|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tìm lời giải cho cuộc 'nội chiến chung cư'

21:19 | 12/07/2017
Chia sẻ
Việc không tìm được tiếng nói chung giữa cư dân và chủ đầu tư khiến tranh chấp tại các khu chung cư bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng không tốt tới thị trường căn hộ. Nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng, cuộc “nội chiến” này cần sớm có lời kết.
tim loi giai cho cuoc noi chien chung cu
Tìm lời giải cho cuộc 'nội chiến chung cư'

Cuộc “nội chiến” âm ỉ

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, tình hình tranh chấp trong chung cư chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung-riêng, hay tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư, về chất lượng công trình, thiết bị...

Đặc biệt, tranh chấp gay gắt xảy ra khi chủ đầu tư không làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm, trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn… Chẳng hạn như tại dự án Thảo Điền Pearl, quận 2, TP.HCM do Công ty SSG2, thuộc SSG Group làm chủ đầu tư.

Dự án được bàn giao căn hộ cho cư dân trong giai đoạn cuối năm 2013, đầu năm 2014, nhưng đến nay, dù cư dân đã phải thanh toán 100% giá trị căn hộ và về ở từ lâu, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể bàn giao sổ đỏ cho khách hàng.

Bà N.M.H, một cư dân khác ở Block B Thảo Điền Pearl tỏ ra bức xúc: “Chúng tôi biết có rất nhiều dự án, trong đó có cả dự án khác của SSG Group đã cấp sổ hồng chỉ sau 1 năm bàn giao nhà. Chính bản thân tôi khi mua nhà thuộc dự án của chủ đầu tư khác cũng được họ hỗ trợ nhiệt tình trong việc làm giấy tờ pháp lý, chỉ chưa đến 1 năm đã có sổ đỏ. Vậy vì lý do gì mà suốt gần 4 năm trời, cư dân dự án Thảo Điền Pearl chúng tôi vẫn không được cấp sổ đỏ”.

Nhiều cư dân Thảo Điền Pearl còn cho rằng, chủ đầu tư từng thừa nhận, trong quá trình thiết kế, xây dựng ban đầu và hiện tại có điều chỉnh một số hạng mục cho phù hợp với thực tế và công năng sử dụng của tòa nhà. Mỗi lần điều chỉnh lại phải xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép theo đúng quy định pháp luật và tiến trình thực hiện của các sở, ban ngành…

Trước sự chây ỳ của chủ đầu tư, hàng trăm khách hàng đã treo băng rôn phản đối chủ đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư sớm bàn giao sổ đỏ cho khách hàng.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện chủ đầu tư lại cho rằng, chủ đầu tư không có thẩm quyền làm sổ đỏ, mà cơ quan chức năng mới có thầm quyền đó. Còn lý do chậm là vì khi xây dựng dự án chủ đầu tư đã xây lấn chiến diện tích 243 m2 đất ngoài dự án, cơ quan chức năng khi nghiệm thu đã phát hiện và tiến hành thẩm định lại dự án.

Không chỉ dự án Thảo Điền Pearl, tranh chấp còn xảy ra tại nhiều dự án khác liên quan đến chất lượng, phí bảo trì.

Trong câu chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa chủ đầu tư và cư dân bùng phát thời gian qua đã khiến lòng tin của khách hàng vào thị trường bị lung lay chút ít, ảnh hưởng chung tới sự phát triển của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư lại không nhìn nhận rõ vấn đề, không cầu thị để giải quyết dứt điểm tranh chấp. “Xây 1.000 căn hộ thì cũng phải có một vài căn bị lỗi chứ…”, một chủ đầu tư có dự án tại quận Bình Tân khi bàn giao nhà cho khách hàng nhưng sau đó khách hàng phản ánh chất lượng nhà kém, xuống cấp nhanh từng phát biểu khi cư dân treo băng rôn và kéo tới văn phòng công ty phản ứng.

Hóa giải cách nào?

Mới đây, câu chuyện có những hộ dân sống tại chung cư Him Lam Chợ Lớn, quận 6 (TP.HCM) phản ứng khi chủ đầu tư là Công ty Him Lam Land thay đổi vị trí nhà cộng đồng, từ sảnh trung tâm qua phía góc. Lý do chủ đầu tư này thay đổi được ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc HimLam Land cho biết, là trước khi thiết kế và sau khi xây dựng xong, nhà cộng đồng nằm ở chính giữa chung cư.

Nhưng sau đó, chủ đầu tư nhìn thấy vấn đề rằng, không thể để như vậy, bởi nếu cư dân có ma chay, cưới hỏi, hay họp hành, thì sẽ bất lợi cho các cư dân sinh sống ở chung cư trong việc đi lại. Do đó, chủ đầu tư họp xin ý kiến cư dân dời nhà sinh hoạt cộng đồng qua bên cạnh để dễ dàng cho cư dân đi lại… Tuy nhiên, sau đó một số cư dân phản ứng việc này và cho rằng, chủ đầu tư làm vậy là không được.

