Tình cảnh khốn khó của nữ kỹ sư Bách Khoa kinh doanh theo đam mê
Nguyễn Thị Lệ, giám đốc, công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục & Thương Mại Dịch vụ Y tế Hạnh Phúc, hợp tác với Bệnh viện Mắt Việt Nhật cùng thực hiện dự án "Mắt sáng Việt Nam". Với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Mắt Việt Nhật, dự án chuyên đo sàng lọc tật khúc xạ mắt cho học sinh mầm non, tiểu học & THCS với mức phí 50.000 đồng một lượt.
Trước khi tự kinh doanh lần đầu tiên, Lệ từng làm thuê cho hai công ty trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới 2007. Tới tháng 12/2007, vì đam mê khiêu vũ, thấy một thầy giáo dạy nhảy muốn bán cơ sở dạy khiêu vũ vì kinh doanh thua lỗ, chị cùng với mấy người bạn góp tiền để mua lại với giá 500 triệu đồng. Lệ đóng góp 100 triệu đồng (chiếm 20% vốn) và giữ chức phó giám đốc phụ trách kinh doanh. Lương danh nghĩa của chị là 3 triệu đồng/tháng.
Kỹ sư Nguyễn Thị Lệ tin rằng chị có thể đối đầu mọi nghịch cảnh nhờ những khó khăn, thất bại mà chị từng trải qua. Ảnh: Nguyễn Thị Lệ |
"Làm việc từ 7h sáng đến 23h30 mỗi ngày, nhiều khi trong túi tôi chẳng có nổi 1.000 đồng. Khi trời rất lạnh, tôi chỉ dám ra chỗ bán quần áo cũ để mua áo dạ với giá 110.000 đồng và mặc tới 5 năm", Lệ kể.
Dù Lệ và mọi người làm việc chăm chỉ, công ty vẫn hết vốn sau 6 tháng, phải vay tiền để trả lương cho nhân viên và trang trải những chi phí khác. Bản thân Lệ không được nhận khoản lương 3 triệu đồng hàng tháng, mà còn phải bù vào 5-6 triệu mỗi tháng để công ty tiếp tục hoạt động. Chị phải "muối mặt" vay tiền nhiều người.
"Hoàn cảnh lúc đó rất thê thảm. Ngày nào tôi cũng thấy gánh nặng đè lên vai, nhưng vẫn hy vọng khó khăn sẽ kết thúc", Lệ tâm sự.
Cực chẳng đã, Lệ phải quay trở lại làm thuê để có tiền bù lỗ cho công ty, rồi vận động mẹ và hai em trai vào công ty để hỗ trợ chị. Cuối cùng nhóm cũng bán được công ty vào cuối năm 2008. Ngoài khoản lỗ 50 triệu của bản thân và một năm làm việc không công, chị Lệ vẫn phải tiếp tục giải quyết hoàn toàn hậu quả của công việc kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.
Thoát khỏi gánh nặng của lần kinh doanh đầu, Lệ quay trở lại Việt Thái - công ty cung cấp thiết bị y tế mà chị từng làm sau khi ra trường - theo lời mời của công ty. Là nhân viên kinh doanh, chị phải chịu vô số áp lực - từ doanh số, sự cạnh tranh của đồng nghiệp và chăm sóc khách hàng.
"Mức khoán doanh số của tôi là 20 tỷ đồng mỗi năm. Tôi chỉ đạt 1/4 số đó nên nhiều lúc không dám nhìn sếp", chị kể.
Với dự án "Mắt sáng Việt Nam", chị Lệ không những mang lại lợi ích cho các cháu học sinh, phụ huynh, nhà trường, mà còn góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ mắt trẻ em, tăng uy tín của những cơ sở y tế liên kết với dự án. "Mang lại lợi ích trị giá 10 đồng cho khách hàng, tôi chỉ xin 1 đồng tiền công", chị thổ lộ. |
Bất chấp áp lực và sự mặc cảm, Lệ vẫn kiên trì và nỗ lực. Rồi một ngày, ban lãnh đạo công ty bổ nhiệm chị làm trưởng phòng kinh doanh. Nhưng đúng 3 tháng sau, vào tháng 4/2016, chị xin thôi việc để tiếp tục con đường tự kinh doanh. Lần này chị thành lập công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục & Thương Mại Dịch vụ Y tế Hạnh Phúc để chăm sóc mắt cho học sinh. Công ty chính thức hoạt động từ ngày 30/5/2016.
"Lập công ty riêng, trong giai đoạn đầu tôi phải đối mặt với khó khăn trong mọi khâu - từ tìm khách hàng tới tuyển thêm người. Nhiều khi tôi không tìm đủ việc làm cho nhân viên, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, công ty vướng các vấn đề về quy định pháp luật", Lệ kể.
Sau 2 năm từ khi trở lại con đường làm chủ, chị Lệ cùng đội ngũ dự án "Mắt sáng Việt Nam" đã kiểm tra mắt cho học sinh tại hơn 400 trường ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang. Các nhân viên y tế của dự án đã phục vụ trên 50.000 học sinh, phát hiện hơn 8.000 trẻ mắc tật khúc xạ. Từng ngày, từng giờ, chị Lệ cảm nhận niềm vui khi giúp ích cho đời bằng việc bảo vệ đôi mắt trẻ thơ. Nữ doanh nhân 36 tuổi biết ơn những khó khăn mà chị đã trải qua, bởi chúng hun đúc chị thành con người bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu mọi nghịch cảnh trong tương lai.