không thể khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại về tiền ảo.

“Có thể chúng ta sẽ thấy giới chức Nhật Bản ban hành những quy định nghiêm ngặt hơn, nhưng họ sẽ không cấm giao dịch tiền ảo”, Shiono dự đoán. Scott Gentry, người đồng sáng lập công ty FreeAbound để tư vấn tiền ảo và công nghệ chuỗi khối, đồng ý với Shiono. “Chính phủ cần giám sát giao dịch tiền thuật toán chặt chẽ hơn và tôi nghĩ nhu cầu đó có thể dẫn tới hoạt động kiểm toán thường xuyên đối với các sàn giao dịch tiền thuật toán”, ông nói.

Gentry ước tính tiền số có thể đóng góp tới 0,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản. Con số ấy có vẻ không lớn, song với việc giới chuyên môn dự đoán GDP của Nhật Bản có thể tăng thêm 1,5% trong năm nay, hoạt động giao dịch tiền ảo có thể chiếm tới 20% của mức tăng này.

Khoảng 10.000 công ty ở Nhật Bản chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, bao gồm hãng hàng không giá rẻ lớn nhất và hai tập đoàn bán lẻ thiết bị điện tử lớn nhất. Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn thứ tám thế giới, đang phát triển tiền ảo riêng của họ (MUFG Coin), theo Nikkei.

Vị thế trung tâm tài chính châu Á của Nhật Bản đang giảm dần trong vài thập niên qua, bởi Tokyo ngày càng yếu thế trước các đối thủ trong khu vực, bao gồm Hong Kong và Singapore. Một thị trường tiền ảo bùng nổ mang tới cơ hội để phục hồi một số “hào quang tài chính” đối với thủ đô của Nhật Bản ở cấp độ châu Á lẫn toàn cầu.

Mặc dù Trung Quốc cấm tiền ảo và giao dịch tiền thuật toán, báo giới đưa tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang phát triển tiền ảo riêng.

“Rất có thể họ sẽ coi tiền ảo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là cách quản lý chính quyền và thương mại, nhưng trong môi trường mà họ có thể kiểm soát. Cách tiếp cận đó trái ngược với tiền ảo và công nghệ chuỗi khối, hai thứ không dựa trên cấu trúc hệ thống tập trung”, Gentry bình luận.

Kim Cương