“Chúng tôi đã ngay lập tức xin ý kiến lại người dân, giải thích cụ thể cho cư dân để mọi người hiểu chúng tôi làm vậy mục đích tốt cho cư dân, chứ không mưu cầu vụ lợi gì. Kết quả cư dân đã hiểu vấn đề chủ đầu tư muốn đưa ra…

Câu chuyện chủ đầu tư và khách hàng thực sự cần có một lời giải, mà lời giải đó phải là sự chân thành cũng như sự bình tĩnh đối với cư dân”, ông Phúc nói.

Câu chuyện cách đây không lâu đến từ dự án The EverRich 1 tại quận 11 (TP.HCM) của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt. HIện cả cư dân và chủ đầu tư đều vui vẻ “làm lành” với nhau, nhưng trước đó, cư dân kiện tụng chủ đầu tư thay đổi công năng, chậm giao phí bảo trì chung cư cho cư dân… và đưa câu chuyện lên mặt báo. Kết quả, chủ đầu tư và cư dân đã ngồi lại với nhau tại cuộc họp 8 tiếng để giải thích những khúc mắc và tìm được điểm chung.

The EverRich 1 khá điển hình cho một cuộc “nội chiến chung cư”, bởi những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân thực sự không nhiều và không phải những chuyện “cháy nhà chết người”, hay “sai phạm tày đình”, mà chỉ là chủ đầu tư sơ suất không thông báo trước với cư dân về những thay đổi trong quá trình chung cư hoạt động cho phù hợp với cuộc sống cư dân.…

Song “chuyện không có gì” mà vẫn “ầm ĩ”, bởi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, mặc dù cư dân phản ánh, đã nhiều lần gặp đại diện chủ đầu tư cũng như gửi văn bản kiến nghị, còn chủ đầu tư cũng “giãi bày” là trân trọng mọi ý kiến đóng góp của khách hàng, cư dân, thậm chí thành lập “đội phản ứng nhanh” để hỗ trợ cư dân, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, thực chất trong giai đoạn bàn giao, không dự án nào tránh khỏi những thiếu sót hoặc không thống nhất về quan điểm đối với một số vấn đề kỹ thuật.

Cư dân, khách hàng nên trực tiếp phản hồi với chủ đầu tư để cùng chia sẻ, trao đổi và thống nhất được cách thức xử lý phù hợp, thay vì đưa nhau ra “diễu phố”, bởi đó không phải cách thức giải quyết các vấn đề tồn tại, tạo dựng một cộng đồng văn minh, đoàn kết.

“Thay đối đầu bằng đối thoại, cả cư dân lẫn chủ đầu tư sẽ được nhiều hơn là đẩy nhau sang hai bên chiến tuyến để quyết chiến, quyết thắng với nhau, bởi bên nào thắng thì dự án cũng đã “mang tiếng xấu”, thậm chí khó mua bán, bởi ai cũng ngại ở chung cư có tranh chấp, khiếu kiện”, luật sư Phượng nói.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc HưngThinh Land cũng cho rằng, tìm tiếng nói chung, thay đối đầu bằng đối thoại, là những giải pháp không mới song nó chính là “đầu sợi chỉ” trong mớ “bòng bong” của cuộc chiến chung cư.

Nếu túm được “đầu sợi chỉ”, mọi nút thắt chắc chắn sẽ được tháo gỡ trong “hoà bình”. Đây cũng chính là những tư vấn rất hữu ích để chủ đầu tư và cư dân tham chiếu khi cùng nhau giải quyết những cuộc “nội chiến chung cư”.

tim loi giai cho cuoc noi chien chung cu Gỡ bất cập cho nhà tái định cư

Những bất cập tại các khu nhà tái định cư lâu nay là vấn đề gây bức xúc. Để giải quyết tình trạng này, mới ...

tim loi giai cho cuoc noi chien chung cu Thương hiệu 'chung cư ông Thản': Sự bùng nổ ồ ạt và nỗi ám ảnh của người dân thủ đô

Được gọi là "ông trùm" nhà giá rẻ ở Hà Nội song chính sự phát triển ồ ạt không đi đôi cùng chất lượng khiến ...

tim loi giai cho cuoc noi chien chung cu Dự án 'một căn hộ bán cho nhiều người': Sẽ xem xét chứng cứ mới

Dù hành vi của chủ đầu tư chung cư Gia Phú được cơ quan công an xác định có dấu hiệu của tội lừa đảo, ...

Gia Huy