|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng chia tốp ngân hàng

12:01 | 26/06/2018
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) sẽ nâng vốn điều lệ lên tương ứng khoảng 25.000 tỉ đồng và 35.000 tỉ đồng trong tháng tới thông qua việc chia thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu.
tin dung chia top ngan hang Kiểm soát tín dụng bất động sản
tin dung chia top ngan hang Có dữ liệu công dân: tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển lành mạnh

Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) dự kiến sẽ hoàn tất việc bán cổ phần cho nước ngoài và tăng vốn trong quí 3, chậm nhất là quí IV/2018. Đại diện Vietcombank cho biết việc bán cổ phần cho đối tác ngoại của những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối không dễ dàng như các ngân hàng cổ phần.

Ngoài điều kiện về giá cả (phải theo sát và không được thấp hơn giá trên sàn), bên mua còn phải nắm giữ cổ phần ít nhất 12 tháng và quan trọng nhất là tổ chức mua phải đến từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Bên mua có thể chuyển nhượng sau thời gian nắm giữ đã thỏa thuận, tuy nhiên chuyển nhượng cho đối tác thứ ba nào, cũng cần có ý kiến của Vietcombank.

tin dung chia top ngan hang
Vietcombank dự kiến sẽ hoàn tất việc bán cổ phần cho nước ngoài và tăng vốn trong quí 3, chậm nhất là quí 4-2018. Ảnh: UYÊN VIỄN

Với những điều khoản chặt chẽ, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng nửa quốc doanh tiến triển chậm và sự phát triển của chúng đang bị gò bó, đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng. Gần đây các ngân hàng liên tục đề cập đến mở rộng thị phần của mảng dịch vụ trong tổng doanh thu và lợi nhuận nhưng mở rộng cách nào thì vẫn là những tiền đề cũ như hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm, phát hành thẻ, đẩy mạnh kinh doanh ngoại hối, bán lẻ (nhắm đến khách hàng cá nhân)...

Các tổ chức tín dụng cổ phần giờ đây đã tự động phân tách thành hai lớp tương đối cách biệt, mà một trong những minh chứng là thị giá cổ phiếu của chúng trên sàn.

Bán sản phẩm bảo hiểm không phải là một mỏ vàng và việc hạch toán một cục phí bảo hiểm nhận được từ các doanh nghiệp bảo hiểm ngay trong năm đầu tiên thay vì phải hạch toán trong 10-15 năm, chỉ có thể diễn ra một lần. Phát hành thẻ và doanh số thanh toán từ thẻ cũng không hề “ngon ăn” cho dù tiềm năng của thị trường này là không thể phủ nhận. Nhìn đi nhìn lại, ngân hàng Việt trong vòng ba năm tới, vẫn phải dựa vào tín dụng để “sống”. Mà tín dụng thì đang khá “gai góc”!

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, nói đến giữa tháng 6-2018 tín dụng của ngân hàng này đã tăng trưởng xấp xỉ 9% so với đầu năm và căn cứ trên những hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, đến hết tháng 7-2018 Vietcombank sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% cho cả năm. “Chúng tôi muốn tín dụng tăng tốt và tăng tối đa ngay từ đầu năm để cuối năm không bị dồn lại”, ông Thành giải thích.

Một trong những chiến lược về tín dụng của Vietcombank là tập trung vào nguồn vốn giá rẻ và nâng tỷ lệ sử dụng vốn (tỷ lệ cho vay trên huy động) lên 85%. Vietcombank thường có tỷ lệ sử dụng vốn thấp (hiện mới đạt 78%) và dư địa phát triển tín dụng không còn nhiều nếu không giải quyết được bài toán tăng vốn.

Hiện tổng dư nợ của Vietcombank khoảng trên 600.000 tỉ đồng, bằng một nửa của BIDV. Dư địa tăng tín dụng của BIDV cũng đã đến giới hạn vì chưa tăng được vốn điều lệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu bốn ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank năm nay giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 1%/mỗi ngân hàng so với năm ngoái. Quí 4 thường là thời điểm tăng trưởng tín dụng cao của Agribank, có năm tới 5%, nhưng năm nay điều này có thể thay đổi.

Sự thận trọng trong phát triển tín dụng của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có lý do, chủ yếu là nhằm kiểm soát lạm phát. Ngoài ra tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng đang phình ra nhanh, từ 4,5 triệu tỉ đồng năm 2014-2015 lên 6,7 triệu tỉ đồng hiện nay theo dữ liệu thống kê của NHNN. Nợ xấu tiềm ẩn trong 2,2 triệu tỉ đồng cho vay tăng thêm hiện chưa thể đo đếm chính xác.

BIDV năm nay, theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc, không chạy theo tín dụng bằng mọi cách, mà tập trung vào tín dụng lành mạnh, giảm dư nợ của những doanh nghiệp có tình hình tài chính không chắc chắn và tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Theo chỉ đạo của NHNN, BIDV cũng như các ngân hàng khác, tăng cả trích lập dự phòng chung (dự phòng chung 0,75% tổng dư nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 theo quy định - NV) và dự phòng riêng, chú trọng nợ nhóm 2 là nhóm nợ cần theo dõi.

Từ góc độ tín dụng, có thể thấy năm 2018 bức tranh lợi nhuận ròng của ngân hàng đang chuyển biến theo nhiều hướng khác nhau. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank, theo lời ông Thành, có thể đạt 14.000 tỉ đồng nếu suôn sẻ. Với BIDV và VietinBank, mức lợi nhuận trước thuế 10.000 tỉ đồng còn phụ thuộc vào số trích lập dự phòng rủi ro.

Ở khối ngân hàng cổ phần, lợi nhuận trước thuế của VPBank, ACB, Quân đội và Techcombank có khả năng cán mức cao nhất từ trước đến nay so với chính họ. Tuy nhiên sau những đỉnh cao liệu có là một đỉnh cao hơn thì không ai trả lời được. “Của để dành” (số dư trích lập dự phòng rủi ro) của những ngân hàng trên đang thu hẹp và có thể hẹp hơn đáng kể nếu việc hoàn nhập dự phòng diễn ra mạnh mẽ.

Các tổ chức tín dụng cổ phần giờ đây đã tự động phân tách thành hai lớp tương đối cách biệt, mà một trong những minh chứng là thị giá cổ phiếu của chúng trên sàn. Trong khi thị trường đang “dán mắt” vào nhóm đầu, động thái của cơ quan quản lý dường như chú trọng đến nhóm sau. Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn đang gõ nhịp và cửa sắp mở cho những thành viên của tốp sau bứt phá.

Xem thêm

Hải Lý